Khi người dân Trung Quốc thích quét mã trả tiền
Người dân Trung Quốc hiện nay chuộng việc quét mã QR để thanh toán đến nỗi chính quyền nước này phải quy định cấm người kinh doanh buôn bán từ chối tiền mặt.
Trong thời đại công nghệ hiện nay, mã QR - những ô vuông cùng chấm đen trên nền trắng - ngày càng trở nên quen thuộc với mọi người.
Người dân Trung Quốc hiện nay chuộng việc quét mã QR để thanh toán đến nỗi chính quyền nước này phải quy định cấm người kinh doanh buôn bán từ chối tiền mặt.
Theo phóng viên thường trú Đài truyền hình Việt Nam tại Trung Quốc, với người dân Trung Quốc, giờ đây, khi ra đường, chiếc ví chỉ đựng giấy tờ còn tiền chính là điện thoại. Và hết pin tức là hết tiền.
Tài khoản ngân hàng kết nối với mã quét thanh toán trên điện thoại là người dùng xài thoải mái. Ở Trung Quốc phổ biến nhất là Alipay và WeChat Pay.
Gần như không có người nào trả tiền mặt, tất cả đều là quét mã trả tiền. Thuận tiện từ nộp tiền tại các cây ATM, thuận tiện thanh toán hầu hết các loại dịch vụ bằng quét mã.
Ông Chu Ngô - người dân thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc - cho biết: "Trong người tôi hôm nay không mang theo đồng tiền mặt nào hết vì bất tiện. Mình cứ dùng điện thoại quét mã Alipay hay WeChat Pay là xong".
Các điểm mua bán, nhất là các phố đi bộ, khách hàng thường rất đông. Để việc bán mua nhanh gọn lẹ, quét mã trả tiền là nhanh nhất, khỏi phải trả lại tiền thừa.
Người dân Trung Quốc chuộng quét mã QR để thanh toán khi mua hàng. (Ảnh: AP)
Tại Trung Quốc, phần nhiều mạng xã hội là đa chức năng. Ngoài chức năng mạng xã hội còn có thêm chức năng ví điện tử để thanh toán rất nhiều dịch vụ trong cuộc sống. Trừ người quá lớn tuổi không quen xài, hầu hết người dân đất nước tỷ dân, mỗi người có từ 1 - 2 mã quét. Riêng 2 mã QR thanh toán của WeChat Pay và Alipay, mỗi mã có 700 - 900 triệu người xài.
Bởi vì không dùng tiền mặt nên chủ quán ngày càng tiện lợi như không tốn một người thu tiền, rồi lại không tốn một người đặt oder món ăn mà chỉ cần quét mã là có thể đặt món. Vì thế, đã xuất hiện tình trạng một số quán ăn không nhận tiền mặt. Do đó, các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã lên các phương tiện truyền thông để mà tuyên truyền rằng nếu không nhận tiền mặt là vi phạm pháp luật.