USD và vàng tăng vọt trước khi Fed công bố biên bản họp
Đồng USD tăng vọt trong phiên thứ Ba (3/1) trước khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) công bố biên bản cuộc họp tháng 12/2022 (vào ngày 4/1); trong khi đồng euro giảm sâu do dữ liệu cho thấy lạm phát của khu vực đồng euro ở mức vừa phải.
Ngân hàng trung ương Mỹ đã giảm tốc độ tăng lãi suất xuống 50 điểm cơ bản vào tháng cuối cùng của năm 2022, sau khi thực hiện 4 lần tăng 75 điểm cơ bản liên tiếp, nhưng nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì xu hướng tăng lãi suất để giảm lạm phát.
Các nhà đầu tư sẽ theo dõi các dấu hiệu cho thấy Fed lo ngại như thế nào về lạm phát dai dẳng và suy nghĩ của các quan chức Fed về thị trường lao động, mặc dù biên bản cuộc họp có thể không giống như chuyển động của thị trường vì dữ liệu về việc làm và lạm phát sắp được công bố, Bipan Rai, người phụ trách bộ phận chiến lược ngoại hối khu vực Bắc Mỹ của CIBC Capital Markets - ở Toronto – cho biết.
Bức tranh việc làm của nước Mỹ - vẫn còn khả quan - được xem là mang lại cho Fed nhiều dư địa hơn để tiếp tục tăng lãi suất khi cơ quan này đang nỗ lực giảm lạm phát cao. Báo cáo việc làm tháng 12, rất được mong đợi, sẽ được công bố vào thứ Sáu (6/1), và dữ liệu giá tiêu dùng tháng 12 sẽ được công bố vào ngày 12/1.
Các nhà giao dịch quỹ Fed Fund Futures đang nhận định Fed sẽ hạ lãi suất trong năm nay, với lãi suất của quỹ liên bang dự kiến sẽ đạt đỉnh 4,98% vào tháng 6 trước khi giảm xuống 4,57% vào cuối năm, mặc dù cho đến lúc này Fed vẫn giữ quan điểm sẽ tiếp tục tăng lãi suất.
Chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt - kết thúc phiên 3/1 tăng 0,82% lên 104,49. Tuy nhiên, ông Rai của CIBC Capital Markets cảnh báo không nên quá chú ý đến những động thái thị trường lúc này bởi thanh khoản tương đối mỏng khi các nhà đầu tư mới quay trở lại thị trường sau kỳ nghỉ lễ.
Dữ liệu hôm qua cho thấy chi tiêu xây dựng của Mỹ bất ngờ tăng trở lại vào tháng 11 chủ yếu do các lĩnh vực phi nhà ở, trong khi hoạt động xây dựng nhà riêng tiếp tục bị cản trở bởi lãi suất thế chấp tăng cao.
Trong phiên vừa qua, đồng bạc xanh có thể cũng được hỗ trợ tăng giá bởi hoạt động mua các tài sản an toàn sau khi dữ liệu trước đó cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã giảm với tốc độ mạnh trong tháng 12 do số ca nhiễm COVID-19 gia tăng làm gián đoạn sản xuất và ảnh hưởng tới nhu cầu.
Đô la Úc và Đô la New Zealand, vốn nhạy cảm với sự tăng trưởng của Trung Quốc, đều giảm khoảng 0,90% trong phiên này.
Đồng euro cũng giảm 0,92% xuống còn 1,0567 USD/EUR sau khi dữ liệu lạm phát các tiểu bang của Đức cho thấy áp lực giá cả đã giảm trong tháng 12, cho thấy lạm phát trên toàn quốc cũng có thể chậm lại tháng thứ hai liên tiếp, một phần do Chính phủ đã thanh toán một lần hóa đơn năng lượng cho các gia đình.
Ngân hàng Scotiabank lưu ý rằng tháng 1 thường là tháng mà đồng USD mạnh lên.
