Sổ hồng: Phải đạt hoặc vượt cam kết
Cư dân đã là nạn nhân từ sự thất tín của chủ đầu tư, nay họ chỉ trông đợi vào việc hiện thực hóa cam kết từ cơ quan chức năng...
Về mặt văn hóa, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) là một "bảo vật" của bất cứ ai. Nó giúp họ vững tin về "an cư" để toàn tâm toàn ý cho "lập nghiệp".
Về mặt pháp lý, giấy này là sự bảo đảm từ nhà nước việc người dân được trọn vẹn quyền lợi nơi mình sinh sống.
Về tính hữu dụng, sổ hồng làm tăng giá trị chỗ ở, giúp chủ nhân lỡ gặp khó khăn có thể tự tin mang đến ngân hàng vay một khoản cho nhu cầu đầu tư cần kíp...
Quan trọng là vậy, song với nhiều người, đặc biệt là cư dân ở chung cư, việc được chính danh tại chính căn hộ mình bỏ tiền ra mua lại là ước mơ xa vời. Đã có vô số gia đình mòn mỏi chờ cả chục năm sau thời hạn chủ đầu tư cam kết mà chưa biết hình dáng tấm giấy ấy thế nào.
Hoa Phượng - một chung cư tại TP HCM - người dân dù ở nhiều năm mà vẫn mòn mỏi chuyện sổ hồng
Nguyên nhân của sự ì ạch trên thì nhiều. Cụ thể như có tình trạng chủ đầu tư mang giấy tờ đi cầm cố; điều chỉnh quy hoạch, quy mô dự án nên phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính bổ sung; dự án đang cấp sổ hồng thì cơ quan tư pháp yêu cầu tạm ngăn chặn…. Tất cả đều dẫn tới hệ lụy chung là người dân mệt mỏi, tâm trạng bức xúc, mâu thuẫn với chủ đầu tư tăng lên.
Theo tìm hiểu, tại TP HCM có hàng trăm ngàn hộ đợi sổ hồng, chỉ riêng quận 7 và TP Thủ Đức đã có trên 50.000.
Thấu hiểu điều này, cơ quan chức năng đã thống nhất một loạt giải pháp gỡ vướng. Từ cơ sở ấy, Sở Tài nguyên và Môi trường quả quyết trong năm 2023 đẩy nhanh giải quyết việc cấp sổ hồng cho 20.300 căn được thẩm định đủ điều kiện. Các năm tiếp theo, đương nhiên việc cấp thêm không chững lại.
Cư dân đã là nạn nhân từ sự thất tín của chủ đầu tư, nay họ chỉ trông đợi vào việc hiện thực hóa cam kết từ sở. Do vậy, hãy triển khai đúng cam kết, còn nếu vượt thì tốt quá.