A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

[LONGFORM] Chính sách tài khoá: Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Chính sách tài khoá: Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

[LONGFORM] Chính sách tài khoá: Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - Ảnh 1

 

 

Thời gian qua, ngành Tài chính đã thể hiện rõ vai trò “nhạc trưởng” trong điều hành chính sách tài khóa, với những quyết sách kịp thời, đúng hướng và đúng đối tượng. Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn trước mắt, các giải pháp tài khóa còn đóng vai trò như một “lá chắn” vững chắc, góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và tạo nền tảng quan trọng cho quá trình phục hồi, phát triển sau khủng hoảng. Thành quả ấy là kết tinh của tư duy điều hành chủ động, linh hoạt; đồng thời luôn bám sát thực tiễn và sẵn sàng thích ứng với những biến động nhanh chóng của tình hình kinh tế trong nước và thế giới.

[LONGFORM] Chính sách tài khoá: Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - Ảnh 2

 

Từ năm 2020 đến 2024, Bộ Tài chính đã chủ trì đề xuất và triển khai hàng loạt chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất, với tổng mức hỗ trợ ước tính khoảng 900 nghìn tỷ đồng. Đây không chỉ là một con số lớn về quy mô, mà còn là minh chứng rõ nét cho sự chủ động, linh hoạt và quyết liệt trong điều hành chính sách tài khóa nhằm tạo đà phục hồi kinh tế sau những cú sốc nghiêm trọng.

Nhìn lại năm 2020 - thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, cùng với chuỗi tác động phức hợp từ gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, giá cả leo thang, áp lực lạm phát, nền kinh tế Việt Nam đứng trước thách thức chưa từng có. Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã nhanh chóng vào cuộc, xây dựng và đề xuất các gói tài khóa quy mô lớn, thể hiện năng lực phản ứng chính sách kịp thời và tư duy điều hành bám sát thực tiễn.

 

[LONGFORM] Chính sách tài khoá: Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - Ảnh 3

 

Trong bối cảnh dư địa chính sách tiền tệ bị thu hẹp do áp lực tỷ giá và lạm phát, các công cụ tài khóa đã phát huy vai trò "gánh vác đồng hành", chia sẻ áp lực ổn định kinh tế vĩ mô với chính sách tiền tệ. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp có thể duy trì dòng vốn lưu động, phục hồi sản xuất, tái đầu tư trong điều kiện tín dụng bị siết chặt.

Không chỉ hỗ trợ khu vực sản xuất, chính sách tài khóa còn góp phần giữ vững sức mua của người dân - yếu tố then chốt trong việc duy trì nhịp cầu tiêu dùng nội địa và thúc đẩy vòng quay kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh giá cả hàng hóa toàn cầu leo thang, việc giảm thuế GTGT đối với hàng thiết yếu giúp hạ nhiệt lạm phát, ổn định tâm lý xã hội và hỗ trợ phục hồi tiêu dùng.

 

[LONGFORM] Chính sách tài khoá: Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - Ảnh 4

 

Tác động của các biện pháp tài khóa không chỉ nằm ở các con số hỗ trợ cụ thể, mà còn thể hiện rõ nét qua các chỉ số kinh tế vĩ mô. Từ cuối năm 2022, sản xuất công nghiệp chuyển từ tăng trưởng âm sang dương, tiêu dùng trong nước hồi phục mạnh mẽ nhờ niềm tin được củng cố, xuất khẩu - động lực chính của nền kinh tế - cũng ghi nhận đà tăng tích cực bất chấp thương mại toàn cầu biến động. Đặc biệt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát dưới ngưỡng Quốc hội đề ra, phản ánh sự phối hợp hiệu quả giữa chính sách tài khóa và tiền tệ trong kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường.

Vượt khỏi vai trò giải cứu ngắn hạn, chính sách tài khóa đang được tái thiết kế để trở thành công cụ điều tiết chủ động và định hướng phát triển trung - dài hạn. Các gói hỗ trợ được tinh chỉnh theo mục tiêu cụ thể: kích cầu, thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ chuyển đổi số, khuyến khích đổi mới công nghệ. Từ việc điều chỉnh chính sách thuế, lệ phí đến phân bổ đầu tư công, Bộ Tài chính đã thể hiện rõ tinh thần điều hành linh hoạt, bám sát diễn biến thực tế.

