Vì sao kinh tế địa phương bứt phá ngoạn mục, thu ngân sách cao kỷ lục?
Lý giải câu chuyện nguồn thu ngân sách ở các địa phương tăng mạnh trong năm 2022, các chuyên gia cho rằng, chính sách tài khóa nới lỏng “đúng nhịp” đã tạo cơ hội cho sự phục hồi và phát triển của các doanh nghiệp, tạo nguồn thu tốt cho ngân sách nhà nước.
TS. Nguyễn Thế Khang, Khoa Thuế - Hải quan, Trường Đại học Tài chính - Marketing và GS,TS. Hoàng Thị Chỉnh - Khoa Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) - trao đổi với PV Tiền Phong xung quanh vấn đề tăng trưởng kinh tế ngay trong những ngày đầu năm mới 2023.
Chính sách tài khóa nới lỏng “đúng nhịp”
Điều bất ngờ là năm 2022 tăng trưởng kinh tế địa phương cao chót vót, thu ngân sách cao kỷ lục, nguyên nhân do đâu thưa ông?
TS Nguyễn Thế Khang: Năm 2022, TPHCM thu ngân sách 471.562 tỷ đồng, đạt gần 122% so với dự toán và tăng 23,6% so năm trước. Hà Nội đạt 333.000 tỷ đồng, bằng 106,8% so với dự toán HĐND Hà Nội giao và tăng 2,7% so với cùng kỳ. Bà Rịa - Vũng Tàu đứng ở vị trí thứ 3 với tổng thu ngân sách trên địa bàn là 109.800 tỷ đồng, tăng 25,2% so cùng kỳ. Hải Phòng lần đầu tiên thu ngân sách đạt trên 100.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhiều tỉnh thu ngân sách vượt dự toán trên 50% gồm Hưng Yên đứng đầu vượt 248%, Thừa Thiên Huế vượt 85,5%, Quảng Ngãi vượt 78,4%, Thanh Hoá vượt 73,5%, Quảng Bình vượt 60%...
TPHCM, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng đạt kỷ lục thu ngân sách tới hơn 100.000 tỷ đồng trong năm 2022 (Ảnh: Phạm Nguyễn).
Chính sách tài khóa nới lỏng “đúng nhịp” đã tạo cơ hội cho sự phục hồi và phát triển của các doanh nghiệp, tạo nguồn thu tốt cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nguồn thu ngân sách tăng mạnh trong năm 2022 có yếu tố xuất phát từ năm 2020, 2021, khi mà đại dịch hoành hành, các hợp đồng đã ký kết nhưng chưa được thực hiện. Đến năm 2022, nhờ sự quyết liệt của Chính phủ trong chống dịch và sự kịp thời mở của cho hoạt động kinh tế, các hợp đồng trước đó đã được thực hiện một cách nhanh chóng, tạo doanh thu cho doanh nghiệp. Từ đó nguồn thu ngân sách năm 2022 được tăng mạnh.
- Các địa phương cần làm gì để nuôi dưỡng nguồn thu, tăng thu ngân sách và tạo sự tăng trưởng bền vững?
Cá nhân tôi nhận định, dự địa cho sự tăng trưởng còn mạnh mẽ, để tạo sự tăng trưởng nguồn thu bền vững. Trước tiên , Chính phủ và chính quyền địa phương cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ đầu tư kết cấu hạ tầng vùng miền cho sự tăng trường kinh tế, gia cố niềm tin cho người dân và doanh nghiệp về một tương lai phát triển.
Thứ hai , nên duy trì một chính sách thuế ổn định để doanh nghiệp giảm bớt những biến số bất ổn trong hoạt động kinh doanh đầy bất ổn như hiện nay.
Trước, trong và sau đại dịch COVID-19, Chính phủ luôn duy trì kế hoạch đầu tư công một cách bài bản.
Thứ ba , các địa phương cần định vị lại thế mạnh của mình trong giai đoạn mới này. Từ đó chính quyền địa phương tích cực quảng bá, kết nối với các vùng, lãnh thổ trong nước và trên thế giới để gắn kết cho sự giao thương và phát triển phù hợp với lợi thế của mình, có chính sách khuyến khích phù hợp, tạo sự hiệu quả trong đầu tư của doanh nghiệp và của địa phương.