"Sự khởi đầu mạnh mẽ cho năm dương lịch mới đối với USD rất phù hợp với các xu hướng theo mùa dài hạn (và ngắn hạn) từ trước tới nay, thường chứng kiến sự phục hồi của USD vào tháng 1 – tháng mạnh nhất năm trong hơn 25 năm qua", Shaun Osborne, giám đốc chiến lược ngoại hối của Scotiabank, cho biết.
Ông Osborne nói thêm rằng sự suy yếu gần đây của đồng bạc xanh cũng có khả năng bị lạm dụng trong ngắn hạn.
Trong khi đó, đồng yêe JPY đã giảm nhẹ vào lúc kết thúc phiên 3/1, xuống 130,77 JPY/USD, sau khi trước đó trong cùng phiên có lúc đạt mức cao nhất 6 tháng, là 129,51 JPY.
Đồng yen tăng mạnh trong gần suốt phiên sau khi báo cáo của Nikkei công bố hôm thứ Bảy (31/12) cho biết Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) đang xem xét nâng dự báo lạm phát vào tháng 1 để cho thấy mức tăng giá cả trong năm tài chính 2023 và 2024 gần với mục tiêu 2%.
Suy đoán rằng BOJ chuẩn bị bắt đầu chuyển khỏi chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo bằng động thái đột mở rộng phạm vi trần lãi suất đối với trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm vào tháng 12 vừa qua.
Cập nhật tỷ giá các đồng tiền chủ chốt.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc phiên vừa qua – phiên giao dịch đầu tiên của năm mới - tăng mạnh lên mức cao nhất trong 4 tháng bởi sự lạc quan của nhà đầu tư rằng sự phục hồi kinh tế trong nước có thể diễn ra sớm hơn dự kiến.
Một số người dân ở các thành phố của Trung Quốc đã trở lại hoạt động bình thường trong tuần này và những người tham gia thị trường cũng đã dần hồi phục sau khi bị nhiễm COVID và quay trở lại sàn giao dịch, các nhà giao dịch tiền tệ cho biết, đồng thời lưu ý rằng các hoạt động giao dịch sôi động hơn so với cuối năm ngoái.
Trên thị trường giao ngay, đồng nhân dân tệ trong nước mở cửa phiên 3/1 ở mức 6,9200 đổi một đô la và tăng lên 6,8785, mức cao nhất kể từ ngày 26 tháng 8 năm 2022. Cuối phiên, CNY hạ nhiệt xuống 6,8795 CNY, vẫn tăng 205 pip so với phiên giao dịch liền trước. Trên thị trường quốc tế, nhân dân tệ cũng chạm mức cao nhất trong hơn bốn tháng trước khi giao dịch ở mức 6,882 CNH/USD vào cuối phiên.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin giảm trong phiên 3/1, xuống 16.666 USD.
Giá Bitcoin ngày 3/1.
Giá vàng khởi đầu năm 2023 bằng việc chạm mức cao nhất trong hơn 6 tháng khi lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ giảm, trong bối cảnh các nhà đầu tư đánh giá triển vọng tăng lãi suất của Fed, vốn đóng vai trò như một cơn gió ngược đáng kể đối với vàng thỏi trong suốt năm 2022.
Giá vàng giao ngay tăng 0,8% lên 1.838,56 USD/ounce vào cuối phiên, sau khi có lúc chạm mức cao nhất kể từ ngày 17 tháng 6, là 1.849,89 USD; vàng kỳ hạn tháng 2/2023 tăng 1,1% lên 1.846,1 USD.
Edward Moya, nhà phân tích cao cấp của OANDA, cho biết với một nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái, sự không chắc chắn về lộ trình tăng lãi suất của Fed và rủi ro địa chính trị, "các nhà đầu tư vẫn thận trọng một chút và vàng có vẻ khá hấp dẫn".
Tham khảo: Reuters, Coindesk