A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Ngoại giao Việt Nam trong kỷ nguyên mới: Bản lĩnh - Khát vọng - Hiệu quả

Sáng 15/7, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Chính phủ đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Ngoại giao lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030. Đây là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của toàn ngành Ngoại giao, diễn ra đúng dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập ngành (28/8/1945 - 28/8/2025), đánh dấu một chặng đường lịch sử vẻ vang và mở ra giai đoạn phát triển mới với khát vọng vươn tầm cao hơn.

 

Đại hội Đảng bộ Bộ Ngoại giao lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030 được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 80 năm thành lập ngành Ngoại giao (28/8/1945 - 28/8/2025). Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tham dự có các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao; đại diện các ban, cơ quan Trung ương và một số bộ, ngành. Về phía Bộ Ngoại giao có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn; Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Cường cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ và gần 300 đại biểu đại diện cho 98 cấp ủy trực thuộc trong nước, tiêu biểu cho hơn 12.000 đảng viên toàn Đảng bộ.

Với chủ đề “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng ngành Ngoại giao toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp; phát huy vai trò tiên phong, trọng yếu, thường xuyên của đối ngoại và hội nhập quốc tế; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới”, Đại hội không chỉ kiểm điểm công tác nhiệm kỳ 2020–2025, mà còn định hướng những nhiệm vụ then chốt cho chặng đường sắp tới.

Phát biểu khai mạc Đại hội, Phó Thủ tướng, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nêu rõ: Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ Bộ Ngoại giao đã thực hiện hợp nhất với Đảng bộ Ngoài nước, đồng thời tiếp nhận một số chức năng của Ban Đối ngoại Trung ương và Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. Đáp ứng yêu cầu tinh gọn tổ chức theo Nghị quyết 18-NQ/TW của Trung ương, toàn ngành đã thể hiện quyết tâm chính trị cao, đổi mới tư duy, triển khai toàn diện công tác đối ngoại một cách bài bản, hiệu quả và linh hoạt. Kết quả đạt được là những thành tựu nổi bật, đóng góp quan trọng vào việc củng cố cục diện đối ngoại thuận lợi, nâng cao vị thế quốc gia và đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

Trong bối cảnh quốc tế phức tạp, đầy biến động, cán bộ, đảng viên toàn ngành đã phát huy bản lĩnh, đoàn kết, giữ vững nguyên tắc nhưng linh hoạt trong triển khai đường lối đối ngoại. Tư tưởng xuyên suốt “giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy” tiếp tục được thể hiện rõ nét, khẳng định vai trò tiên phong của đối ngoại trên cả ba trụ cột: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Toàn thể cán bộ, đảng viên Bộ Ngoại giao tiếp tục nâng cao quyết tâm chính trị, đoàn kết một lòng, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, phát huy truyền thống vẻ vang và vai trò tiên phong, trọng yếu, thường xuyên của đối ngoại, nỗ lực hơn nữa với quyết tâm chính trị cao nhất triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, xây dựng Đảng bộ và ngành Ngoại giao thực sự trong sạch, vững mạnh toàn diện, hiện đại, đóng góp xứng đáng vào thực hiện thắng lợi tầm nhìn, mục tiêu 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước.

Tại Đại hội, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi đóng góp vào Báo cáo Chính trị, Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025; Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và Đại hội đại biểu Đảng bộ Chính phủ lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030.

Đại hội cũng đã công bố các quyết định của Đảng ủy cấp trên chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra Đảng bộ Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2025 – 2030 và đại biểu tham dự Đại hội Đảng bộ Chính phủ lần thứ I, nhiệm kỳ 2025- 2030.

Theo đó, đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao giữ chức Bí thư Đảng ủy Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2025-2030; đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao giữ chức Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy; đồng chí Nguyễn Minh Vũ, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy.

Thủ tướng mong rằng với tinh thần trách nhiệm cao của người đảng viên, các đại biểu dự đại hội sẽ nghiêm túc thảo luận dân chủ, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, trí tuệ, Đại hội Đảng bộ Bộ Ngoại giao lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030 sẽ thành công tốt đẹp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, tính chiến đấu cao, khát vọng lớn và tinh thần đổi mới mạnh mẽ của Đảng bộ Bộ Ngoại giao. Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm kỳ 2020–2025 là giai đoạn ngành Ngoại giao ghi dấu nhiều thành quả mang tính lịch sử, trong đó nổi bật là việc thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối đối ngoại được xác định tại Đại hội XIII của Đảng. Hơn 300 báo cáo, 300 tờ trình và 17 nghị quyết, đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư là minh chứng rõ ràng cho tinh thần chủ động, sáng tạo và hiệu quả trong tham mưu chính sách đối ngoại.

Một trong những dấu ấn nổi bật là việc ban hành Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, góp phần làm rõ vị trí then chốt của ngoại giao trong “bộ tứ trụ cột” chiến lược phát triển đất nước. Đồng thời, ngành đã không ngừng mở rộng quan hệ với các đối tác, nâng tổng số nước có quan hệ ngoại giao từ 189 lên 194, và lần đầu tiên thiết lập quan hệ từ mức đối tác chiến lược trở lên với tất cả các nước lớn, 5 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, toàn bộ các nước G7 và 18/20 nước G20.

Ngoại giao kinh tế được triển khai mạnh mẽ, đưa các lợi ích kinh tế vào nội dung cốt lõi của hoạt động đối ngoại. Ngoại giao vaccine đã trở thành một trong những minh chứng điển hình, góp phần giúp Việt Nam “đi sau về trước” trong tiêm chủng, sớm mở cửa, phục hồi kinh tế và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Cùng với đó, công tác bảo hộ công dân, lãnh sự, người Việt Nam ở nước ngoài, ngoại giao văn hóa và thông tin đối ngoại đều có nhiều đổi mới, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ về hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

Thủ tướng và các đại biểu dự Đại hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cơ bản thống nhất với phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ tới đã nêu trong Báo cáo chính trị trình Đại hội, Thủ tướng đồng thời gợi mở, phân tích, nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể để các đại biểu tiếp tục nghiên cứu và thảo luận trong Đại hội.

Thứ nhất, quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XIV, trên tinh thần “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Ngoại giao phải là lực lượng tiên phong, đồng hành cùng cả nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.

Thứ hai, kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Ngành cần tiếp tục làm sâu sắc trường phái “ngoại giao cây tre” với “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thích ứng linh hoạt với mọi biến động, giữ vững chủ quyền, lợi ích quốc gia, đóng góp thiết thực cho hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ ba, nâng cao năng lực phân tích, đánh giá, dự báo và tham mưu chiến lược. Trong bối cảnh biến động nhanh, phức tạp, khó lường, cần chủ động nắm chắc tình hình thế giới và khu vực, kịp thời cảnh báo, tư vấn chính sách, không để Đảng, Nhà nước bị động, bất ngờ, nhất là trong việc xác định “đối tác” và “đối tượng”.

Thứ tư, ngoại giao phải góp phần tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cần đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, hỗ trợ tìm kiếm thị trường, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy thương mại, góp phần phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, số và tri thức. Đồng thời, hài hòa hóa giữa đối nội – đối ngoại trong phát triển đất nước, nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất.

Thứ năm, đẩy mạnh quảng bá giá trị văn hóa dân tộc ra thế giới và tiếp nhận tinh hoa nhân loại về làm giàu nội lực đất nước. Biến các danh hiệu văn hóa, di sản, thành nguồn lực mềm trong chiến lược phát triển.

Thứ sáu, xây dựng Đảng bộ Bộ Ngoại giao thực sự trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; chú trọng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát huy mạnh mẽ tinh thần cống hiến, khát vọng và bản lĩnh của cán bộ ngoại giao. Theo Thủ tướng, “mỗi cán bộ ngoại giao phải là một chiến sĩ tiên phong trên mặt trận đối ngoại”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng rằng, với truyền thống 80 năm vẻ vang, cùng bản lĩnh và trí tuệ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, ngành Ngoại giao sẽ tiếp tục lập nên những dấu mốc phát triển mới, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thủ tướng trao quyết định và chụp ảnh chung với Ban Thường vụ Đảng bộ Bộ Ngoại giao. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Thủ tướng tham quan Triển lãm ảnh về ngành Ngoại giao. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng trao đổi với các đại biểu tại Đại hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 10, Tòa nhà Ladeco, số 266 phố Đội Cấn, Phường Ngọc Hà, Thành phố Hà Nội

Email: media-booking@carvill-vietnam.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo