A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

EMAGAZINE: Đổi mới tư duy hướng tới cải cách thuế bền vững

Chuyển đổi số trong ngành Thuế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách trong lộ trình cải cách hệ thống tài chính quốc gia.

EMAGAZINE: Đổi mới tư duy hướng tới cải cách thuế bền vững - Ảnh 1

 

Chuyển đổi số trong ngành Thuế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách trong lộ trình cải cách hệ thống tài chính quốc gia. Tuy nhiên, phía sau những con số ấn tượng như 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử hay hàng triệu giao dịch thuế được xử lý qua nền tảng số mỗi ngày, là một hành trình đầy gian nan, vất vả từ Trung ương đến cơ sở. Đó không chỉ là câu chuyện của máy móc, phần mềm hay hạ tầng công nghệ, mà là cuộc “cách mạng nhận thức” chưa từng có trong ngành Thuế Việt Nam.

EMAGAZINE: Đổi mới tư duy hướng tới cải cách thuế bền vững - Ảnh 2

 

EMAGAZINE: Đổi mới tư duy hướng tới cải cách thuế bền vững - Ảnh 3

 

Hóa đơn điện tử có mã xác thực bắt đầu được ngành Thuế đưa vào thí điểm từ năm 2015, theo Quyết định số 1209/QĐ-BTC ngày 23/6/2015 của Bộ Tài chính. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai địa phương đầu tiên được lựa chọn, với sự tham gia của khoảng 200 doanh nghiệp. Ở giai đoạn khởi đầu này, mục tiêu chủ yếu là kiểm chứng khả năng vận hành kỹ thuật, hoàn thiện quy trình xác thực hóa đơn từ xa, cũng như xử lý các tình huống nghiệp vụ phát sinh trong thực tế.

Sau hơn một năm thử nghiệm, đến cuối năm 2016, kết quả ghi nhận đã phần nào củng cố niềm tin vào hướng đi mới. Hơn 2,3 triệu hóa đơn điện tử có mã xác thực đã được phát hành, góp phần ngăn chặn tình trạng sử dụng hóa đơn giả, hạn chế các hành vi kê khai gian lận doanh thu. Tuy nhiên, vì đây vẫn là một hình thức còn khá mới, lại đòi hỏi nền tảng công nghệ đồng bộ, Bộ Tài chính quyết định tiếp tục mở rộng thí điểm trong năm 2017, theo Quyết định số 2660/QĐ-BTC, để vừa mở rộng quy mô áp dụng, vừa chuẩn bị đầy đủ cho khuôn khổ pháp lý chính thức.

Bước chuyển quan trọng tiếp theo diễn ra từ quý III/2017, khi ngành Thuế chính thức mở rộng triển khai hóa đơn điện tử ra toàn quốc. Cục Thuế các tỉnh, thành phố được giao nhiệm vụ chủ động hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký, tiếp cận và sử dụng hệ thống hóa đơn có mã xác thực. Dù chưa bắt buộc ở giai đoạn này, việc sử dụng hóa đơn điện tử đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp lớn, đặc biệt trong những ngành nghề có nguy cơ cao về thất thu thuế.

Để đảm bảo tính bền vững và minh bạch cho hệ thống mới, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 119/2018/NĐ-CP, quy định rõ ràng về quản lý và sử dụng hóa đơn điện tử trong giao dịch. Thêm vào đó, Thông tư số 68/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính đã cụ thể hóa các nội dung triển khai, đồng thời giải đáp về kỹ thuật, thủ tục cho các đối tượng áp dụng. Với hai văn bản quan trọng này, nền móng pháp lý cho hóa đơn điện tử đã dần hình thành vững chắc, tạo cơ sở để tiến tới áp dụng bắt buộc trong tương lai gần.