Đặc biệt, trong bối cảnh áp lực chi tiêu ngân sách ngày càng lớn - từ y tế, an sinh xã hội đến đầu tư phát triển, Bộ Tài chính vẫn duy trì nguyên tắc kỷ cương tài khóa. Việc thường xuyên rà soát, cập nhật chính sách thay vì áp dụng các biện pháp cứng nhắc giúp đảm bảo hiệu quả hỗ trợ mà không làm gia tăng gánh nặng tài khóa lâu dài.

[LONGFORM] Chính sách tài khoá: Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - Ảnh 5

 

[LONGFORM] Chính sách tài khoá: Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - Ảnh 6

 

Bước sang năm 2025, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế toàn cầu dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, Bộ Tài chính đã thể hiện tinh thần chủ động, quyết liệt khi nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền nhiều giải pháp hỗ trợ thiết thực về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, bắt đầu triển khai ngay từ những ngày đầu năm. Không chỉ là phản ứng với khó khăn hiện hữu, các chính sách lần này còn thể hiện tư duy mở về tầm nhìn, phạm vi hỗ trợ và độ bao phủ đối tượng.

[LONGFORM] Chính sách tài khoá: Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - Ảnh 7

 

Cùng với việc triển khai các chính sách đã ban hành, Bộ Tài chính còn đang phối hợp với các bộ, ngành để khẩn trương nghiên cứu, trình Chính phủ và Quốc hội ban hành thêm nhiều giải pháp mới. Trong đó, có thể kể đến các đề xuất mang tính dài hạn và bao trùm, như: Tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030; tiếp tục giảm thuế GTGT trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026; sửa đổi Nghị định số 26/2023/NĐ-CP về biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi; gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất; cũng như chính sách giảm tiền thuê đất cho năm 2025.

Điểm đáng chú ý ở các chính sách bổ sung này không chỉ nằm ở nội dung cụ thể mà còn thể hiện rõ định hướng "mở" trong thiết kế chính sách. Mở về thời gian - khi không dừng lại ở chính sách ngắn hạn mà kéo dài đến tận 2030 (như thuế đất nông nghiệp); mở về đối tượng - khi bao phủ từ người dân có thu nhập thấp, nông dân, doanh nghiệp nhỏ đến cả doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu; mở cả về cách tiếp cận - khi không chỉ hỗ trợ trực tiếp tài chính mà còn gián tiếp qua cải cách thủ tục, giảm gánh nặng hành chính.

[LONGFORM] Chính sách tài khoá: Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - Ảnh 8

 

Trong bối cảnh kinh tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, sự chủ động, linh hoạt và kịp thời trong chính sách tài khóa là một trụ cột quan trọng để bảo đảm ổn định vĩ mô. Hệ thống giải pháp mà Bộ Tài chính đang triển khai và chuẩn bị trình ban hành không chỉ giúp giảm bớt khó khăn trước mắt mà còn tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn. Điều này càng trở nên cấp thiết khi Việt Nam đang hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững, tạo nền tảng tăng trưởng hai con số gắn với nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế trong thời kỳ mới.

[LONGFORM] Chính sách tài khoá: Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - Ảnh 9

 

Năm 2025, khi nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi nhưng vẫn đối diện nhiều thách thức, đòi hỏi chính sách tài khóa phải chuyển vai - từ ứng phó ngắn hạn sang kiến tạo dài hạn. Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để chính sách không chỉ “giải nguy” mà thực sự trở thành động lực cho tăng trưởng bền vững?

Chuyển đổi tư duy chính sách đang được hiện thực hóa thông qua những định hướng chiến lược lớn. Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là một ví dụ điển hình. Trong đó, chính sách tài khóa được xác định là công cụ mũi nhọn để kích hoạt các động lực tăng trưởng mới.

[LONGFORM] Chính sách tài khoá: Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - Ảnh 10

 

Bộ Tài chính đã chủ trì xây dựng nhiều chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu - phát triển (R&D), chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Các chính sách hỗ trợ lãi suất, miễn thuế nhập khẩu thiết bị công nghệ cao và việc hoàn thiện cơ chế sử dụng quỹ phát triển khoa học - công nghệ cũng đang tạo nền tảng để khu vực tư nhân mạnh dạn đầu tư vào đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt, Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã đặt mục tiêu rõ ràng: đến năm 2030, khu vực này đóng góp 65 - 70% GDP và đến năm 2045 trở thành một trong những trụ cột chính của nền kinh tế quốc dân. Để hiện thực hóa khát vọng đó, Bộ Tài chính đóng vai trò trung tâm trong việc thiết kế, điều hành và đổi mới chính sách tài khóa nhằm xây dựng một hệ sinh thái tài chính minh bạch, công bằng, thúc đẩy động lực thị trường và mở rộng không gian phát triển cho doanh nghiệp tư nhân.

[LONGFORM] Chính sách tài khoá: Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - Ảnh 11

 

Bộ Tài chính đang triển khai mạnh mẽ cải cách hệ thống thuế theo hướng trung lập, minh bạch, đảm bảo chi phí tuân thủ hợp lý, đồng thời tạo động lực tích lũy vốn và đầu tư đổi mới. Cơ cấu thu - chi ngân sách nhà nước cũng đang được điều chỉnh để ưu tiên cho đầu tư hạ tầng, giáo dục, đào tạo nhân lực và hỗ trợ khởi nghiệp - những lĩnh vực mà khu vực tư nhân ngày càng tham gia sâu rộng.

Không chỉ dừng lại ở xây dựng chính sách, Bộ Tài chính đang khẳng định vai trò đi đầu trong thực thi và cải cách thể chế tài khóa. Một ví dụ điển hình là trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, Bộ đã chủ động thúc đẩy các sáng kiến xây dựng “bộ công cụ tài khóa ứng phó khủng hoảng”, góp phần củng cố năng lực chống chịu và phục hồi kinh tế trong khu vực sau đại dịch.

Ở trong nước, quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính công được đẩy mạnh. Đến cuối năm 2024, gần 100% doanh nghiệp đã thực hiện khai, nộp và hoàn thuế điện tử; hệ thống hóa đơn điện tử vận hành ổn định trên toàn quốc, giúp giảm chi phí tuân thủ, chống thất thu thuế và tăng tính minh bạch. Trong lĩnh vực hải quan, việc ứng dụng công nghệ số và mô hình quản lý rủi ro cũng đã rút ngắn đáng kể thời gian thông quan và cải thiện môi trường kinh doanh.

[LONGFORM] Chính sách tài khoá: Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - Ảnh 12

 

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang nghiên cứu và xây dựng các cơ chế tài chính đặc thù nhằm khuyến khích đầu tư công hiệu quả hơn, đặc biệt trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng trọng yếu. Đồng thời, công tác quản lý chi ngân sách đang chuyển hướng từ kiểm soát đầu vào sang đánh giá kết quả đầu ra, nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực công trong bối cảnh ngân sách ngày càng chịu nhiều áp lực từ chi đầu tư phát triển và an sinh xã hội.

Sự chuyển mình từ chính sách “giảm gánh nặng” sang “tạo động lực” không chỉ là thay đổi cách làm, mà còn là sự thay đổi tư duy cốt lõi trong hoạch định tài chính quốc gia. Khi chính sách tài khóa được định vị là công cụ kiến tạo tương lai - đầu tư cho những giá trị bền vững và nâng cao năng lực nội sinh, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để vượt lên thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

[LONGFORM] Chính sách tài khoá: Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - Ảnh 13

 

[LONGFORM] Chính sách tài khoá: Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - Ảnh 14

 

 

 

12:22 21/05/2025


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: media-booking@carvill-vietnam.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo