Vùng kinh tế nào dẫn đầu thu ngân sách Nhà nước cả năm 2022?
TP. Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu cả nước và vùng Đông Nam Bộ về thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 12/2022 ước đạt 125,7 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2022 đạt 1.784,8 nghìn tỷ đồng, bằng 126,4% dự toán năm và tăng 13,8% so với năm trước.
Trong đó, thu nội địa tháng 12/2022 ước đạt 105,7 nghìn tỷ đồng. Lũy kế năm 2022 đạt 1.421,8 nghìn tỷ đồng, bằng 120,8% dự toán năm và tăng 9% so với năm trước. Thu từ dầu thô tháng 12/2022 ước đạt 6,3 nghìn tỷ đồng; lũy kế năm 2022 đạt 77 nghìn tỷ đồng, bằng 273% dự toán năm và tăng 72,5% so với năm trước.
Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu tháng 12/2022 ước đạt 13,5 nghìn tỷ đồng; lũy kế năm 2022 đạt 280 nghìn tỷ đồng, bằng 140,7% dự toán năm và tăng 29,7% so với năm trước.
Trong 6 vùng kinh tế của Việt Nam, Đông Nam Bộ là vùng thu ngân sách 10 tháng đầu năm nhiều nhất cả nước. Cụ thể, lũy kế 10 tháng đầu năm 2022, số thu NSNN ước đạt hơn 732.562 tỷ đồng, chiếm khoảng 41% cả nước.
Trong đó, TP. Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu cả nước và vùng Đông Nam Bộ về thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022. Theo ông Lê Duy Minh, Giám đốc Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh, tính đến ngày 28/12, số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đã là 471.562 tỷ đồng, đạt gần 122% so với dự toán và tăng 23,6% so năm trước.
Trong đó, thu nội địa là 330.115 tỷ đồng, đạt 122,2% dự toán và tăng hơn 25% so cùng kỳ. Thu nội địa trừ tiền sử dụng đất là 317.578 tỷ đồng, đạt 126,49% dự toán và tăng 23,76% so cùng kỳ.
Đáng chú ý, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 141.434 tỷ đồng, tương đương 121,4% dự toán. Ngoài ra, tổng thu ngân sách địa phương đạt 128.468 tỷ đồng. Trong đó, thu ngân sách TPHCM được hưởng theo phân cấp là 92.217 tỷ đồng, đạt 109,62% dự toán và tăng 30,55% so cùng kỳ.
Xếp thứ 2 về thu NSNN là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo Cục thống kê tỉnh, tổng thu ngân sách trên địa bàn là 109.800 tỷ đồng, tăng 25,2% so cùng kỳ. Cụ thể, thu dầu thô đạt 268,1% dự toán và bằng 177,5% so với cùng kỳ 2021; thu nội địa (ngoài dầu) đạt 129,8% dự toán và bằng 112,3% so với cùng kỳ 2021.
Tại kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Đồng Nai, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) Đồng Nai khá cao đạt 9,22%; tổng thu ngân sách đạt gần 63.000 tỷ đồng (vượt dự toán Trung ương giao), tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 105.000 tỷ đồng.
Tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Bình Dương, UBND tỉnh cho biết, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 8,01%; GRDP bình quân đầu người đạt 170 triệu đồng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,9%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 16,8%. Thu ngân sách ước đạt 61.940 tỷ đồng, đạt 103% dự toán, chi ngân sách ước đạt 18.500 tỷ đồng.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Phước, năm 2022, tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước tăng 9,1%, GRDP bình quân đầu người ước đạt 85,1 triệu đồng (tương đương 3.550 USD), tăng 11,6% so năm 2021. Sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh và tiếp tục tăng mạnh. Xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ. Năm 2022, thu ngân sách tỉnh ước đạt 14.535 tỷ đồng, tăng 6% so năm 2021.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2022 của Tây Ninh ước đạt khoảng 11.725 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2021, tăng 17% dự toán địa phương, tăng 26,3% dự toán Trung ương giao.