Xuất khẩu thương hiệu & mô hình kinh doanh: "Mỏ vàng" cần khai phá nhưng có dễ thực hiện?
Sở hữu nhiều mặt hàng xuất khẩu thuộc top đầu thế giới song số lượng hàng hóa được xuất khẩu mang thương hiệu Việt vẫn còn khá khiêm tốn. Vậy doanh nghiệp cần làm gì để có thể định vị, xây dựng thương hiệu, nâng giá trị sản phẩm xuất khẩu lên gấp 10, 100 lần? Câu trả lời sẽ có trong tập 3 của chương trình ‘Đi cùng thương hiệu: Walk and Talk’.
Những năm gần đây, giá trị xuất khẩu của Việt Nam không ngừng gia tăng. Một trong số đó có thể kể đến các mặt hàng như gạo, cà phê, dệt may… thuộc top đầu thế giới, kế đến là gỗ, thủy sản, hạt điều, rau quả, cao su… cũng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu xuất khẩu.
Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp tăng vượt bậc năm 2022.
Trong năm 2022, nông nghiệp Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế “trụ cột” khi kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp năm 2022 đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021. Tuy gia tăng về số lượng và giá trị xuất khẩu song vẫn còn rất nhiều sản phẩm Việt Nam như nước mắm, cà phê… dù xuất khẩu vào thị trường quốc tế nhưng lại đứng dưới tên thương hiệu của quốc gia khác.
Đơn cử như Thương hiệu cà phê Trung Nguyên, vào tháng 7/2000, Công ty Trung Nguyên tiếp xúc với Công ty Rice Field với mục đích đưa sản phẩm sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, khi hai bên còn đang thương thảo, chưa đi đến ký thỏa thuận hợp đồng thì phía đối tác đã đăng ký bảo hộ thương hiệu Cafe Trung Nguyên với các cơ quan chức năng Mỹ và Tổ chức Bảo hộ Trí tuệ Thế giới (WIPO).
Sau 2 năm thương thảo, Trung Nguyên mới lấy lại được thương hiệu này và Rice Field nhận làm đại lý phân phối Cafe Trung Nguyên tại Mỹ. Để dàn xếp ổn thỏa, Trung Nguyên đã phải rất vất vả và tiêu tốn hàng trăm nghìn USD để lấy lại tên miền này. Sau đó, cà phê Trung Nguyên đã thực hiện đăng ký bảo hộ thương hiệu tại hơn 60 nước và lãnh thổ trên thế giới.
"Thật ra trên thế giới, người ta rất chú tâm vào việc làm sao không xuất khẩu sản phẩm nữa mà xuất khẩu thương hiệu và mô hình. Khi xuất khẩu thương hiệu, mô hình như vậy, về mặt giá trị nó sẽ tăng lên gấp 10, 100 lần. Người ta không chỉ dừng ở chuyện để mua sản phẩm của mình mà còn phải trả tiền để có thể sử dụng thương hiệu của mình” chuyên gia Nguyễn Phi Vân nhận định.
Chuyên gia Nguyễn Phi Vân cùng Viện trưởng ISB, PGS.TS Trần Hà Minh Quân đề xuất giải pháp tăng cường xuất khẩu mô hình kinh doanh
Vậy, để đưa sản phẩm và thương hiệu Việt ra nước ngoài, đặc biệt là việc xuất khẩu nông sản/nguyên liệu thô, giá trị thấp, các doanh nghiệp cần phải lưu ý những điều gì và bắt đầu như thế nào?
Những câu hỏi trên sẽ được Viện trưởng ISB, PGS.TS Trần Hà Minh Quân và Chuyên gia nhượng quyền và tư vấn thương hiệu Nguyễn Phi Vân giải đáp trong tập 3 chương trình "Đi cùng thương hiệu: Walk and Talk" - series talkshow về quản trị doanh nghiệp nằm trong chuỗi chương trình đồng hành cùng giải thưởng "Thương hiệu vàng TP.HCM".
"Đi cùng thương hiệu: Walk and Talk" là chương trình đặc biệt với các khách mời là các doanh nhân, chuyên gia hàng đầu về thương hiệu
"Đi cùng thương hiệu: Walk and Talk" là chuỗi talkshow đặc biệt, lên sóng trên các nền tảng số của báo Tuổi Trẻ (tuoitre.vn) và các nền tảng truyền thông của Tập đoàn VCcorp như: Soha, CafeF, Cafebiz,…
Đây là chương trình do báo Tuổi Trẻ cùng Viện ISB (Đại học Kinh tế TP.HCM) xây dựng, với sứ mệnh truyền cảm hứng về xây dựng, phát triển thương hiệu bền vững.
Talkshow cũng là dịp mà lần đầu tiên các CEO, chuyên gia hàng đầu thảo luận và đưa ra những lời giải, hiến kế cho cộng đồng doanh nghiệp về kinh nghiệm nâng tầm thương hiệu.