Ngày 1/7/2022 đánh dấu một cột mốc quan trọng khi hóa đơn điện tử chính thức được áp dụng bắt buộc trên toàn quốc. Căn cứ theo Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và các văn bản hướng dẫn như Thông tư số 78/2021/TT-BTC, hệ thống hóa đơn điện tử được triển khai đồng bộ tại cả 63 tỉnh, thành phố. Đây là hệ thống không chỉ cho phép người nộp thuế phát hành hóa đơn trong thời gian thực, mà còn kết nối trực tiếp với cơ quan Thuế, giúp quản lý doanh thu, nghĩa vụ thuế một cách minh bạch, chính xác và liên tục.

EMAGAZINE: Đổi mới tư duy hướng tới cải cách thuế bền vững - Ảnh 4

 

EMAGAZINE: Đổi mới tư duy hướng tới cải cách thuế bền vững - Ảnh 5

 

Tính đến thời điểm hiện tại, 100% doanh nghiệp và tổ chức kinh tế đã chuyển đổi sang hóa đơn điện tử, xóa bỏ hoàn toàn hóa đơn giấy trong khu cực doanh nghiệp. Thành quả ấy không chỉ thể hiện quyết tâm cải cách của ngành Thuế mà còn phản ánh sự thay đổi về nhận thức và năng lực thích ứng của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp từng nghi ngại việc áp dụng hóa đơn điện tử vào năm 2017 thì nay đã hoàn toàn chủ động và thừa nhận tính tiện lợi, tiết kiệm và an toàn của hình thức này.

Không dừng lại ở khu vực doanh nghiệp, ngành Thuế còn từng bước mở rộng hóa đơn điện tử đến hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh – đặc biệt là nhóm có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên. Việc áp dụng hóa đơn điện tử trong khu vực này sẽ là tiền đề quan trọng để ngành Thuế từng bước tiến tới xóa bỏ cơ chế thuế khoán, hướng tới quản lý thuế dựa trên doanh thu thực tế, minh bạch hơn, công bằng hơn.

Có thể thấy, việc áp dụng hóa đơn điện tử không chỉ đơn giản là thay thế hóa đơn giấy bằng công nghệ số. Trên thực tế, đây là bước chuyển căn bản giúp ngành Thuế xây dựng một hệ thống dữ liệu tập trung, đồng bộ và toàn diện về hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế. Nhờ hệ thống này, cơ quan Thuế có thể tự động đối chiếu dữ liệu doanh thu, xác định nghĩa vụ thuế một cách chính xác và kịp thời. Đồng thời, việc hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp giữa công chức thuế và người nộp thuế, giúp giảm thiểu nguy cơ phát sinh tiêu cực, tạo môi trường hành chính thuế trong sạch, chuyên nghiệp hơn.

Về phía doanh nghiệp, hóa đơn điện tử không chỉ giúp tiết kiệm chi phí in ấn, lưu trữ, mà còn hỗ trợ hiệu quả công tác quản trị nội bộ. Dữ liệu điện tử giúp dễ dàng truy xuất, tổng hợp, phục vụ nhanh chóng cho các yêu cầu về báo cáo tài chính, kiểm toán, hay thanh tra thuế khi cần.

EMAGAZINE: Đổi mới tư duy hướng tới cải cách thuế bền vững - Ảnh 6

 

Quan trọng hơn, hóa đơn điện tử đang dần trở thành trung tâm kết nối trong toàn bộ tiến trình chuyển đổi số ngành Tài chính nói chung và cơ quan Thuế nói riêng. Với khả năng tích hợp dữ liệu liên thông với Ngân hàng, Hải quan, Bảo hiểm xã hội và các nền tảng thương mại điện tử, hệ thống này đang mở ra tiềm năng lớn cho công tác điều hành vĩ mô, phân tích chính sách và giám sát tài khóa ở tầm quốc gia.

Hơn 1 thập kỷ qua, hành trình hóa đơn điện tử, từ những bước thử nghiệm thận trọng đến phổ cập toàn diện và bắt buộc, là minh chứng cho sự tiến bộ mạnh mẽ của ngành Thuế Việt Nam. Đây không chỉ là một công cụ quản lý hiệu quả, mà còn là biểu tượng của tinh thần cải cách thể chế, của quyết tâm hiện đại hóa nền tài chính công.

Chuyển đổi số ngành Thuế, mà hóa đơn điện tử là một điểm sáng, đang góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và thuận lợi – nơi mà cả cơ quan quản lý và người dân đều trở thành đối tác cùng hướng tới sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.

EMAGAZINE: Đổi mới tư duy hướng tới cải cách thuế bền vững - Ảnh 7

 

EMAGAZINE: Đổi mới tư duy hướng tới cải cách thuế bền vững - Ảnh 8

 

Thuế khoán được thiết kế trong bối cảnh nền kinh tế chưa phát triển mạnh mẽ, công nghệ giám sát doanh thu chưa phổ biến và năng lực quản lý thuế còn hạn chế.

Cách làm này từng giúp nhà nước duy trì một mức thu ngân sách cơ bản từ khối kinh tế cá thể mà không cần nhiều chi phí quản lý. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, phương thức này bộc lộ nhiều bất cập – đặc biệt là sự thiếu công bằng, dễ tạo kẽ hở cho tiêu cực và thất thoát ngân sách.

Nhận thức rõ điều này, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định số 70/2025/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/6/2025, yêu cầu hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm phải chấm dứt hình thức khoán thuế, chuyển sang kê khai doanh thu thực tế và sử dụng hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan Thuế. Theo ước tính, khoảng 37.000 hộ kinh doanh trên cả nước thuộc diện này.

Tiếp đó, Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị đã quyết định: “Chấm dứt hoàn toàn hình thức thuế khoán chậm nhất trong năm 2026”, đồng thời khuyến khích hộ kinh doanh đủ điều kiện chuyển đổi thành doanh nghiệp để được hưởng chính sách hỗ trợ, tiếp cận tín dụng, và mở rộng quy mô phát triển.

EMAGAZINE: Đổi mới tư duy hướng tới cải cách thuế bền vững - Ảnh 9

 

Có thể thấy đây là hai mốc quan trọng, thể hiện sự đồng thuận chính trị cao trong việc xóa bỏ hình thức thuế khoán và chuyển sang mô hình quản lý thuế hiện đại, dựa trên kê khai thực tế và hóa đơn điện tử. Điểm mới trong chính sách không chỉ là yêu cầu kê khai, mà là kết nối trực tiếp dữ liệu kinh doanh với cơ quan Thuế thông qua hệ thống công nghệ. Mỗi giao dịch được ghi nhận, mỗi hóa đơn được xuất ra là một dữ liệu đầu vào để xác lập nghĩa vụ thuế công bằng và chính xác.

Nhiều chuyên gia nhận định, việc chuyển từ phương thức khoán sang kê khai theo doanh thu thực tế, kết hợp với triển khai hóa đơn điện tử, không chỉ góp phần tăng thu ngân sách nhà nước mà còn thể hiện bước đi quyết liệt trong việc tái lập kỷ cương pháp luật thuế. Đây là nền tảng quan trọng để xây dựng một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và hiện đại – nơi mọi chủ thể đều phải thực hiện nghĩa vụ thuế trên cơ sở số liệu thực, có thể kiểm chứng.

Đặc biệt, với hệ thống hóa đơn điện tử đã được triển khai đồng bộ và vận hành ổn định trên toàn quốc, việc mở rộng đối tượng áp dụng chế độ kê khai không còn là trở ngại lớn về mặt kỹ thuật.

Tính đến nay, nay hệ thống hóa đơn điện tử của cơ quan thuế đã ghi nhận số lượng phát hành là trên 14,6 tỷ hóa đơn. Cùng với đó, đã có 219.711 doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan Thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công, với tổng số lượng hóa đơn phát hành đạt hơn 2,38 tỷ hóa đơn.

Những con số trên cho thấy nền tảng kỹ thuật đã sẵn sàng, thói quen sử dụng của người nộp thuế đang hình thành rõ nét, tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan thuế tiếp tục đẩy mạnh cải cách quản lý, từng bước xóa bỏ tình trạng thất thu từ khu vực hộ, cá nhân kinh doanh.

EMAGAZINE: Đổi mới tư duy hướng tới cải cách thuế bền vững - Ảnh 10

 

EMAGAZINE: Đổi mới tư duy hướng tới cải cách thuế bền vững - Ảnh 11

 

Việc thay đổi phương thức quản lý từ khoán sang kê khai theo doanh thu thực tế là tất yếu, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, nhất là với các hộ kinh doanh nhỏ.

Thực tế cho thấy, nhiều hộ vẫn còn tâm lý e ngại, thiếu kỹ năng sử dụng máy tính tiền, phần mềm hóa đơn điện tử, hoặc lo ngại về chi phí triển khai (từ 1,5 đến 10 triệu đồng/năm cho thiết bị và dịch vụ phần mềm kế toán). Ngoài ra, thói quen cũ về khai thuế, tính toán lãi lỗ thủ công khiến quá trình chuyển đổi gặp không ít lúng túng, nhất là với các chủ hộ lớn tuổi, không quen công nghệ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cả nền kinh tế đang vận hành trên nền tảng minh bạch, số hóa và dữ liệu lớn, thì lối tư duy “khai thấp – đóng ít” không thể tồn tại lâu dài. Việc duy trì những cách làm cũ chỉ khiến hộ kinh doanh tự đẩy mình ra khỏi chuỗi phát triển chính thức, mất cơ hội tiếp cận vốn, không thể ký hợp đồng lớn hoặc tham gia các kênh phân phối hiện đại.

Cùng với đó, nếu người kinh doanh hiểu rằng việc kê khai trung thực, đóng thuế đúng nghĩa vụ chính là cách để khẳng định sự chính danh, được pháp luật bảo vệ, được tiếp cận tín dụng, mở rộng quy mô và phát triển bền vững, thì cải cách thuế mới đi vào thực chất.

EMAGAZINE: Đổi mới tư duy hướng tới cải cách thuế bền vững - Ảnh 12

 

Việc loại bỏ thuế khoán và phổ cập hóa đơn điện tử chính là những mảnh ghép quan trọng trong bức tranh chuyển đổi số ngành Thuế. Không còn là câu chuyện công nghệ thuần túy, đây là sự dịch chuyển căn cơ về cách thức quản lý nhà nước: Từ “niềm tin cảm tính” sang “niềm tin dựa trên dữ liệu số”. Mỗi hóa đơn điện tử là một đơn vị minh chứng cho tính hợp pháp, trung thực trong hoạt động kinh doanh – và đồng thời là “hạt nhân” của hệ thống thông tin tài chính quốc gia hiện đại.

Tuy nhiên, thành công của cải cách không nằm ở tốc độ triển khai phần mềm, mà ở sự chuyển biến thực chất trong tư duy tuân thủ thuế của xã hội. Nếu người nộp thuế vẫn tìm cách lách luật, nếu cán bộ vẫn dung túng tiêu cực, thì hệ thống dù có hiện đại đến đâu cũng khó phát huy hiệu quả.

Trong bối cảnh hiện nay, bỏ thuế khoán không chỉ là chuyện thay đổi hình thức thu – mà là bước đi căn bản để thiết lập một trật tự thuế mới – công bằng, minh bạch và có trách nhiệm. Chính phủ, ngành Thuế đã đi đầu trong hành trình chuyển đổi số. Điều cần thiết lúc này là người dân, hộ kinh doanh và doanh nghiệp cùng bước theo, để không bị bỏ lại phía sau trong một nền kinh tế vận hành bằng dữ liệu.

Đây là cuộc cải cách thể chế có quy mô lớn, đụng đến thói quen hàng chục năm của hàng trăm nghìn hộ kinh doanh, nhưng là lộ trình không thể trì hoãn nếu Việt Nam muốn xây dựng một nhà nước kiến tạo, một xã hội văn minh và một nền kinh tế hiện đại.

EMAGAZINE: Đổi mới tư duy hướng tới cải cách thuế bền vững - Ảnh 13

 

EMAGAZINE: Đổi mới tư duy hướng tới cải cách thuế bền vững - Ảnh 14

 

Trong suốt thời gian qua, chuyển đổi số trong ngành Thuế được triển khai sâu rộng trên nhiều trụ cột quan trọng: Từ khai, nộp, hoàn thuế điện tử, đến hóa đơn điện tử, cổng thông tin cho nhà cung cấp nước ngoài, thương mại điện tử và hệ thống tích hợp dữ liệu dân cư quốc gia. Đến nay, ngành Thuế đã ghi nhận nhiều kết quả nổi bật.

Những thành tựu này đã góp phần định hình một hệ thống thuế hiện đại, công khai, thuận tiện và tiệm cận với mô hình quản lý thuế tiên tiến trên thế giới.

EMAGAZINE: Đổi mới tư duy hướng tới cải cách thuế bền vững - Ảnh 15

 

EMAGAZINE: Đổi mới tư duy hướng tới cải cách thuế bền vững - Ảnh 16

 

Tuy nhiên, phía sau những con số ấn tượng ấy không phải là con đường trải đầy hoa hồng. Đó là hành trình đầy gian nan mà mỗi công chức thuế đều phải trải qua – một hành trình vượt qua cả rào cản hạ tầng, kỹ thuật lẫn tâm lý, văn hóa và thói quen quản lý cũ.

Một trong những thách thức đầu tiên và lớn nhất mà ngành Thuế phải đối mặt khi bước vào chuyển đổi số là hạ tầng công nghệ. Việc triển khai hệ thống hóa đơn điện tử, phần mềm quản lý thuế hay kết nối dữ liệu ở các đô thị lớn đã là một thách thức, thì với các chi cục thuế ở vùng sâu, vùng xa – nơi hạ tầng viễn thông còn hạn chế, thiết bị lạc hậu, cán bộ kiêm nhiệm nhiều vai trò – khó khăn lại nhân lên gấp bội.

Còn nhớ trước đây, ở những vùng sâu, vùng xa, có công chức thuế vẫn phải sử dụng máy tính cũ, mạng internet chập chờn, không có kỹ sư công nghệ hỗ trợ tại chỗ. Các phần mềm mới khi vận hành thường gặp lỗi, không tương thích với hệ thống máy tính của doanh nghiệp, gây tắc nghẽn, sai sót dữ liệu, ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý hồ sơ thuế. Trong giai đoạn đầu triển khai, hàng nghìn lỗi kỹ thuật phát sinh buộc cán bộ thuế vừa phải là người vận hành, vừa là người hỗ trợ kỹ thuật, vừa là người “gỡ rối” tâm lý cho người nộp thuế.

Song, khó khăn lớn hơn lại nằm ở chính con người. Nếu hạ tầng kỹ thuật là rào cản dễ thấy, thì rào cản về tư duy, thói quen cũ và tâm lý e ngại lại là những thử thách ngấm ngầm nhưng bền bỉ. Trong nhiều năm, ngành Thuế vận hành dựa trên mô hình quản lý trực tiếp, thủ công, với cơ sở dữ liệu phân tán, việc xử lý thủ tục thuế gắn với hồ sơ giấy, gặp gỡ trực tiếp giữa công chức và người nộp thuế. Điều đó dễ làm nảy sinh cơ chế xin – cho hay thỏa thuận không chính thức.

Khi chuyển sang hình thức số hóa, công khai và minh bạch, không ít người kinh doanh nhỏ lẻ cảm thấy “lạ lẫm”, bối rối với các khái niệm như chữ ký số, mã số thuế, phần mềm kê khai, hóa đơn điện tử. Có người phản ứng vì cho rằng: “Doanh thu chỉ vài triệu, sao cũng bắt phải kê khai?”, “Cài máy tính tiền làm gì cho phức tạp?”...

Vượt qua được tâm lý “ngại thay đổi” đó là cả một quá trình thuyết phục, đồng hành, hỗ trợ từ phía cán bộ thuế – những người không chỉ làm công việc chuyên môn mà còn phải trở thành người truyền thông, thậm chí người tư vấn công nghệ cho hàng chục nghìn hộ kinh doanh.

EMAGAZINE: Đổi mới tư duy hướng tới cải cách thuế bền vững - Ảnh 17

 

EMAGAZINE: Đổi mới tư duy hướng tới cải cách thuế bền vững - Ảnh 18

 

Thay đổi không bao giờ là dễ dàng, đặc biệt khi phải đụng đến lợi ích và thói quen của cả hệ thống. Trong quá trình chuyển đổi số, ngành Thuế đã phải đối mặt với sự “kháng cự thầm lặng” từ chính những mô hình cũ vốn đã vận hành quen thuộc hàng chục năm. Như câu chuyện về cơ chế thuế khoán, dù nhiều bất cập, vẫn là lựa chọn “an toàn” cho cả cơ quan quản lý và người kinh doanh. Chuyển sang mô hình quản lý bằng dữ liệu, hóa đơn điện tử, kê khai theo doanh thu thực tế đồng nghĩa với việc phải đối mặt với minh bạch, với giám sát, với trách nhiệm pháp lý rõ ràng hơn.

Chính vì vậy, việc ban hành các chính sách như Nghị định 70/2025/NĐ-CP hay Nghị quyết 68-NQ/TW về chấm dứt thuế khoán không chỉ là bước ngoặt pháp lý, mà là sự dũng cảm về chính trị và thể chế. Ngành Thuế buộc phải đi đầu, phải kiên quyết và không thoái lui trước những áp lực ngầm, những phản ứng từ một bộ phận lợi ích quen “mập mờ”.

Hành trình chuyển đổi số của ngành Thuế chắc chắn chưa kết thúc – và sẽ còn nhiều chông gai phía trước. Nhưng có một điều không thể phủ nhận: Đây là con đường duy nhất nếu Việt Nam muốn xây dựng một nền tài chính công khai, hiện đại và hội nhập. Những nỗ lực thầm lặng của hàng vạn công chức thuế ở mọi miền đất nước, từ hỗ trợ doanh nghiệp khai hóa đơn điện tử, hướng dẫn hộ kinh doanh cài đặt máy tính tiền, đến việc xử lý hàng triệu dòng dữ liệu mỗi ngày… là minh chứng cho một quyết tâm cải cách sâu rộng, không phô trương nhưng vô cùng kiên cường.

Mỗi bước tiến trong hành trình chuyển đổi số đang giúp ngành Thuế từng bước loại bỏ hình ảnh của một mô hình quản lý hành chính lạc hậu, hướng tới xây dựng một hệ thống thuế công bằng, minh bạch. Ở đó, công nghệ không chỉ đóng vai trò là công cụ hỗ trợ, mà trở thành nền tảng cốt lõi cho phát triển bền vững; còn mỗi công chức thuế không đơn thuần là người thực thi công vụ, mà là những chiến binh tiên phong trên mặt trận hiện đại hóa quốc gia.

Chuyển đổi số trong ngành Thuế, suy cho cùng, không chỉ là việc triển khai phần mềm hay nâng cấp hệ thống. Đó là cuộc cách mạng nhận thức – nơi mỗi công chức thuế phải thay đổi tư duy, học hỏi kỹ năng mới, và chấp nhận rũ bỏ thói quen cũ để đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp trong một môi trường hoàn toàn mới. Ngành Thuế đang dần thoát khỏi hình ảnh cồng kềnh, thủ công để kiến tạo một hệ thống thuế thông minh – nơi công nghệ là nền tảng, dữ liệu là tài sản, và niềm tin xã hội là đích đến cuối cùng.

EMAGAZINE: Đổi mới tư duy hướng tới cải cách thuế bền vững - Ảnh 19

 

14:57 10/07/2025


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Giảng Võ, Hà Nội

Email: media-booking@carvill-vietnam.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo