A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Đại biểu Quốc hội lo lạm dụng bắt cơ sở kinh doanh phải mua bảo hiểm cháy, nổ

“Tôi không biết danh mục cơ sở phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là loại hình nào”, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu ý kiến và đề nghị phải có danh mục để đại biểu góp ý, tránh lạm dụng.

Article thumbnail
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa. Ảnh: P.Thắng

Sáng 28/8, Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Dự thảo luật này đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 7 (tháng 5/2024) và dự kiến thông qua tại kỳ họp 8 vào tháng 10 tới.

Theo dự thảo luật, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc với tài sản của cơ sở thuộc danh mục cơ sở phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm.

Chính phủ sẽ quy định danh mục cơ sở phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; mức phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; mức nộp, chế độ quản lý, sử dụng nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

“Tôi không biết danh mục cơ sở phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là loại hình nào”, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu ý kiến và đề nghị phải có danh mục cụ thể để đại biểu Quốc hội có ý kiến.

Việc này, theo ông Hòa, để tránh sau khi luật có hiệu lực thì “lạm dụng lên danh mục nhiều, bắt các cơ sở phải mua bảo hiểm cháy, nổ”.

 Toàn cảnh Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Ảnh: P.Thắng

Với cơ sở phải lập lực lượng phòng cháy, chữa cháy, theo đại biểu Phạm Văn Hòa cần cân nhắc để quy định cho phù hợp.

“Các hộ gia đình đăng ký sản xuất kinh doanh nhỏ, không phải doanh nghiệp, yêu cầu thành lập lực lượng phòng cháy, chữa cháy thì quá khắt khe, khó thực hiện”, ông Hòa nói.

Dự thảo luật giải thích “cơ sở là nhà, công trình, địa điểm được sử dụng để ở, sản xuất, kinh doanh, hoạt động thương mại, làm việc hoặc mục đích khác thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo danh mục do Chính phủ quy định”. 

Có tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy chỉ đọc và hiểu đã rất khó khăn

Chung mối quan tâm, đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) nói, theo thống kê, các bộ, ngành đã xây dựng 230 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về phòng cháy, chữa cháy. Nhưng theo bà, có tiêu chuẩn vừa ban hành đã thay đổi bằng tiêu chuẩn mới, thậm chí “3 năm, 3 tiêu chuẩn”, chỉ đọc và hiểu để triển khai thực hiện đã rất khó khăn.

“Một số tiêu chuẩn thiếu thực tế, không có tính khả thi, do đó, các bộ ngành cần phối hợp rà soát, sửa đổi các tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy đảm bảo thống nhất, tránh gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp và người dân”, bà Ngọc nêu quan điểm. 

Đại biểu đoàn Hòa Bình đề nghị phân biệt rõ các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh dễ cháy nổ cần quy định khắt khe về phòng cháy chữa cháy, không đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy phải chuyển hình thức sản xuất kinh doanh.

Còn với cơ sở sản xuất ít xảy ra cháy, dễ dàng cứu chữa, theo bà Ngọc, cần quy định về quy chuẩn có thể dễ hơn để giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân.

 Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình). Ảnh: P.Thắng

“Việc quy định chung một quy chuẩn, kỹ thuật áp dụng cho các cơ sở sản xuất kinh doanh là chưa hợp lý”, bà Ngọc nêu thực tiễn qua đi khảo sát.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế cũng nêu thực tế là tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy đang quy định quá cao khiến doanh nghiệp rất sợ.

“Có doanh nghiệp chỉ đầu tư 1 tỷ đồng, nhưng nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, tiêu chí phòng cháy chữa cháy phải mất 2-3 tỷ đồng, lớn hơn nhiều tiền đầu tư”, ông Minh đặt vấn đề không biết luật lần này có giải quyết được bất cập vừa nêu hay không.

Về phân cấp trong thẩm tra, thẩm định phòng cháy chữa cháy, ông Minh ghi nhận hiện tiến bộ lớn là có cơ quan thẩm tra riêng, nhưng ông băn khoăn khi mỗi công trình có 2 cơ quan thẩm định, một cơ quan xây dựng, một cơ quan công an, làm thủ tục hành chính tăng lên, doanh nghiệp kêu và phản ứng.

Quy định về phòng cháy với phương tiện giao thông cũng là điều khiến đại biểu băn khoăn.

Dẫn lại khoản 1, Điều 20 quy định vận tải hành khách trên 9 chỗ phải có phương tiện chữa cháy phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động và đảm bảo số lượng, chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy theo quy định của Bộ Công an, đại biểu Phạm Văn Hòa nhận xét, “còn chung chung”.

Theo ông Hòa, cần quy định cụ thể phương tiện tham gia giao thông xe từ 9 chỗ ngồi trở lên, trên xe phải trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy gì để dễ tổ chức thực hiện.

Thêm nữa, xe ô tô 9 chỗ của gia đình, thì có phải trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy theo quy định hay không, cũng cần rành mạch rõ ràng, đại biểu đoàn Đồng Tháp góp ý. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: carvillvn.info@gmail.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo