Đề nghị đưa viện trợ vaccine vào chuyên đề Kiểm toán Nhà nước
Khoản này phải minh bạch, công khai, rõ ràng, khoản nào từ quỹ, ngân sách, chỗ nào cho, chỗ nào đi mua, cộng lại tổng liều không qua cơ chế covax, không qua cơ chế viện trợ của Chính phủ.
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 9, sáng nay (15/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) thống nhất bổ sung dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên) năm 2020; bổ sung dự toán NSNN vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021 để đảm bảo đủ điều kiện hạch toán, quyết toán ngân sách.
Tuy nhiên, đây là khoản bổ sung dự toán nên cần trình Quốc hội để đúng thẩm quyền. Cũng tại phiên họp, Ủy ban TVQH đề nghị trong tháng 4 tới Kiểm toán Nhà nước báo cáo kết quả kiểm toán việc mua, nhận viện trợ vaccine Covid-19.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra. (Ảnh: quochoi.vn)
Theo Tờ trình việc bổ sung dự toán NSNN nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) thì khoản viện trợ 1.413.387 tỷ đồng là khoản phát sinh trong năm 2020 đã được các cơ quan trung ương thực nhận nhưng chưa có dự toán được giao. Chính phủ đề nghị Uỷ ban TVQH bổ sung dự toán thu, chi ngân sách trung ương nguồn viện trợ nước ngoài (chi thường xuyên) và phân bổ chi tiết số tăng thu năm 2020 là 1.413.387 tỷ đồng.
Về việc bổ sung dự toán NSNN nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021, Chính phủ có báo cáo về số vốn đã tiếp nhận nhưng chưa đủ điều kiện hạch toán chi NSNN do chưa có dự toán là 10.558 tỷ đồng. Chính phủ đề nghị Uỷ ban TVQH cho phép bổ sung dự toán thu, chi ngân sách trung ương nguồn viện trợ nước ngoài (chi thường xuyên) và phân bổ chi tiết số tăng thu năm 2021 là 4.217.777 tỷ đồng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng, việc tiếp nhận và đưa vào sử dụng viện trợ không hoàn lại là cần thiết và hợp lý, không thể chờ có dự toán mới tiếp nhận và thực hiện, đồng thời đề nghị quản lý chặt nguồn viện trợ.
“Thời gian tới Chính phủ và Bộ Tài chính quản lý chặt hơn khoản viện trợ. Ví dụ Trung tâm đổi mới sáng tạo của Bộ Kế hoạch Đầu tư nhận viện trợ 30 triệu USD, nhưng làm 3 năm, chờ 3 năm sau đủ điều kiện quyết toán sẽ không ổn. Cho nên, khi tiền viện trợ về, Bộ Tài chính phải truy thu, đồng thời phải trình Quốc hội để bổ sung dự toán chính xác hơn, Ủy ban TVQH quyết tăng thu, tiết kiệm chi như vận dụng của Chính phủ và Bộ Tài chính”, ông Cường nói.
Trước yêu cầu trình Quốc hội để đảm bảo đúng thẩm quyền, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình: “Những khoản thu chi minh bạch, chủ yếu thủ tục phát sinh từ nhiều đợt. Do đó, TVQH họp từng đợt cho ý kiến, sau đó quyết toán ngân sách trình Quốc hội cùng với quyết toán ngân sách sẽ thuận lợi. Việc lớn có tính chất quyết sách mới trình, còn nguồn báo cáo thường xuyên, minh bạch, chặt chẽ và quyết toán ngân sách xin TVQH và đưa quyết toán ngân sách 1 lần sẽ hợp lý và đúng thẩm quyền", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, theo Luật Ngân sách Nhà nước, Ủy ban TVQH không nghe Chính phủ báo cáo từng từng khoản viện trợ không hoàn lại, nếu sau này có thất thoát, lãng phí là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh khoản viện trợ không hoàn lại phải quyết toán ngân sách và thẩm quyền thuộc Quốc hội. Bởi đây không phải tăng thu mà là chênh lệch giữa dự toán và chưa lập dự toán. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tách riêng vaccine Covid-19 ra khỏi nguồn viện trợ và đưa vào chuyên đề của Kiểm toán Nhà nước.
“Riêng vaccine Covid-19 tháng 4 này kiểm toán có kiết quả. Đề nghị Kiểm toán Nhà nước sơ bộ cho ý kiến sớm. Khoản này phải minh bạch, công khai, rõ ràng. Khoản nào từ quỹ, ngân sách, chỗ nào cho, chỗ nào đi mua, cộng lại tổng liều. Không qua cơ chế covax, không qua cơ chế viện trợ của Chính phủ. Mặt trận tổ quốc đã huy động quản lý và đưa chi tiêu như thế nào", Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.