Cà Mau: Tập trung chỉ đạo, tăng cường hiệu lực thanh tra
Năm 2023, trên cơ sở chương trình, kế hoạch chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngành Thanh tra tỉnh Cà Mau đã bám sát và xây dựng chương trình công tác của đơn vị và của ngành với những nhiệm vụ, kế hoạch cụ thể. Từ đó, tập trung chỉ đạo, điều hành triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả và cơ bản hoàn thành các mục tiêu trong năm 2023.
Không để xảy ra chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra
Chánh Thanh tra tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Phụng cho biết, năm 2023, ngành Thanh tra của tỉnh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác thanh tra từ những năm trước. Trong đó, tiếp tục đổi mới phương pháp, cách thức tiến hành thanh tra, xử lý sau thanh tra nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra.
Số liệu thống kê cho thấy, toàn ngành Thanh tra tỉnh đã triển khai thực hiện được 75 cuộc thanh tra hành chính, trong đó, có 60 cuộc theo kế hoạch và 15 cuộc đột xuất. Nội dung các cuộc thanh tra tập trung chủ yếu trong lĩnh vực tài chính - ngân sách, đầu tư xây dựng, đất đai…
Kết quả, đã ban hành kết luận 57 cuộc. Qua thanh tra, đã phát hiện sai phạm về kinh tế số tiền hơn 5,3 tỷ đồng. Trong đó, kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước hơn 4 tỷ đồng (đã thu hồi hơn 3,5 tỷ đồng); kiến nghị khác hơn 1,3 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 4.790m2 đất và xử lý hành chính 15 tổ chức, 134 cá nhân (đã xử lý 5 tổ chức, 129 cá nhân); chuyển cơ quan điều tra 2 vụ, 2 đối tượng.
Bên cạnh đó, thanh tra các sở, ngành đã tiến hành gần 8.000 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 1.290 tổ chức, hơn 9.100 cá nhân. Qua thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện hơn 1.250 tổ chức, cá nhân vi phạm; ban hành 760 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 6 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước hơn 1 tỷ đồng và xử lý khác 640 triệu đồng.
Trong thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) và phòng, chống tham nhũng (PCTN), toàn tỉnh đã thực hiện 16 cuộc tại 59 đơn vị; đã ban hành kết luận 18 cuộc. Qua thanh tra, đã kiến nghị xử lý 4 cá nhân (đã xử lý xong), kiến nghị chuyển điều tra 1 vụ.
Chánh Thanh tra tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Phụng cũng cho biết, thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, Thanh tra tỉnh đã xây dựng phần mềm quản lý kế hoạch thanh tra. Qua đó, nhằm mục đích khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Năm 2023, qua rà soát đã có 31 đơn vị là đối tượng thanh tra theo kế hoạch của 17 sở, ngành, đơn vị đã được phê duyệt có sự trùng lặp về đối tượng thanh tra. Thanh tra tỉnh đã mời các đơn vị có liên quan trao đổi và thống nhất hướng xử lý tránh chồng chéo, trùng lặp theo quy định...
Chánh Thanh tra tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Phụng phát biểu tại buổi công bố quyết định thanh tra trách nhiệm Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi. Ảnh: Thanh tra tỉnh Cà Mau |
Kịp thời xử lý đơn thư, không để phát sinh điểm nóng
Năm 2023, toàn tỉnh Cà Mau đã tiếp hơn 3.500 lượt với hơn 3.200 người.
Tổng số đơn tiếp nhận là hơn 3.000 đơn; số đơn đủ điều kiện xử lý là hơn 2.300 đơn. Qua phân loại, xử lý có 1.024 đơn thuộc thẩm quyền (KN 133 đơn, TC 47 đơn và 844 đơn kiến nghị, phản ánh). Trong 133 đơn KN thuộc thẩm quyền, đã giải quyết 98 đơn; trong đó có 24 trường hợp người dân đã rút đơn. Qua giải quyết KN, đã trả lại quyền lợi cho 3 cá nhân… Đối với giải quyết đơn TC, qua giải quyết đã trả lại quyền lợi cho tổ chức gần 300 triệu đồng; kiến nghị xử lý hành chính 11 cá nhân, trong đó có 10 cán bộ, công chức, viên chức.
Chánh Thanh tra tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Phụng cho biết, trong năm, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ giải quyết KNTC của các ngành và chính quyền ở nhiều địa phương, nhất là vai trò của thủ trưởng các đơn vị, địa phương đã được quan tâm tập trung và quyết liệt chỉ đạo hơn trước. Công tác tiếp công dân của chủ tịch UBND các cấp đã được thực hiện nghiêm túc. Công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan Nhà nước trong việc chấp hành và thực hiện các quy định pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC được quan tâm.
Để nâng cao công tác hòa giải ở cơ sở, ngày 5/5/2023, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 109/KH-UBND, tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, nhằm đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được, phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, củng cố, kiện toàn, thực hiện tốt công tác hòa giải cơ sở, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm nhằm tư vấn, hỗ trợ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, hạn chế tình trạng KNTC, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Từ đó, công tác hòa giải cơ sở được chú trọng hơn trước.
Bước sang năm 2024, để tiếp tục làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh sẽ thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân thường xuyên, định kỳ, đột xuất, hạn chế đến mức thấp nhất việc ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân. Tiếp công dân phải gắn với việc kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo giải quyết kịp thời, dứt điểm vụ việc, không để kéo dài, khiếu kiện vượt cấp.
Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện nghiêm túc, triệt để các quyết định giải quyết KN, kết luận nội dung TC đã có hiệu lực pháp luật. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu vướng mắc phải chủ động tìm biện pháp tháo gỡ, nếu vượt thẩm quyền thì phải kịp thời xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên, không để vụ việc kéo dài.
Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật của các cơ quan, đơn vị trực thuộc, thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC của công dân, nhất là đối với đơn vị trực thuộc UBND cấp huyện...