TS Cấn Văn Lực: Kích đầu tư tư nhân và tiêu dùng để thúc đà phục hồi kinh tế
Theo TS Cấn Văn Lực, kích cầu đầu tư tư nhân và tiêu dùng là chìa khóa để mở ra thêm trợ lực tăng trưởng kinh tế trong năm 2024. Để làm được điều này, chính sách tài khóa cần đóng vai trò chủ lực.
Kinh tế quý 1 phục hồi tích cực nhưng đầu tư tư nhân và tiêu dùng có dấu hiệu ‘hụt hơi’
Tại Toạ đàm Kinh tế Việt Nam và thế giới "Nhận diện kinh tế quý 1/2024: Mở lối cho kinh tế cả năm” sáng 22/4, TS Cấn Văn Lực (chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV) nhận định kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng dần, thể hiện qua tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước trong năm 2023.
Theo đó, GDP quý 1/2024 tăng 5,66% là mức cao so với cùng kỳ những năm trước (một phần được so sánh với mức nền thấp cùng kỳ năm 2023). Mức tăng khá đồng đều ở cả ba khu vực nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, dù vẫn thấp hơn so với giai đoạn trước dịch 2011-2019.
Phân tích kỹ hơn những tín hiệu tích cực, ông Lực chỉ ra rằng trong năm nay, đầu tư công dự báo vẫn là trợ lực chính cho tăng trưởng kinh tế khi cả nước dự kiến đẩy mạnh giải ngân gần 700.000 tỷ (bao gồm cả phần kết chuyển), tức tăng 12% so với 2023. Trong khi đó, số liệu về vốn FDI cũng khá tích cực với vốn đăng ký mới và bổ sung đạt 6,17 tỷ USD (tăng 13,4%), vốn giải ngân đạt 4,63 tỷ USD (tăng 7,1%).
Về chính sách tài khóa, dự báo lạm phát của Việt Nam 2024 khoảng 3,4-3,8%, dù cao hơn mức 3,25% của năm 2023 nhưng vẫn dưới mục tiêu (4-4,5), là mức chấp nhận được. Cùng đó, nợ công, nợ nước ngoài, thâm hụt ngân sách, nghĩa vụ trả nợ so với thu NSNN trong ngưỡng Quốc hội cho phép nên chuyên gia từ BIDV nhận định rủi ro tài khóa chỉ ở mức trung bình và Việt Nam còn dư địa chính sách tài khóa cho những gói hỗ trợ mới.
Về chính sách tiền tệ, ông Lực cho rằng thị trường có thể yên tâm khi lãi suất dự báo duy trì ở mức thấp trong cả năm, có thể tăng nhưng chỉ là cục bộ vài ngân hàng chứ không phải toàn thị trường do thanh khoản hệ thống dồi dào và các tổ chức tín dụng cũng mong kích cầu tín dụng.
Một số trợ lực khác cũng được TS Lực nhắc đến như việc hoàn thiện thể chế được thúc đẩy (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi…). Dự kiến khi các luật, chính sách bắt đầu có hiệu lực vào đầu năm tới, thông thường thị trường sẽ đón trước các tín hiệu. Cùng đó là cơ hội từ các cơ chế đặc thù cho một số tỉnh thành, các động lực kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, hội nhập quốc tế…
Tuy vậy, bên cạnh những điểm sáng từ bức tranh kinh tế quý 1, TS Cấn Văn Lực cũng bóc tách một số thách thức thể hiện qua những con số vĩ mô.
Về đầu tư, đầu tư tư nhân quý 1 tăng 4,2%, dù cao hơn mức 1,3% cùng kỳ năm ngoái nhưng so với những năm trước nữa thì vẫn là rất thấp (thông thường, tốc độ tăng trưởng của đầu tư tư nhân ở mức 8-9%). Nếu so với mức tăng 4,9% của khu vực đầu tư nhà nước và gần 9% của khu vực FDI, con số tăng trưởng đầu tư tư nhân cũng còn khiêm tốn rõ rệt. Theo ông Lực, điều này cho thấy hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân chưa xuống tiền để mở rộng sản xuất - kinh doanh do còn băn khoăn lo lắng, lưỡng lự hoặc thận trọng hơn.
Về tiêu dùng, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ quý 1/2024 tăng 8,2%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (13,9%). Nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng 5,1%, thấp hơn mức 10,1% cùng kỳ năm 2023 cũng như giai đoạn trước dịch, chứng tỏ sức mua vẫn thấp.
TS Cấn Văn Lực
Về du lịch, số lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam trong quý 1 tăng 72% song doanh thu dịch vụ lưu trú - ăn uống, du lịch lữ hành chỉ tăng 24% so với cùng kỳ 2023, thể hiện xu hướng khách du lịch tiêu dùng tiết kiệm, chắt chiu, thông minh hơn.
Về thương mại, quý 1/2024 ghi nhận xuất khẩu tăng trở lại 17%, nhập khẩu tăng 13,9% (một phần là do so với mức nền thấp), kéo theo sản xuất phục hồi, đặc biệt trong ngành dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ... Xuất khẩu sang một số đối tác chính đang phục hồi như xuất khẩu quý 1/2024 sang Mỹ tăng khá tốt 26%, châu Âu 16%, Hàn Quốc 13%, ASEAN gần 10% (so với mức âm của cùng kỳ năm trước). Dù vậy theo ông Lực, thực tế là đơn hàng tuy quay trở lại nhưng lại có nhiều thay đổi khi đơn hàng ngắn hơn trước, chỉ cho vài quý, chủ hàng yêu cầu không tăng giá. Trong khi đó, doanh nghiệp khó khăn do chi phí đầu vào tăng như chi phí logistics tăng, chi phí nhân công, thuê công xưởng tăng, khiến biên lợi nhuận của nhiều ngành như điện máy, gỗ, da giày, dệt may..bị co hẹp.
Số liệu về doanh nghiệp cũng cho thấy lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tạm đóng cửa quý 1/2025 tăng 25%, doanh nghiệp hoàn tất giải thể tăng 10%. Đáng chú ý, trong quý, lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường lại ít hơn doanh nghiệp rút lui, đây là xu hướng ngược lại so với giai đoạn trước. Theo TS Lực, điều này phản ánh thực tế doanh nghiệp ở một số ngành nghề đã đến thời điểm hết sức, kiệt quệ cùng với khả năng thích ứng chưa tốt nên phải rời thị trường.
Ông Lực cũng nhắc đến một số rủi ro như thị trường trái phiếu và thị trường BĐS cần thời gian để lành mạnh hóa; tiến trình cơ cấu lại DNNN và các tổ chức tín dụng cũng còn nhiều thách thức; thể chế cho các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, kinh tế số còn đang chậm nhịp…
Chính sách tài khóa làm chủ lực để thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2024, nhóm chuyên gia BIDV đề xuất chính sách tài khóa làm chủ lực, “mở rộng, có trọng tâm” do dư địa tài khóa còn đáng kể.
Trong đó, chuyên gia đề xuất cân nhắc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2024, cùng với cho phép giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước bởi theo ông Lực, giảm lệ phí trước bạ ô tô có thể kích cầu rất tốt. “Dù thu ngân sách giảm nhưng ngược lại bán được ô tô thì lại thu về thuế giá trị gia tăng và các loại phí khác, mức tăng đó còn cao hơn mức giảm”, TS Lực cho hay. Ngoài ra, thúc đẩy và lành mạnh hóa tín dụng tiêu dùng cũng là giải pháp kích cầu.
Phối hợp với chính sách tài khóa, nhóm chuyên gia kiến nghị chính sách tiền tệ sẽ là nhóm “bổ trợ” thông qua việc điều hành chủ động, linh hoạt, cho phép cơ cấu lại nợ (cho phép gia hạn đến hết năm 2024). Đồng thời, nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng, ổn định vĩ mô, bình ổn tỷ giá…
Cùng đó cần tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, kịp thời ban hành và thực thi hiệu quả hơn các chính sách, giải pháp tháo gỡ các vướng mắc (nhất là về pháp lý, định giá đất, hoàn thuế giá trị gia tăng, tiếp cận vốn phát triển nhà ở xã hội...)
Ngoài ra cũng cần kết hợp thúc đẩy những động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, tăng trưởng xanh, liên kết vùng, cải cách thể chế kinh tế, năng suất lao động, tăng đóng góp TFP vào tăng trưởng.
“Nếu phát huy, khai thác tốt 7 động lực tăng trưởng mới này, GDP có thể tăng thêm từ 0,9 - 1,4 điểm phần trăm trước mắt trong bối cảnh toàn cầu đang suy giảm cũng như lâu dài”, TS. Cấn Văn Lực tính toán.
Doanh nghiệp khó nhưng đừng chỉ kêu ca
Về phía doanh nghiệp, TS Cấn Văn Lực kỳ vọng bên cạnh các hỗ trợ từ Nhà nước, doanh nghiệp phải đưa ra được những kiến nghị trúng, đúng, kiên trì và đặc biệt là cần đề xuất giải pháp cụ thể, không chỉ kêu ca.
Vị chuyên gia cho rằng để đương đầu với những thách thức, bản thân doanh nghiệp cũng cần chủ động quyết liệt tái cơ cấu, quan tâm đến vấn đề quản trị rủi ro (rủi ro an toàn thông tin, dữ liệu, an ninh mạng; rủi ro dòng tiền, lãi suất, tỷ giá, nợ đáo hạn...); chủ động tìm hiểu, tiếp cận các chương trình, gói hỗ trợ, nhất là các gói hỗ trợ tài khóa, thuế - phí...
Cùng đó, tiếp tục đa dạng hóa nguồn vốn, thị trường, đối tác, nguồn cung; quan tâm hơn đến năng lực thích ứng, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, gắn với bài toán đầu tư công nghệ, nhân sự số, dữ liệu và kiểm soát rủi ro...
WB trong dự báo tháng 4/2024 cho rằng tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay có thể ở mức 5,5% trong khi ADB dự báo khoảng 6%. Lạc quan hơn, nhóm nghiên cứu từ BIDV cho rằng Việt Nam có thể đạt tăng trưởng GDP 2024 khoảng 6-6,5%, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân dự phóng cho khu vực là 4-4,5%.