Tuyến cao tốc đầu tiên xây dựng bằng nguồn vốn địa phương, không sử dụng ngân sách Trung ương
Tuyến cao tốc đầu tiên xây dựng bằng nguồn vốn địa phương, không sử dụng ngân sách Trung ương dài hơn 25km, hoàn thành sau 4 năm thi công.
Cụ thể, tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng là tuyến cao tốc đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ giao cho địa phương thực hiện bằng nguồn ngân sách của tỉnh và hình thức đối tác công tư (PPP).
Theo cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh, dự án cao tốc Hạ Long – Hải Phòng có chiều dài toàn tuyến là 25,2km, khi đưa vào sử dụng giúp rút ngắn quãng đường từ Hạ Long đi Hà Nội từ 180km xuống còn 130km, thời gian đi ô tô chỉ còn 1,5 tiếng. Chiều dài quãng đường từ Hạ Long đi Hải Phòng cũng giảm từ 70km xuống chỉ còn 25km.
Cao tốc Hạ Long – Hải Phòng là dự án được tỉnh Quảng Ninh ấp ủ từ năm 2010, sau khi được sự đồng ý của Trung ương, dự án chính thức phát lệnh khởi công từ tháng 9/2014 và đi vào sử dụng từ tháng 9/2018, tổng mức đầu tư gần 13.700 tỷ đồng.
Dự án gồm hai hợp phần, dự án đường nối TP Hạ Long với Cầu Bạch Đằng có vốn đầu tư 6.416 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách và dự án Cầu Bạch Đằng có vốn đầu tư 7.277 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức BOT.
Trên thực tế, giá trị của cao tốc Hạ Long – Hải Phòng không chỉ nằm ở việc rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai trọng điểm kinh tế phía Bắc là Hải Phòng và Quảng Ninh, mà tuyến đường này sẽ đóng vai trò then chốt trong tạo không gian phát triển mới, dọc khu vực ven biển của Hải Phòng và Quảng Ninh. Đây là khu vực hàng chục năm qua chủ yếu phát triển nuôi trồng thủy sản quảng canh, giá trị thấp, dù lợi thế rất lớn về hàng hải và diện tích đất cho phát triển công nghiệp, dịch vụ....
Việc hoàn thiện và đưa tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng vào khai thác cũng là dấu mốc quan trọng khẳng định thành công của tỉnh Quảng Ninh trong việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong huy động nguồn lực đầu tư kết nối hạ tầng trong chiến lược phát triển đất nước nói chung và Quảng Ninh nói riêng.
Từ năm 2015, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút mạnh mẽ nguồn lực ngoài ngân sách. Trong tổng số vốn thu hút đầu tư xây dựng các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh đạt, nguồn vốn đầu tư từ xã hội là chủ yếu (chiếm 3/4 tổng vốn đầu tư), còn lại vốn ngân sách tỉnh chủ yếu để thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng.
Nhờ đó, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Quảng Ninh đã phát triển đột phá, mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng nhanh và bền vững; tạo bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại. Khẳng định tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược bằng những hành động dám nghĩ, dám làm, dám đột phá của tỉnh Quảng Ninh.
Quảng Ninh không chỉ là tỉnh tiên phong không nhận ngân sách từ Trung ương, tự huy động vốn làm đường cao tốc mà còn là tỉnh đầu tiên huy động kinh tế tư nhân để xây dựng sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam.
Theo đó, sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) là sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam, với thời gian thi công chỉ 2 năm. Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh đã chủ động tìm và mời gọi nhà đầu tư, dành nguồn ngân sách đối ứng để thực hiện đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối, tổ chức GPMB chuẩn bị quỹ đất sạch để làm sân bay.
Chỉ sau thời gian ngắn, một số nhà đầu tư trong nước và quốc tế đã đến Quảng Ninh, đề xuất được nghiên cứu đầu tư sân bay. Sun Group là nhà đầu tư chiến lược được lựa chọn bằng kế hoạch đầu tư Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn với số vốn ban đầu hơn 7.000 tỷ đồng. Tháng 3/2016 dự án chính thức được triển khai, tháng 12/2018 sân bay chính thức đưa vào khai thác và đón chuyến bay thương mại đầu tiên.
Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 2/2023, phương án phát triển mạng lưới giao thông vận tải của tỉnh Quảng Ninh được bám sát định hướng của quy hoạch cấp quốc gia để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh bảo đảm đồng bộ, hiện đại.
Cùng với đó, Quảng Ninh phát triển hệ thống giao thông thúc đẩy liên kết vùng (Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Giang…), nội vùng (nhất là giữa các khu vực vùng cao, miền núi với các vùng động lực, trung tâm đô thị) gắn với các hành lang phát triển kinh tế (Hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; hành lang kinh tế ven biển từ Móng Cái, Quảng Ninh đến Cà Mau).