Bên cạnh đó, cần phải áp dụng khoa học, công nghệ một cách mạnh mẽ trong quản lý, điều hành của chính quyền, giảm bớt gánh nặng hành chính cho người dân và doanh nghiệp, tạo môi trường cho người dân và doanh nghiệp phát triển. Từ đó, Chính phủ và chính quyền địa phương sẽ nuôi dưỡng và phát triển được nguồn thu ngân sách một cách bền vững.
Nguồn thu từ đâu?
- Loạt địa phương công bố thu ngân sách đạt mức kỷ lục, thậm chí có nhiều địa phương bất ngờ trở thành "ngôi sao" trong câu lạc bộ thu ngân sách hơn 100.000 tỷ đồng. Vậy nguồn thu ngân sách của các địa phương đến từ đâu, thưa GS.TS Hoàng Thị Chỉnh?
GS.TS Hoàng Thị Chỉnh: Thu ngân sách của cả nước và các địa phương tăng mạnh so với dự toán và so với năm trước là do thu từ dầu thô, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công từ cuối năm 2021 nên thị trường bất động sản đã có phần sôi động vào những tháng đầu năm 2022, gần 200.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động…
Chưa kể, đầu năm 2022 có nhiều khoản thu có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2021 như đến hết tháng 4/2022 thuế thu nhập cá nhân tăng 19,8%, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu chi Ngân hàng nhà nước tăng 32,6%, thu tiền thuế đất, thuế mặt nước tăng 38,1%, thu tiền sử dụng đất tăng 21,2% nhờ thị trường bất động sản tăng trưởng mạnh.
GS,TS. Hoàng Thị Chỉnh - Khoa Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM.
Ngoài ra, một số mặt hàng xuất nhập khẩu có thuế tăng trưởng mạnh như xăng dầu tăng 116%, than tăng 29,7%, kim ngạch xuất khẩu hóa chất tăng 66%, đặc biệt phân bón tăng 1.134%...
Đáng chú ý, chúng ta đã làm tốt công tác quản lý thu ở các cơ quan như hải quan, cơ quan thuế bao gồm thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp trốn thuế, gian lận thương mại, chống thất thu thuế… Cung cấp các dịch vụ điện tử cho người nộp thuế trên nền tảng thiết bị di động.
- Dù thu ngân sách vượt dự toán nhưng những khó khăn đã bắt đầu lộ diện vào những tháng cuối năm 2022. Cần làm gì để kinh tế Việt Nam 2023 tiếp tục tăng trưởng?
Trước hết, nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động từ những khó khăn mà các nền kinh tế trên thế giới đang gặp phải như giá dầu tăng, lạm phát tăng, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, xung đột vũ trang, thiên tai, dịch bệnh… Nhìn chung tổng cầu thế giới sẽ tiếp tục giảm sút, điều này làm ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, trực tiếp lên các đơn hàng của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng có những thuận lợi nhất định, đó là một chính sách kinh tế vĩ mô ổn định, có cam kết rõ ràng về tự do hóa thương mại, ngân sách quốc gia tương đối lành mạnh, tỷ lệ nợ/GDP tương đối tốt, môi trường kinh doanh thân thiện với giá nhân công và các khoản chi phí thấp vẫn là địa bàn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Cần chấn chỉnh lại lĩnh vực đầu tư bất động sản nhằm làm cho thị trường bất động sản hiệu quả và lành mạnh.
Một số chỉ tiêu kinh tế được dự báo cho năm 2023 là tăng trưởng GDP 6,5%, GDP/người 4.400USD, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng bình quân 4,5%, dự toán tổng thu ngân sách nhà nước là 1.620.744 tỷ đồng, dự toán tổng chi ngân sách nhà nước 2.076.244 tỷ đồng…
Để đạt được những mục tiêu của nền kinh tế năm 2023, Việt Nam cần phải chú ý đến kim ngạch xuất nhập khẩu là 732,5 tỷ USD. Việt Nam là nước có độ mở kinh tế rất cao nên một sự biến động từ bên ngoài sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế trong nước. Vì vậy khai thác tối đa thị trường trong nước vẫn là hướng đi dành thế chủ động và góp phần phát triển bền vững.
Ngoài ra, phải tiếp tục thực hiện các giải pháp như tập trung ổn định cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất, đời sống; đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho những dự án đầu tư công, tăng cường kiểm soát và lành mạnh hóa các thị trường trái phiếu và thị trường tín dụng…
- Xin trân trọng cảm ơn ông/bà!