Chi 15 triệu USD để hồi sinh ‘quái điểu’ cao 3,6m thời tiền sử
Loài moa cao 3,6 mét và nặng 230 kg sắp được hồi sinh nhờ kỹ thuật chỉnh sửa gen tiên tiến, kết hợp di sản DNA cổ và công nghệ hiện đại.
Công ty đang cố gắng đưa voi ma mút lông trở lại đã nhắm đến một loài động vật mới đã tuyệt chủng, loài moa. Đây là loài chim cao 3,6 mét, nặng 230 kg từng lang thang ở New Zealand. |
Mục tiêu mới: đưa loài chim moa trở lại từ tuyệt chủng
Công ty Colossal Biosciences – nổi tiếng với tham vọng hồi sinh voi ma mút – hiện đã chuyển mục tiêu sang một loài tuyệt chủng khác: moa, nhóm chim khổng lồ từng sinh sống ở New Zealand.
Những sinh vật kỳ lạ này gồm 9 loài, trong đó loài moa khổng lồ đảo Nam (South Island Giant Moa) là lớn nhất, với chiều cao 3,6 mét và cân nặng 230 kg.
Colossal Biosciences sẽ sử dụng ADN trích xuất từ xương moa để chỉnh sửa gen của các loài chim hiện đại, cho đến khi chúng có hình thái rất giống moa đã tuyệt chủng.
Đây là kỹ thuật từng được sử dụng để biến sói xám thành những sinh vật gần giống với sói dire tuyệt chủng vào năm ngoái.
Dự án được thực hiện hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Ngāi Tahu thuộc Đại học Canterbury và nhận tài trợ 15 triệu USD từ đạo diễn “Chúa tể những chiếc nhẫn” ông Peter Jackson.
Ông Jackson – người sở hữu một trong những bộ sưu tập xương moa tư nhân lớn nhất – chia sẻ, với việc hồi sinh sói dire gần đây, Colossal Biosciences đã biến khả năng đưa các loài tuyệt chủng trở lại thành hiện thực.
Còn rất nhiều nghiên cứu phải thực hiện – nhưng giờ ta có thể hy vọng vào một ngày nào đó, những loài như moa hoặc huia sẽ được cứu khỏi bóng tối của tuyệt chủng, ông cho biết.
Trong số 9 loài Moa, loài lớn nhất là Moa Khổng lồ Đảo Nam, sống ở New Zealand hàng triệu năm trước khi con người xuất hiện. Ảnh: người Maori chụp ảnh với mô hình tái hiện một con Moa Khổng lồ Đảo Nam năm 1903.
Từ bộ gen cổ đại đến trứng đẻ trong trứng đà điểu
9 loài moa từng xuất hiện rộng rãi khắp New Zealand cho đến khi những người định cư Polynesia đầu tiên đến vào khoảng năm 1300 sau Công nguyên. Trong vòng 200 năm, cư dân Maori đã săn bắt và phá rừng, đẩy toàn bộ các loài moa đến tuyệt chủng.
Sự biến mất của moa đã kéo theo nhiều thay đổi trong hệ sinh thái biệt lập của New Zealand. Chưa đầy một thế kỷ sau khi moa tuyệt chủng, loài đại bàng Haast – kẻ săn mồi chính của moa – cũng biến mất.
Nhờ những tiến bộ trong kỹ thuật chỉnh sửa bộ gen, Colossal Biosciences tin rằng họ có thể đưa moa trở lại môi trường tự nhiên. Bước đầu là tái tạo toàn bộ bộ gen của chín loài moa từ ADN cổ lưu trữ trong các mẫu xương được bảo quản.
Colossal Biosciences đã hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Ngāi Tahu thuộc Đại học Canterbury và nhận được khoản tài trợ 15 triệu USD từ đạo diễn phim Chúa tể những chiếc nhẫn Peter Jackson. Trong ảnh: Ông Peter Jackson (trái) và Giám đốc điều hành Colossal Biosciences, Ben Lamm (phải), đang cầm xương moa.
Công ty đã bắt đầu quá trình này bằng cách khảo sát các hang động có dấu tích moa trong khu vực bộ tộc Ngāi Tahu và hy vọng hoàn tất bộ gen đầy đủ vào năm 2026.
Các bộ gen này sẽ được so sánh với họ hàng gần nhất còn sống của moa – đà điểu châu Úc (emu) và tinamou – để xác định các gen tạo nên đặc điểm độc đáo của moa.
Một số gen được lựa chọn sẽ được cấy vào tế bào gốc sinh sản (Primordial Germ Cell Culture) lấy từ đà điểu châu Úc – loại tế bào phát triển thành trứng và tinh trùng.
Các tế bào này sẽ phát triển thành giao tử đực và cái, sau đó được sử dụng để tạo phôi và đưa vào trong trứng đà điểu châu Úc đóng vai trò làm mẹ thay thế.
Colossal Biosciences từng sử dụng kỹ thuật này để tạo ra chuột mang lông giống voi ma mút và sói xám mang đặc điểm hình thể của sói dire đã tuyệt chủng.
Các nhà khoa học đã dùng công cụ chỉnh sửa gen CRISPR để biến đổi ADN trong tế bào máu của sói xám ở 20 vị trí, tạo ra một con sói có lông trắng dài và hàm rắn chắc.
Tuy nhiên, việc tái tạo loài chim bằng kỹ thuật này đối mặt với nhiều thách thức kỹ thuật lớn hơn. Công ty thừa nhận rằng việc tạo ra Primordial Germ Cell Culture cho loài chim là một thách thức mà khoa học vẫn chưa vượt qua suốt nhiều thập kỷ.
Hơn nữa, vì phôi chim phát triển bên trong trứng, quy trình cấy phôi vào vật chủ thay thế sẽ hoàn toàn khác với loài có vú.
Quá trình này bắt đầu bằng việc trích xuất DNA từ xương moa cổ đại như những xương được tìm thấy trong hang động Ngai Tahu takiwā
Tranh cãi khoa học và ý nghĩa văn hóa
Một số nhà khoa học đã đặt câu hỏi về việc liệu việc phục hồi moa có nên thực hiện hay không. Các nhà bảo tồn cho rằng số tiền trên nên dùng để bảo vệ các loài đang bị đe dọa tuyệt chủng hiện nay.
Ngược lại, một số ý kiến lo ngại rằng việc đưa trở lại một loài đã biến mất hơn 600 năm có thể gây hậu quả không lường cho hệ sinh thái.
Giáo sư sinh thái học Stuart Pimm tại Đại học Duke, người không tham gia nghiên cứu, nói với hãng tin AP: “Liệu có thể đưa một loài trở lại hoang dã sau khi nó bị xóa sổ hoàn toàn ở đó không? Tôi cho rằng điều đó rất khó xảy ra theo cách có ý nghĩa.”
Ông Pimm còn nhấn mạnh: “Đây sẽ là một sinh vật cực kỳ nguy hiểm.”
Với tư cách là động vật ăn cỏ, thói quen gặm lá của moa từng định hình sự phân bố và tiến hóa của thực vật suốt hàng triệu năm. Công ty cho rằng việc đưa moa trở lại sẽ giúp hệ sinh thái New Zealand ổn định hơn.
Nhà khảo cổ học người Ngāi Tahu, ông Kyle Davis – người đang cộng tác với Colossal Biosciences – cho biết dự án còn mang ý nghĩa tổ tiên sâu sắc.
Trong thế kỷ XIV, moa là nguồn cung cấp thịt, xương và lông – dùng để làm đồ trang sức truyền thống. Trong thần thoại Maori, moa tượng trưng cho sức mạnh và sự bền bỉ.