Nhiều thí sinh chưa nộp lệ phí xét tuyển đại học, mất hoàn toàn cơ hội
Quy trình tổ chức xét tuyển đại học đã bắt đầu từ ngày 4-9 nhưng đến nay nhiều thí sinh vẫn chưa nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến.
Nhân viên tuyển sinh hướng dẫn thí sinh đăng ký xét tuyển tại Ngày hội tư vấn xét tuyển 2022 do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Theo quy trình xét tuyển đại học năm 2022, sau 17h ngày 31-8, các thí sinh hoàn tất việc thanh toán lệ phí xét tuyển trực tuyến trên hệ thống chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cũng theo quy định của bộ, thí sinh chưa nộp lệ phí xét tuyển cũng không được ghi nhận nguyện vọng đã đăng ký và bị loại.
Đến trường xin hỗ trợ
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, những ngày qua, nhiều thí sinh và phụ huynh liên hệ với bộ phận tuyển sinh của các trường đại học, thậm chí đến tận trường thắc mắc và xin hỗ trợ nộp lệ phí xét tuyển.
Ngày 5-9, ông H. (phụ huynh ở TP.HCM) cùng con đến tận phòng thông tin - truyền thông Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) để nhờ hỗ trợ vì chưa nộp lệ phí đăng ký xét tuyển trực tuyến.
Phụ huynh cho biết do cả nhà ông không ai có tài khoản ngân hàng, vừa qua ông có nhờ người quen nộp lệ phí xét tuyển giúp cho con nhưng họ quên.
"Tôi đã dặn kỹ chị bạn chuyển khoản giúp cho con tôi nhưng chị bận lo nhà cửa gì đó quên ngày đóng. Con tôi cũng không nhắc, đến lúc nhớ thì hết hạn rồi. Nếu không được giải quyết là cháu bị mất uổng 12 năm học hành" - phụ huynh nói.
Thí sinh S. cho biết thêm, với kết quả thi tốt nghiệp THPT đạt 23,5 điểm (tổ hợp A00) vừa qua đã đăng ký tám nguyện vọng theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp.
"Tôi nhờ bạn nộp lệ phí giúp nhưng khi truy cập hệ thống lại không thể thanh toán được, refresh liên tục…, đến khi còn một ngày là hết hạn. Ba tôi đã nhờ người quen nộp giúp, không thấy cô ấy báo lại cứ nghĩ là đã nộp xong, ai ngờ. Tôi gọi hotline hệ thống tổng đài hỗ trợ thì được trả lời hệ thống đã đóng không thanh toán được nữa" - S. buồn bã.
Một cán bộ tuyển sinh Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) cũng cho biết tối 6-9 một giảng viên gọi hỏi việc nộp lệ phí đăng ký xét tuyển.
"Thí sinh là cháu của một giảng viên, không biết rõ thông tin đóng tiền qua hệ thống nên không đóng lệ phí, giờ hoang mang không biết sao. Thầy ấy nói là có gọi đường dây nóng của bộ và được trả lời là đã hết hạn nên gọi hỏi trường mình có cách nào không" - vị này cho biết.
Lỡ thời hạn vì không nắm thông tin
Sáng 5-9, thí sinh N.T. đã liên hệ bộ phận tuyển sinh Trường đại học Công nghiệp TP.HCM thắc mắc: "Em chưa thanh toán lệ phí đăng ký nguyện vọng thì còn cách nào để được xét không?".
Theo thí sinh này, trước đây Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định từ ngày 21-8 đến 17h ngày 28-8, thí sinh cả nước nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến trên hệ thống. Nhưng do không biết việc bộ sau đó nhiều lần điều chỉnh thời gian và quy định mỗi thí sinh chỉ có ba ngày để thực hiện thanh toán trực tuyến nên lỡ mất thời hạn.
Năm nay là năm đầu tiên ngành giáo dục yêu cầu thí sinh xét tuyển đại học phải thanh toán trực tuyến lệ phí xét tuyển. Thời gian thanh toán được điều chỉnh từ ngày 24-8 đến 17h ngày 31-8, trên 15 kênh thanh toán trực tuyến.
Trước đó, nhiều chuyên gia đã cảnh báo với việc Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến hoàn toàn, rồi lại liên tục thay đổi thời gian khiến thí sinh và phụ huynh sẽ không nắm bắt được.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nay hơn 426.000 thí sinh có nguyện vọng xét bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, bắt buộc phải nộp lệ phí đăng ký xét tuyển trên hệ thống của bộ.
Theo quy trình xét tuyển đại học năm 2022, sau 17h ngày 31-8, các thí sinh hoàn tất việc thanh toán lệ phí xét tuyển trực tuyến trên hệ thống chung của bộ.
Nên xét tuyển cho tất cả thí sinh
Theo ông Trần Vũ - trưởng phòng thông tin truyền thông Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), hiện nay thông tin chủ yếu qua mạng xã hội, mà thực tế cho thấy không phải thí sinh nào cũng theo dõi phương tiện truyền thông, nhất là trong thời điểm cận những ngày nghỉ lễ dài, bộ đã điều chỉnh phân luồng lịch thí sinh thực hiện thanh toán trực tuyến.
"Chúng ta không thể trách tâm lý chủ quan của thí sinh, vì không thể đặt cược việc hàng trăm ngàn thí sinh phải nắm thông tin qua phương tiện truyền thông một cách máy móc được. Theo tôi, cần xem xét để xét tuyển cho tất cả thí sinh có đăng ký nguyện vọng. Sau khi đã xét tuyển xong thì thí sinh đóng tiền cho trường đã trúng tuyển theo cơ chế thu hộ. Đừng để chuyện tiền đăng ký nguyện vọng vài chục hay vài trăm ngàn mà mất cơ hội của các em" - ông Vũ nói.