Chủ tịch nước Tô Lâm quyết định đặc xá cho 3.765 phạm nhân
Chủ tịch nước Tô Lâm đã ký quyết định đặc xá cho 3.763 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và 2 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có đủ điều kiện được đặc xá năm 2024.
Thông tin Chủ tịch nước Tô Lâm quyết định đặc xá cho 3.765 phạm nhân, nhân dịp kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh, 70 năm Giải phóng Thủ đô được công bố tại buổi họp báo sáng 30/9. Quyết định đặc xá này có hiệu lực từ ngày 1/10.
Đặc xá năm 2024 là quyết định tha tù trước thời hạn cho những phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam và những người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có điều kiện.
Những phạm nhân được đặc xá vẫn phải chấp hành đầy đủ theo quy định của pháp luật các hình phạt bổ sung như: Cấm đảm nhận chức vụ, quản chế, phạt tiền, bồi thường thiệt hại, nghĩ vụ dân sự khác…
“Đặc xá năm 2024 một lần nữa tiếp tục khẳng định chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam đối với những người phạm tội, khuyến khích họ hối cải, rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội”, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà nói.
Đặc xá cũng là sự ghi nhận kết quả cải tạo, chấp hành tốt nội quy, quy định của phạm nhân; là kết quả của quá trình giáo dục, cải tạo phạm nhân, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa trại giam, gia đình, các cơ quan có liên quan và toàn xã hội trong việc thực hiện chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Ông Hà khẳng định, quá trình xét, quyết định đặc xá cho những phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và những người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được thực hiện chặt chẽ, công khai, công bằng, chính xác và bảo đảm dân chủ theo quy định của pháp luật.
Khi xem xét đặc xá đều phải tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định, đó là: Đặc xá phải được tiến hành nghiêm minh, chặt chẽ, công khai, dân chủ, đảm bảo công bằng, đúng đối tượng, điều kiện theo quy định của pháp luật để tất cả các phạm nhân có đủ điều kiện đều được xem xét và không để bất kỳ phạm nhân nào không đủ điều kiện theo quy định lại được xem xét đặc xá.
“Chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với những người có hành vi phạm tội là "nghiêm trị" kết hợp với "khoan hồng" - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà nói.
Hình phạt mà pháp luật hình sự của Nhà nước Việt Nam áp dụng không chỉ nhằm trừng trị những người có hành vi phạm tội mà còn nhằm cải tạo họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật và quy tắc xử sự của cuộc sống, cảnh tỉnh, ngăn ngừa họ không phạm tội mới.
Mặt khác, đặc xá còn thể hiện truyền thống nhân ái, bao dung của dân tộc Việt Nam, thể hiện chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước Việt Nam và tính ưu việt của Nhà nước Việt Nam đối với người phạm tội bị kết án phạt tù đã thực sự cải tạo tốt.
“Tất cả những phạm nhân được đặc xá lần này đều là những người có hành vi vi phạm pháp luật hình sự Việt Nam và đã bị TAND các cấp của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam tuyên phạt theo các chế tài được quy định tại Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự của Nước CHXHCN Việt Nam, nay những phạm nhân này có đủ điều kiện được xem xét, đặc xá”, ông Hà cho hay.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước cũng khẳng định, đặc xá không có sự phân biệt đối xử hoặc hạn chế với bất kỳ phạm nhân nào cho dù phạm nhân đó là người Việt Nam hay là người có quốc tịch nước ngoài, nếu phạm nhân đó có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật Nước CHXHCN Việt Nam đều được xét đặc xá.
Thực tiễn cho thấy, qua các đợt đặc xá là cơ hội để mỗi phạm nhân suy xét lại những lỗi lầm mà họ đã phạm phải, đánh giá kết quả cải tạo của mình, kiên quyết để dứt bỏ quá khứ tội lỗi, phấn đấu để trở thành công dân có ích cho xã hội.
Qua báo cáo của Bộ Công an, tuyệt đại đa số những phạm nhân được đặc xá đã có ý thức hoàn lương, hướng thiện, nhanh chóng tái lập cuộc sống, hoà nhập với cộng đồng. Trong đó, có nhiều người đã có cuộc sống ổn định, có người thành đạt và tham gia đóng góp tích cực vào các hoạt động của xã hội, được ghi nhận...