Đấu giá biển số xe ô tô: Giá khởi điểm có nên giao địa phương quyết định?
Thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số xe ô tô thông qua đấu giá, các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều vấn đề, góp ý vào các nội dung quy định tại Dự thảo, trong đó, có ý kiến cho rằng, nên giao các địa phương quyết định về giá khởi điểm để tạo sự chủ động.
Xác định giá khởi điểm, bước giá
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, đa số đại biểu Quốc hội đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm khai thác hiệu quả kho số biển số ô tô, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, việc đấu giá quyền sử dụng biển số xe ô tô đã được triển khai từ nhiều năm tại các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt, Đoàn ĐBQH thành phố TP. Hà Nội cho rằng, việc ban hành Nghị quyết là xuất phát từ thực tiễn xã hội, nhu cầu chính đáng của người dân. Thực tế, từ năm 1993, Công an thành phố Hải Phòng đã triển khai thí điểm đấu giá biển số xe ô tô nhưng do nhiều lý do, trong đó thiếu cơ chế pháp lý nên phải dừng lại. Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân có điều kiện, mà còn làm cho việc đấu giá minh bạch, tăng ngân sách nhà nước.
Về giá khởi điểm của 1 biển số đưa ra đấu giá, dự thảo Nghị quyết xây dựng với 2 mức giá: vùng 1 (gồm: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh): 40 triệu đồng; vùng 2 (gồm các địa phương còn lại): 20 triệu đồng.
Cho ý kiến về quy định này, đại biểu Nguyễn Hải Trung, Đoàn ĐBQH thành phố TP. Hà Nội cho rằng, việc xác định giá khởi điểm rất quan trọng, nếu không đưa vào Nghị quyết sẽ khó triển khai trên thực tế. Theo đại biểu, việc xác định 2 mức giá này là ngang bằng với thuế trước bạ của các địa phương là 20 triệu và 40 triệu đối với TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Nêu quan điểm về quy định này, đại biểu Nguyễn Hải Trung đề nghị chỉ quy định một mức giá 40 triệu như đã nêu trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị không quy định chi tiết mức giá khởi điểm, mà giao cho Hội đồng nhân dân các địa phương quyết định, quy định như vậy cũng phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Tuấn, Đoàn ĐBQH thành phố TP. Hà Nội nêu quan điểm, quy định về giá khởi điểm cần căn cứ vào điều kiện của từng tỉnh, thành phố, nên chăng giao các địa phương quyết định sẽ tạo sự chủ động; đồng thời, cần nghiên cứu thêm quy định về việc sử dụng ngân sách từ việc đấu giá như thế nào đối với từng cấp (trung ương và địa phương). Đại biểu này lo ngại, nếu đấu giá toàn quốc đối với biển số ở các tỉnh, thành phố lớn như TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh sẽ không đảm bảo tính khả thi, vì hiện nay Bộ Công an quản lý biển số theo địa giới hành chính, quy định như vậy sẽ có sự mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật hiện hành.
Cũng về vấn đề giá khởi điểm, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng việc quy định giá khởi điểm khác nhau giữa vùng 1 và vùng 2 “không có ý nghĩa” khi người tham gia đấu giá trên phạm vi toàn quốc, không giới hạn và phân biệt giữa 2 vùng này.
Nêu ý kiến tại tổ, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh băn khoăn về mức giá khởi điểm của 1 biển số đưa ra đấu giá tại vùng 1 (gồm TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh) là 40 triệu đồng và vùng 2 (các địa phương còn lại) là 20 triệu đồng. Cho rằng dự thảo để mức giá 40 triệu, 20 triệu chưa hợp lý, Chủ tịch TP. Hà Nội đề xuất nghị quyết chỉ nên quy định mức sàn của giá khởi điểm, còn lại giao HĐND các tỉnh, thành quyết định mức giá khởi điểm, bước giá.
Ngoài ra, liên quan đến quy định về xác định trước bước giá 5 triệu đồng cho mọi cuộc đấu giá trong Dự thảo Nghị quyết gửi kèm theo, Chủ tịch UBND thành phố TP. Hà Nội cho rằng “bước giá 5 triệu đồng thì... đấu giá mấy ngày mới xong. Ở Hà Nội, bước giá phải 20, 40, 50 triệu đồng thì đấu giá mới nhanh, có khi 10 phút xong” – ông Trần Sỹ Thanh nhận định.
Đấu giá không phá vỡ nguyên tắc quản lý theo địa giới hành chính
Theo đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ, Đoàn ĐBQH thành phố TP. Hà Nội, dự thảo Nghị quyết quy định đấu giá trực tuyến trên phạm vi toàn quốc nhưng hiện tại đang thực hiện cấp đăng ký, cấp biển số xe theo địa bàn các tỉnh, thành phố và quản lý phương tiện theo địa bàn các địa phương. Đồng thời, có những trường hợp khi chủ xe và xe chuyển sang địa bàn khác phải đăng ký lại.
“Bây giờ đấu giá biển số đồng loạt như vậy, một người ở Cà Mau đấu giá ở TP. Hà Nội và gắn biển số Hà Nội nhưng chạy ở Cà Mau thì công tác quản lý sẽ tạo ra rất nhiều phức tạp. Khi chạy xe, chúng ta không hạn chế chạy ở đâu nhưng có quy định về việc đăng ký để quản lý theo địa bàn. Chúng tôi chưa thấy lý giải cụ thể về cách thức mà Bộ Công an sẽ tiến hành quản lý ô tô và phải thay đổi thế nào để phù hợp với quy định bán đấu giá trên địa bàn cả nước như thế này”- Đại biểu Nguyễn Phương Thủy chia sẻ.
Nêu quan điểm về vấn đề quản lý đấu giá, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh thí điểm đấu giá biển số không được phép phá vỡ nguyên tắc quản lý xe theo địa giới hành chính. Nếu đấu giá tập trung trên phạm vi cả nước thì có thể toàn bộ người dân phía Bắc sẽ đấu giá biển số xe TP. Hà Nội và như thế sẽ không quản lý được.
Cùng quan điểm với đại biểu Trần Sỹ Thanh, đại biểu Nguyễn Trúc Anh, Đoàn ĐBQH thành phố TP. Hà Nội cho rằng “Quản lý phương tiện cá nhân là bài toán cực kỳ nan giải của đại đô thị, nếu phá vỡ mà chưa có tổng kết, đánh giá thì cũng rất nguy hiểm. Cho nên, tôi nghĩ vẫn giữ theo truyền thống gắn phương tiện xe và biển số xe”.
Ngoài ra, thảo luận về các nội dung khác của dự thảo Nghị quyết, đa số đại biểu thống nhất với hình thức đấu giá biển số xe ô tô qua hình thức trực tuyến. Thời gian thí điểm của Nghị quyết là 3 năm, nhưng có ý kiến đề nghị cân nhắc linh hoạt thời gian thí điểm nếu tiến hành sửa đổi Luật Giao thông đường bộ và các luật liên quan sẽ tiến hành tổng kết và đưa vào luật.
Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định trong trường hợp có nhiều người trả cùng một mức giá, quy định cụ thể hơn về trường hợp chỉ có một người tham gia đấu giá. Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết vẫn còn nhiều nội dung chưa rõ, chưa phổ quát, cần sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính xuyên suốt, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, công khai minh bạch, đáp ứng yêu cầu của người dân.
Một số đại biểu Quốc hội cũng nhấn mạnh, nếu Nghị quyết được thông qua, khâu tổ chức thực hiện rất quan trọng. Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội có vai trò quan trọng trong việc giám sát chặt chẽ; Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ trong việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng khi đấu giá trực tuyến.