Đề tài “Giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam” đủ điều kiện nghiệm thu chính thức
Ngày 18/12, Hội đồng Khoa học Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị đánh giá cơ sở đề tài khoa học cấp bộ “Giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam” do ThS Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục I, Thanh tra Chính phủ làm Chủ nhiệm.
TS Lê Tiến Hào, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng đánh giá.
Trình bày kết quả nghiên cứu tại buổi họp, theo chủ nhiệm đề tài, giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng là cơ chế kiểm soát việc thực thi nhiệm vụ, công vụ của các chủ thể có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng…
Đề tài có mục tiêu nghiên cứu đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao chất lượng giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.
Để làm rõ mục tiêu đề ra, đề tài nghiên cứu một số nội dung chính như sau: Cơ sở lý luận về giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng; Thực trạng giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam; Quan điểm, giải pháp nâng cao chất lượng giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng.
Nhận xét tại hội nghị, TS Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Ủy viên Phản biện cho rằng, đề tài có cách tiếp cận phù hợp, sản phẩm nghiên cứu đáp ứng yêu cầu của đề tài cấp bộ.
Góp ý hoàn thiện kết quả nghiên cứu, theo TS Nguyễn Huy Hoàng, trong phần mở đầu, chủ nhiệm đề tài cần thể hiện lại tính cấp thiết của đề tài theo hướng luận giải những kết quả đạt được của công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng và những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, như vậy sẽ làm nổi bật các nội dung cần nghiên cứu.
Về kết cấu đề tài, kết cấu 3 phần của đề tài hợp lý, tuy nhiên, nội dung của từng phần cần sắp xếp lại, phần lý luận, mục 1.1 và mục 1.2 của đề tài, chủ nhiệm cần sắp xếp lại cho phù hợp hơn, đề cập đến quan niệm, đặc điểm, vai trò, ý nghĩa của công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng; cần bổ sung thẩm quyền, nội dung và phương thức giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng…
Phần giải pháp, cần đề cập đến giải pháp trước mắt và giải pháp lâu dài đối với giải pháp về nâng cao chất lượng giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng; nêu cơ sở pháp lý cụ thể hoàn thiện pháp luật được đề cập đến trong đề tài.
Theo TS Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra - Ủy viên Thư ký, đề tài cần sắp xếp lại về bố cục cho phù hợp hơn về số lượng trang giữa các phần. Mục tiêu đề tài là hoàn thiện pháp luật về công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng, do đó phần lý luận, đề tài cần làm rõ thêm các quan niệm về giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng; xác định chủ thể, đối tượng, nội dung công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng
Phần thực trạng, đề tài cần đề cập đến pháp luật liên quan đến giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng; bổ sung thêm thực trạng hoạt động về giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng.
Phần giải pháp, đề tài cần đề cập đến nhóm giải pháp hoàn thiện pháp luật đối với giám sát, kiểm tra, thanh tra trong công tác phòng, chống tham nhũng; nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng…
TS Lê Tiến Hào nhận định, đề tài cơ bản đạt yêu cầu đề ra, làm rõ được đối tượng, phạm vi, mục tiêu nghiên cứu. Nội dung bám sát mục tiêu nghiên cứu đề ra, số liệu có nguồn gốc cụ thể. Các giải pháp được đề ra có tính đồng bộ, phù hợp với thực tiễn công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay.
Góp ý hoàn thiện kết quả nghiên cứu, Chủ tịch Hội đồng đề nghị, phần tính cấp thiết, đề tài cần thể hiện lại cho rõ hơn theo hướng nêu vai trò của công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra trong phòng, chống tham nhũng; nêu những kết quả đạt được cũng như tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; đề cập đến việc còn nhiều vấn đề cả về lý luận và thực tiễn cần nghiên cứu luận giải, làm rõ thêm…
Phần lý luận, đề tài có thể sắp xếp lại một số nội dung cho phù hợp hơn theo góp ý của thành viên Hội đồng; sự phối hợp trong giám sát, kiểm tra, thanh tra trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Phần thực trạng, bổ sung thêm những luận giải, đánh giá thực trạng cho rõ ràng hơn.
Phần giải pháp, cần cụ thể hơn các giải pháp được đưa ra, làm dày dặn thêm nội dung để đảm bảo bố cục hợp lý giữa các phần.
Với kết quả đạt được, Hội đồng thống nhất kết quả đề tài đạt yêu cầu để đưa ra nghiệm thu chính thức.