A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Những tỉnh, thành “mới” - Động lực tăng trưởng mới

Việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp giúp đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm ngân sách, nâng cao hiệu quả quản lý, đồng thời là nền tảng vững chắc cho kinh tế tăng trưởng, và là trụ đỡ hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển.

 

Đây là dấu mốc quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính, định hướng cho sự phát triển bền vững và lâu dài ở nước ta.

Chính quyền địa phương 2 cấp được kỳ vọng là nền tảng vững chắc đưa kinh tế tăng trưởng cao hơn (Ảnh minh họa).

Ông Hồ Sỹ Hùng, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, mục tiêu cao nhất của việc sắp xếp bộ máy là hướng đến môi trường kinh doanh, thể chế chính trị xã hội kiến tạo, chuyển từ bị động sang chủ động, lấy mục tiêu phục vụ xã hội nhân dân là mục tiêu chính, đưa nền kinh tế tăng trưởng cao hơn.

Chủ trương này mở ra kỳ vọng về những “siêu tỉnh” có quy mô kinh tế lớn, khả năng cạnh tranh cao và sức bật mới cho các ngành kinh tế chủ lực, đồng thời đặt ra yêu cầu cấp thiết về cách thức phát huy hiệu quả các nguồn lực đặc thù của từng địa phương trong một cấu trúc phát triển thống nhất.

Tuy nhiên, khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, rất nhiều ý kiến cho rằng, trong quá trình vận hành bộ máy mới chắc chắn sẽ có những khó khăn.

Các địa phương vận hành theo mô hình mới - địa giới rộng hơn, dân số đông hơn, quy mô kinh tế lớn hơn, song cũng đồng nghĩa với chỉ tiêu cao hơn, kỳ vọng lớn hơn và áp lực tăng trưởng nặng nề hơn. Tất cả đòi hỏi chiến lược phát triển tương xứng với hình hài đã thay đổi.

"Quy mô càng lớn, việc tăng 1% càng gặp nhiều khó khăn", ông Nguyễn Khắc Hoàng, Chi cục trưởng Thống kê TPHCM nói và phân tích chỉ tiêu tăng trưởng của TPHCM mới để làm rõ thêm, theo chỉ tiêu Chính phủ giao các địa phương trước sáp nhập, TPHCM (cũ) tăng 8,5%, Bình Dương tăng 10% và Bà Rịa - Vũng Tàu (không tính dầu thô) tăng 10%.

Bình quân 3 địa phương gộp lại là 8,92%. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm, con số này mới đạt 6,56%. Vì thế, theo ông Hoàng, để đạt con số Thủ tướng giao, GRDP 6 tháng cuối năm phải tăng 10,25%.

“Theo tính toán, sau sáp nhập, mỗi 1% GRDP tăng thêm của TPHCM mới tương đương hơn 17.200 tỷ đồng. Con số này là thách thức rất lớn”, ông Hoàng phân tích.

Số liệu của Cục Thống kê cho thấy 6 tháng đầu năm, GDP cả nước tăng 7,52% - mức cao nhất kể từ 2011. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, nền kinh tế cần tăng trưởng cao hơn trong 6 tháng cuối năm.

Nhiệm vụ này đặt lên vai 34 tỉnh, thành phố sau sáp nhập - những đơn vị đang phải thích nghi đồng thời với mô hình tổ chức mới và bài toán tăng trưởng mới để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả nước đạt 8% trở lên năm 2025.

Việc sáp nhập tỉnh, thành giúp du lịch có cơ hội cất cánh, nhờ sự mở rộng về văn hóa, địa lý, các sản phẩm địa phương (Ảnh minh họa).

Theo bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Trưởng ban Hệ thống Tài khoản quốc gia, Cục Thống kê, nền kinh tế cần tăng trưởng 8,42% trong 6 tháng cuối năm để đạt mục tiêu này (quý III tăng 8,33%, quý IV tăng 8,51%).

Bên cạnh đó, mô hình chính quyền hai cấp mở ra nhiều cơ hội cải cách thể chế, rút gọn tầng nấc trung gian và thúc đẩy tốc độ điều hành chính sách kinh tế. Nếu biết tận dụng thời điểm này để cơ cấu lại hướng đến tăng trưởng bền vững, bao trùm thì những tỉnh, thành “mới” hoàn toàn có thể trở thành động lực tăng trưởng mới của cả nước.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), sau sáp nhập, các địa phương sẽ sở hữu diện tích, dân số và nguồn lực lớn hơn, từ đó có điều kiện thuận lợi để quy hoạch các vùng phát triển kinh tế và hệ thống giao thông một cách đồng bộ hơn.

Lợi thế này càng trở nên rõ nét đối với các dự án bất động sản công nghiệp - vốn yêu cầu hệ thống logistics liên hoàn, dễ dàng tiếp cận nguồn nguyên liệu, lao động và các đầu mối hạ tầng lớn như cảng biển, sân bay…

Bên cạnh đó, khi các địa phương nhỏ được hợp nhất và quản lý thống nhất sẽ có điều kiện tập trung phát triển các ngành nghề thế mạnh, thay vì phân tán nguồn lực vào nhiều lĩnh vực không đồng đều. Điều này góp phần nâng cao hiệu quả phát triển và giảm cạnh tranh không cần thiết giữa các địa phương tương đồng.

Đặc biệt, quá trình sáp nhập còn mở rộng không gian phát triển cho các đô thị lớn như TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng. Các vùng ven và địa phương lân cận được sáp nhập vào các đô thị này có thể thừa hưởng nguồn lực kinh tế, dân cư và chính sách phát triển đặc thù, từ đó hưởng lợi mạnh mẽ từ làn sóng đô thị hóa.

Ngoài ra, việc tập trung phần lớn trung tâm hành chính tại các địa phương đã có nền tảng phát triển tốt sẽ giúp tận dụng hiệu quả hệ thống cán bộ có chuyên môn cao, chính sách đầu tư được kiểm chứng, từ đó nhân rộng mô hình phát triển cho khu vực rộng lớn hơn.

Về tài khóa, VCBS đánh giá việc sáp nhập sẽ tăng hiệu quả phân bổ vốn và quản lý ngân sách. Các địa phương mới, quy mô lớn hơn sẽ có khả năng tự chủ trong điều hành nguồn vốn, giảm sự phụ thuộc vào điều phối từ Trung ương, đồng thời đơn giản hóa quy trình, tiết kiệm chi phí và tăng tính linh hoạt trong phân bổ ngân sách.

Sau khi sáp nhập, các địa phương có điều kiện thuận lợi để chủ động quy hoạch, định hướng phát triển ngành kinh tế mũi nhọn và đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, tạo động lực thu hút vốn đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng.

Chẳng hạn, TPHCM sau khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ sở hữu lợi thế về kinh tế đô thị, công nghiệp, logistics - du lịch. Trong khi Hà Nam - Nam Định - Ninh Bình sau sáp nhập sẽ trở thành một cực kinh tế quan trọng của khu vực phía Bắc, cơ cấu kinh tế bền vững hơn với các trụ cột công nghiệp - du lịch - đô thị.

Tương tự, việc sáp nhập Đà Nẵng - Quảng Nam sẽ mở rộng không gian phát triển cho đô thị và công nghiệp - dịch vụ của TP. Đà Nẵng…

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, các tỉnh nhỏ lẻ, phát triển phân tán ngày càng bộc lộ hạn chế về quy mô, nguồn lực và khả năng thu hút đầu tư, vì thế sáp nhập tỉnh, thành được kỳ vọng tạo ra những vùng kinh tế quy mô lớn, đủ sức phát triển các ngành mũi nhọn, hình thành các trung tâm công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp hiện đại và đóng vai trò đầu tàu liên kết vùng.

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 10, Tòa nhà Ladeco, số 266 phố Đội Cấn, Phường Ngọc Hà, Thành phố Hà Nội

Email: media-booking@carvill-vietnam.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo