Giải trình hiệu quả quản lý Nhà nước, xử lý chồng chéo khi kết thúc thanh tra bộ, sở
Xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra với kiểm tra chuyên ngành; bảo đảm hiệu quả quản lý Nhà nước khi kết thúc hoạt động thanh tra bộ, sở; bổ sung hành vi cấm…, là những vấn đề Thanh tra Chính phủ tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi.
Theo chương trình nghị sự kỳ họp 9, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) vào ngày 23/5, trước khi biểu quyết thông qua vào 25/6. Trước đó, Quốc hội đã nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ dự án luật này.
Quốc hội nghe trình Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong trình bày Tờ trình Dự án Luật Thanh tra sửa đổi sáng 8/5. Ảnh: P.Thắng
Trao đổi với PV Báo Thanh tra, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) rất đồng tình với việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy cơ quan thanh tra.
“Hệ thống cơ quan thanh tra không còn thanh tra bộ, thanh tra sở, thanh tra huyện, chỉ còn Thanh tra Chính phủ, thanh tra cấp tỉnh, cơ quan thanh tra trong quân đội, công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; thanh tra cơ yếu; cơ quan thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tôi thấy rất phù hợp”, ông Hòa nói.
Tinh gọn cơ quan thanh tra, có “bỏ trống” nhiệm vụ?
Điều đại biểu băn khoăn là khi thanh tra chuyên ngành không còn, nhất là Thanh tra Chính phủ tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ của 12 thanh tra bộ thì có đảm đương “xuể” công việc.
Thêm nữa, khi thanh tra chuyên ngành không còn, các bộ sẽ thực hiện kiểm tra chuyên ngành. “Sự lấn cấn giữa thanh tra với kiểm tra chuyên ngành sẽ xử lý thế nào?”, ông Hòa nêu.
Đại biểu Hòa chia sẻ thêm, “bỏ thanh tra bộ, thanh tra sở, thanh tra huyện, thì công việc sẽ dồn lên Thanh tra Chính phủ, thanh tra cấp tỉnh rất nặng. Tôi mong, khi Quốc hội thông qua Luật Thanh tra sửa đổi, hệ thống cơ quan thanh tra mới sẽ hoạt động tốt, hiệu lực, hiệu quả hơn, không gây phiền hà, không bỏ trống nhiệm vụ”.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp). Ảnh: P.Thắng
Phân trách nhiệm, phạm vi thanh tra với kiểm tra chuyên ngành thế nào để tránh chồng chéo, cũng là điều nhiều đại biểu đặt ra khi thảo luận tại tổ.
Đại biểu Đỗ Đức Hiển (đoàn TP Hồ Chí Minh) nói, quy trình, thủ tục kiểm tra rất đa dạng, nhưng chưa có văn bản pháp luật nào quy định thống nhất. “Kiểm tra chắc cũng không khác lắm so với thanh tra, thậm chí vẫn có thẩm quyền xử phạt”, ông Hiển đề nghị, Chính phủ khẩn trương có hành lang pháp lý cho hoạt động kiểm tra chuyên ngành.
Điều này, theo ông Hiển, vừa bảo vệ hiệu quả công quản lý Nhà nước, vừa bảo đảm hoạt động của người dân, doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh Nghị quyết 68 về kinh tế tư nhân có nhiều nội dung liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra rất đáng quan tâm, cần phải được thể chế hóa.
Còn đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (đoàn Lai Châu) thì quan tâm đến việc xử lý chồng chéo trong thanh tra và kiểm toán. Theo ông, khi tổ chức thanh tra 3 cấp, chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán xảy ra khá nhiều, dẫn tới nhiều bức xúc.
“Bây giờ tổ chức 2 cấp gọn hơn, việc chồng chéo sẽ giảm đi rất nhiều”, ông Toàn nói. Nhưng với quy định như dự thảo luật, ông Toàn thấy hướng nhiều tới việc xử lý “trùng”, nên khả năng vẫn xảy ra chồng chéo.
Chính phủ sẽ có nghị định về kiểm tra chuyên ngành
Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu thảo luận tại tổ, Thanh tra Chính phủ cho biết, dự thảo thảo luật đã có những quy định nhằm xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra với kiểm toán Nhà nước thông qua sự phối hợp giữa Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước.
Trong đó, tại khoản 1 Điều 56 quy định rõ: “Khi tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm toán Nhà nước, nếu phát hiện chồng chéo, trùng lặp, cơ quan thanh tra phối hợp với cơ quan kiểm toán Nhà nước để xử lý, bảo đảm một nội dung hoạt động của tổ chức, cá nhân chỉ là đối tượng của một cơ quan thanh tra hoặc cơ quan kiểm toán Nhà nước”.
Về xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với hoạt động giám sát, kiểm tra chuyên ngành, theo Thanh tra Chính phủ, dự thảo luật không quy định do đây là các hoạt động có sự khác nhau về nội dung, phạm vi, thời gian, trình tự, thủ tục, phương pháp tiến hành.
Đại biểu Đỗ Đức Hiển (đoàn TP Hồ Chí Minh). Ảnh: P.Thắng
“Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tham mưu Chính phủ ban hành nghị định, trong đó có quy định về việc xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với hoạt động giám sát, kiểm tra chuyên ngành”, báo cáo giải trình nêu.
Dự thảo luật quy định thống nhất một khái niệm thanh tra, không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Theo đó, “thanh tra là hoạt động xem xét, đánh giá, kết luận, kiến nghị xử lý của cơ quan thanh tra đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định”.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, khái niệm thanh tra đã đảm bảo bao trùm toàn bộ hoạt động thanh tra, trong đó bao gồm cả thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Báo cáo nêu rõ, khái niệm này được kế thừa từ Luật Thanh tra năm 2022 và có sửa đổi, hoàn thiện cho phù hợp với chủ trương, chính sách về thanh tra và thực tiễn của hoạt động thanh tra hiện nay. Trên cơ sở đó, Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra theo trình tự, thủ tục thống nhất được pháp luật quy định và về phương thức cơ bản giống như hiện nay.
Về việc bảo đảm hiệu quả quản lý Nhà nước sau khi kết thúc hoạt động của thanh tra bộ, thanh tra sở, Thanh tra Chính phủ cho biết, theo Kết luận 134 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan không còn thanh tra thì thực hiện kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật. Trường hợp cần thiết, các bộ không có thanh tra bộ thì đề nghị Thanh tra Chính phủ; các sở đề nghị thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra.
Sau sắp xếp, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh có đủ lực lượng, nguồn lực để triển khai các hoạt động thanh tra trên các ngành, lĩnh vực, địa bàn thuộc thẩm quyền, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước.
Thể chế hóa chủ trương trên, khoản 1 Điều 61 của dự thảo luật quy định: Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm tổ chức kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý Nhà nước. Qua kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc chuyển cơ quan thanh tra tiến hành thanh tra làm rõ, xử lý dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc chuyển cơ quan điều tra xử lý khi có dấu hiệu tội phạm.
Quy định này, theo Thanh tra Chính phủ, có sự kế thừa từ Điều 6 của Luật Thanh tra năm 2022. Thời gian tới, Chính phủ sẽ xây dựng, ban hành quy định về hoạt động kiểm tra trong các ngành, lĩnh vực nhằm bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý cho hoạt động kiểm tra.
Cần quy trách nhiệm khi cử cán bộ tham gia đoàn thanh tra
Để đảm bảo các điều kiện về nhân sự, dự thảo luật bổ sung quy định, khi cần thiết, Tổng Thanh tra đề nghị bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND cấp tỉnh; chánh Thanh tra tỉnh đề nghị giám đốc sở, chủ tịch UBND cấp xã cử công chức có chuyên môn phù hợp để tham gia đoàn thanh tra.
Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Hoàn (đoàn Hải Dương). Ảnh: P.Thắng
“Quy định tại dự thảo mới dừng lại quyền đề nghị của Tổng Thanh tra và Chánh tra tỉnh. Theo tôi, cần phải bổ sung quy định về trách nhiệm của các thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước trong việc cử công chức có chuyên môn phù hợp tham gia đoàn thanh tra”, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn (đoàn Hải Dương) nêu.
Bởi theo ông, trong thực tế, có việc cử công chức tham gia đoàn thanh tra liên ngành, công tác liên ngành có năng lực không đáp ứng yêu cầu.
“Cán bộ nào kém hiệu quả ở cơ quan lại cử tham gia các đoàn liên ngành, còn ai làm việc hiệu quả ở nhà giao làm những việc của cơ quan. Chúng tôi gặp nhất rất nhiều trường hợp như vậy, rất phổ biến. Cuối cùng, chỉ có cơ quan chủ trì thì cán bộ có chất lượng”, ông Hoàn cho hay.
Đại biểu đoàn Hải Dương góp ý, cần quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan khi nhận đề nghị của Tổng Thanh tra hay Chánh Thanh tra tỉnh, cần chọn cán bộ có đủ điều kiện, khả năng để đáp ứng yêu cầu cuộc thanh tra liên ngành. Song song, là quy định bổ sung chế độ, chính sách với những cán bộ, công chức được cử tham gia theo yêu cầu của cơ quan thanh tra.
Quan tâm đến nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn nêu, dự thảo quy định, Thanh tra Chính phủ “thanh tra các vụ việc phức tạp, liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước của nhiều bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh”.
“Nội dung này đã được thể hiện trong Luật Thanh tra. Nhưng bây giờ tổ chức đã khác, không phải chỉ vụ việc phức tạp mà cứ vụ việc liên quan đến 2 bộ, 2 bộ không có thanh tra hoặc bộ có thanh tra và không có thanh tra thì Thanh tra Chính phủ với chức năng quản lý Nhà nước nên đứng ra để giải quyết, nhằm đảm bảo tính thống nhất và tránh vòng đi, vòng lại nhiều lần”, ông Toàn đề nghị rà soát lại quy định.
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn Ninh Thuận) thì cho hay, thực tế có xảy ra việc làm thay đổi, làm sai lệch tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra. Vì vậy, bà đề nghị bổ sung cấm các hành vi làm thay đổi, sai lệch tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra và kết quả thanh tra vào dự thảo luật.
Với các ý kiến của đại biểu, Thanh tra Chính phủ cho biết, sẽ phối hợp với Uỷ ban Pháp luật và Tư pháp nghiên cứu, tiếp thu, để hoàn thiện dự thảo luật, bảo đảm thể chế hóa chính sách của Đảng và phù hợp với thực tiễn trong hoạt động thanh tra, góp phần quan trọng vào chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...
Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (đoàn TP Hồ Chí Minh) rất đồng tình khi dự thảo luật bổ sung nhiệm vụ cho các cơ quan thanh tra trong công tác phòng, chống lãng phí.
“Theo các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hiện nay lãng phí có khi còn nặng nề hơn cả tham nhũng”, ông Hoàng đề nghị, rà soát lại việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra để quy định thống nhất.
Thanh tra Chính phủ cho biết, dự thảo luật quy định các cơ quan thanh tra thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lãng phí theo quy định của pháp luật thông qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Dự thảo luật không quy định chức năng quản lý Nhà nước về phòng, chống lãng phí cho Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra. Bởi chức năng này theo Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí thuộc về Bộ Tài chính và các cơ quan tài chính.
Cạnh đó, dự thảo luật cũng bổ sung thêm nhiệm vụ về kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra nhằm thể chế hoá chủ trương, quan điểm của Đảng về vấn đề này.
Thực tế, vừa qua thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Thanh tra Chính phủ đã triển khai cuộc thanh tra tại dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tỉnh Hà Nam. Qua thanh tra đã phát hiện những hành vi lãng phí và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định trên 1.200 tỷ đồng lãng phí.