Hiểu sai về tác hại của thuốc lá điện tử
Nhiều người lầm tưởng, thuốc lá điện tử không độc hại như thuốc lá truyền thống...
Phòng chống tác hại thuốc lá trong trường học:
Tiểu phẩm của học sinh Trường THCS Tiền Phong (TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử đối với học sinh. Ảnh minh họa: INT |
Nhưng theo các chuyên gia, hai loại thuốc lá này đều gây ra những tác hại không nhỏ tới sức khỏe con người.
TS. Bác sĩ Vũ Đỗ - Trưởng khoa Khám bệnh đa khoa theo yêu cầu, Bệnh viện Phổi Trung ương: Những tác hại nhãn tiền
Thuốc lá truyền thống và thuốc lá điện tử đều có tác động xấu tới sức khỏe con người. Dù vậy, hai loại thuốc lá này có cách thức và mức độ gây hại khác nhau.
Trong thuốc lá truyền thống chứa nhiều chất gây ung thư, như tar (nhựa thuốc), nicotine và hàng trăm chất độc khác ảnh hưởng lớn đến hệ hô hấp với các bệnh như viêm phế quản, viêm phổi, đặc biệt là ung thư phổi. Ảnh hưởng đến hệ tim mạch, làm tăng nguy cơ đột quỵ và các bệnh tim; làm giảm sức đề kháng của cơ thể và gây lão hóa da sớm.
Còn thuốc lá điện tử chứa nicotine (dạng lỏng) gây nghiện mạnh mẽ và có thể ảnh hưởng đến não bộ, đặc biệt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Một số thành phần trong chất lỏng dùng cho thuốc lá điện tử như propylene glycol và glycerin khi bị đốt cháy có thể sinh ra các chất độc hại gây viêm phổi, tổn thương phổi. Thậm chí, những hương liệu trong thuốc lá điện tử có thể sản sinh các hợp chất gây ung thư khi bị đốt cháy. Một số người sử dụng thuốc lá điện tử có thể chuyển sang hút thuốc lá truyền thống.
Không chỉ gây hại với người hút, chất nicotine trong thuốc lá truyền thống và điện tử có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ ở trẻ vị thành niên, gây rối loạn trí nhớ, giảm khả năng học tập, thậm chí tăng nguy cơ trầm cảm.
Cả hai loại thuốc lá đều chứa nicotine khiến người trẻ dễ nghiện và khó cai. Hút thuốc thường gây khó thở, ho mãn tính, làm giảm hiệu suất học tập và hoạt động thể dục thể thao. Người hút thuốc lá ở tuổi học đường dễ bị áp lực từ bạn bè, có nguy cơ cao mắc các vấn đề tâm lý và có thể tiếp xúc với các chất gây nghiện khác.
Tóm lại, dù có khác nhau ở cách thức gây hại nhưng cả thuốc lá truyền thống và điện tử đều mang lại nhiều hệ lụy xấu cho sức khỏe, đặc biệt nguy hiểm với người trẻ tuổi khi hệ thần kinh và các cơ quan chưa phát triển hoàn thiện. Do đó, tránh xa khói thuốc và chọn cho mình lối sống, thói quen sống lành mạnh là lựa chọn thông minh của bất kỳ ai.
Thiếu tá Nguyễn Văn Hoàn - Cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Quảng Ninh: Dễ nghiện, khó cai
Thuốc lá điện tử là thiết bị cho phép hít nicotine ở dạng hơi chứ không phải khói. Thuốc lá điện tử mô phỏng hình dạng và chức năng của thuốc lá thông thường, nhưng nó không tạo khói mà tạo ra luồng hơi có mùi vị và cảm giác giống thuốc lá thật. Hình dạng thuốc lá điện tử được tạo ra trông giống với thuốc lá điếu, xì gà, tẩu thuốc thông thường, hoặc như bút, thanh USB.
Thuốc lá điện tử không đốt thuốc lá hoặc tạo ra khí carbon monoxide - hai trong số những mối nguy hiểm lớn nhất đối với người hút thuốc nên thường được coi là an toàn hơn thuốc lá. Nhưng theo các chuyên gia y tế, các loại thuốc lá điện tử đều chứa chất nicotine gây hại cho sức khỏe. “Thuốc lá điện tử không độc hại bằng thuốc lá thông thường” là một quan điểm sai lầm.
Hiện có một số chất kích thích chưa phải là ma túy nhưng có tác dụng gây nghiện như ma túy mà giới trẻ vẫn sử dụng như thuốc lá điện tử, bóng cười, shisha... Một số đối tượng thực hiện hành vi trộn các chất ma túy vào shisha để sử dụng càng gây nguy hại tới sức khỏe cũng như vi phạm quy định của pháp luật. Do đó, học sinh phải tuyệt đối tránh xa những chất gây nghiện này.
Để phòng chống tác hại của thuốc lá/thuốc lá điện tử đối với học sinh cần phát huy vai trò, trách nhiệm mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên trong việc nắm bắt tâm lý, kịp thời phát hiện, hỗ trợ, ngăn chặn hành vi hút thuốc của học sinh. Đồng thời phối hợp giáo dục, định hướng các em nhận thức được tác hại đối với sức khỏe và tương lai, từ đó các em thay đổi hành vi theo những chuẩn mực tốt đẹp.
NGƯT.TS Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam: Người lớn cần làm gương
Những tác hại của thuốc lá/thuốc lá điện tử đối với sức khỏe con người đã rõ ràng. Để phòng tránh thuốc lá từ xa, từ sớm cho học sinh thì bố mẹ và thầy cô phải có ý thức tự giác và làm gương. Mỗi nhà trường cần thực hiện các giải pháp đa dạng để tuyên truyền tới học sinh về những hệ lụy, sự nguy hại của thuốc lá.
Bên cạnh đó, các trường nên xây dựng và tổ chức nhiều hoạt động, sân chơi bổ ích cho học sinh tham gia để tránh xa các thói hư, tật xấu. Điều này vừa giúp nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần, tăng tình đoàn kết, tính kỷ luật mà cũng góp phần hạn chế nguy cơ bị kẻ xấu lôi kéo vào những hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy, vũ khí vật liệu nổ, thuốc lá điện tử…
Ngoài ra, để tiếp tục đẩy lùi tình trạng hút thuốc lá trong lứa tuổi học đường, các trường học cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc tuyên truyền bằng hình thức khác nhau để nâng cao nhận thức về các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. Thực hiện nghiêm Điều 11, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá về môi trường không khói thuốc và có chế tài xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có chứa chất nicotine và khoảng 15.500 loại hương liệu. Trong đó, nhiều loại hương liệu độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, có loại gây cháy nổ và có thể pha trộn các chất gây nghiện khác vào dung dịch như ma tuý, cần sa.