16 nhóm thông tin thuộc Cơ sở dữ liệu phòng, chống bạo lực gia đình
16 nhóm thông tin thuộc Cơ sở dữ liệu phòng, chống bạo lực gia đình
Phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội, nhằm xây dựng một môi trường sống văn minh, an toàn và hạnh phúc. Việc phòng, chống bạo lực gia đình cần kết hợp đồng bộ các biện pháp, trong đó lấy phòng ngừa là chính, đồng thời chú trọng tuyên truyền, giáo dục, tư vấn, hòa giải và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Theo Nghị định số 110/2025/NĐ-CP của Chính phủ Quy định Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình, có 16 nhóm thông tin được “thu thập, quản lý và kết nối, nhằm tạo nền tảng số hóa cho công tác dự báo, xử lý và phòng ngừa bạo lực trong gia đình”, bao gồm:
Chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch liên quan đến công tác phòng, chống bạo lực gia đình;
Thông tin về các bên liên quan: nạn nhân, người có hành vi bạo lực, người làm công tác tư vấn, cán bộ tham gia xử lý vụ việc;
Thông tin về vụ việc bạo lực gia đình: thời gian, địa điểm, hình thức bạo lực, mức độ tổn hại, tình trạng tái diễn...;
Biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân: lệnh cấm tiếp xúc, lệnh bảo vệ khẩn cấp, các biện pháp can thiệp khẩn cấp;
Thông tin về hoạt động khám, chữa bệnh và giám định liên quan đến vụ việc bạo lực gia đình;
Thông tin về tư vấn, hòa giải, giáo dục chuyển đổi hành vi đối với người có hành vi bạo lực gia đình;
Xử lý hành chính và xử lý hình sự: các quyết định xử phạt, truy tố, xét xử đối với người vi phạm;
Thi hành án, thông tin về quá trình và kết quả thi hành án đối với các vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình;
Chính sách bảo hiểm, trợ cấp xã hội, hỗ trợ pháp lý cho nạn nhân bạo lực gia đình;
Khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị liên quan đến các vụ việc bạo lực gia đình và quá trình giải quyết;
Thông tin về đăng ký hộ tịch, cư trú và các thông tin cá nhân có liên quan phục vụ công tác quản lý;
Thông tin đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, người làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình;
Kết quả nghiên cứu khoa học, mô hình, sáng kiến, giải pháp trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình;
Hoạt động truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình;
Thông tin thống kê, báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình, kết quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình;
Thông tin về cơ sở trợ giúp xã hội, tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, bao gồm: địa điểm, phạm vi, loại hình dịch vụ...
Cơ sở dữ liệu quốc gia về Phòng, chống bạo lực gia đình giúp liên thông thông tin giữa các ngành, các cấp, hỗ trợ hiệu quả cho quá trình xây dựng chính sách, giám sát, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình cũng như xử lý người vi phạm. Việc khai thác, sử dụng và chia sẻ thông tin được thực hiện theo nguyên tắc bảo mật cao, tuân thủ nghiêm ngặt Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật An ninh mạng và các quy định liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm quản lý, xây dựng phần mềm hệ thống cơ sở dữ liệu, tổ chức đào tạo, kiểm tra và kết nối thông tin giữa Trung ương và địa phương. Các Bộ, ngành liên quan như Công an, Y tế, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam… có trách nhiệm cung cấp, cập nhật, kết nối dữ liệu từ lĩnh vực mình phụ trách. UBND các cấp tổ chức triển khai thu thập, cập nhật thông tin tại địa phương; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý dữ liệu; huy động lực lượng cơ sở tham gia tuyên truyền, phát hiện và hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực.