A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Một số địa phương có dấu hiệu chần chừ trong sắp xếp đơn vị hành chính

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội vào sáng 23/5, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, nhiều địa phương rất tích cực trong triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025, nhưng cũng có một số địa phương có biểu hiện chần chừ. Đây là vấn đề được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm, coi là nhiệm vụ trọng tâm đến hết năm 2023, để chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng.

Theo Bộ trưởng, một yếu tố thuận lợi là Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2030 đã bao trùm được tất cả các vấn đề và gần như giải quyết hết các vướng mắc khi thực hiện sắp xếp của giai đoạn trước. Các bộ, ngành đã tập trung ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền để giải quyết khó khăn, vướng mắc của giai đoạn trước, trong đó, nhiều địa phương đã năng động, chủ động ban hành các văn bản giải quyết vấn đề này.

Đến nay, có 54/63 địa phương nằm trong diện phải sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Theo đó, có 49 đơn vị cấp huyện phải sắp xếp, dự kiến giảm 12-13 đơn vị cấp huyện. Số cấp xã phải sắp xếp là 1.247, dự kiến giảm 624 đơn vị. Trong giai đoạn này, có 4 địa phương có số lượng sắp xếp rất lớn là Hải Phòng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Nghệ An.

Nhiều địa phương đã quyết liệt triển khai, có 10 địa phương trình đề án lên Bộ Nội vụ tổ chức thẩm định và trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết để thực hiện sắp xếp. Điển hình là tỉnh Nam Định thực hiện rất quyết tâm và sắp xếp rất ổn định, có nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi để giải quyết vấn đề cán bộ, công chức, viên chức, tài sản dôi dư. Dự kiến Nam Định giảm số lượng cấp xã khoảng 50 đơn vị.

Ngược lại, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, một số địa phương có dấu hiệu chần chừ, chậm chạp, chưa thực sự quyết tâm, quyết liệt trong vấn đề này. Biểu hiện cụ thể là chưa ban hành các chỉ thị, văn bản chỉ đạo căn cơ, khoa học, chặt chẽ về mặt chính trị, thể hiện quyết tâm cao của địa phương.

“Trình tự thủ tục cũng rất chậm. Nếu tính thời gian chỉ còn mấy tháng nhưng nhiều địa phương rất chậm, nếu không nhanh sẽ không kịp thời gian 30/9 phải xong. Đến thời điểm này mới có 10 địa phương đưa hồ sơ lên. Như vậy sẽ rất khó khăn cho Chính phủ trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, Bộ trưởng cho hay.

Bên cạnh đó, một số địa phương chỉ dựa trên cơ sở là các cơ chế, chính sách của Trung ương, chứ không có nghị quyết riêng căn cứ vào thực tiễn của địa phương để giải quyết số cán bộ, công chức, viên chức dôi dư và phương án sắp xếp các tài sản, tài chính dôi dư.

Thông tin thêm, Bộ trưởng cho biết, đến thời điểm này, xử lý về tài sản dôi dư còn tồn đọng khoảng 50% của giai đoạn trước. Đây là con số rất lớn. Còn việc giải quyết số cán bộ, công chức dôi dư của giai đoạn trước được thực hiện tốt, cơ bản giải quyết triệt để, chỉ còn lại khoảng 8% trên.

Với giai đoạn 2023 – 2025, số lượng tài sản, tài chính, trụ sở dôi dư khoảng 2.700, là số lượng rất lớn so với giai đoạn 2019 - 2021. Số cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách cấp xã dôi dư ở giai đoạn này dự kiến 21.700 người, cũng là số lượng phải sắp xếp rất lớn, nếu không có các giải pháp căn cơ sẽ khó khăn để thực hiện.

Vì vậy, Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 của Trung ương và Ban Chỉ đạo địa phương đang cố gắng phối hợp chặt chẽ, chủ động phương án ngay từ khi xây dựng đề án để giải quyết vấn đề này.

“Nếu để thực hiện xong mới quay ra sắp xếp, xử lý các vấn đề phát sinh không đồng bộ sẽ rất khó, không thực hiện được”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bà cũng nêu một số vướng mắc hiện nay, trong đó có vướng mắc về quy hoạch, đặc biệt quy hoạch đô thị, bởi nhiều địa phương gắn việc sắp xếp với thành lập đơn vị hành chính đô thị. Điều này vướng với các quy định về quy hoạch đô thị. Vấn đề này đang đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháo gỡ, nếu không sẽ rất khó thực hiện.

Bên cạnh đó là vấn đề đánh giá, phân loại đơn vị hành chính đô thị sau sắp xếp. Nhiều đơn vị nông thôn sắp xếp với đô thị và nhiều đơn vị đô thị của thị xã sắp xếp với đơn vị thành phố. Đây cũng là việc cần sớm xử lý, tháo gỡ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh mong muốn các địa phương tập trung cố gắng hoàn thành trước ngày 30/9 để đảm bảo tinh thần nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nghị quyết của Chính phủ./.

Chu Thanh Vân


Tác giả: Chu Thị Thanh Vân
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: carvillvn.info@gmail.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo