Trong cái rủi có cái may: Bất động sản gặp khó có thể giúp Trung Quốc cải thiện tiêu dùng
Một số nhà kinh tế cho rằng đà giảm của giá nhà có thể kích thích các hộ gia đình Trung Quốc tiết kiệm ít đi và chi tiêu nhiều hơn. Tuy nhiên, việc thiếu lòng tin vào triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế có thể ngăn cản người tiêu dùng chi tiêu.
Dấu hiệu tích cực
Đối với Kim Li, nữ giáo viên tại một thành phố ở miền nam Trung Quốc, quyết định trì hoãn việc mua nhà đã giúp cô dư dả tiền mặt để đi du lịch.
Cô gái 28 tuổi cho biết: “Tôi thấy chất lượng sống của bạn bè giảm đáng kể sau khi họ mua nhà. Giờ thế hệ chúng tôi sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho du lịch, ngắm nhìn thế giới và không để vấn đề nhà ở trói buộc cuộc sống”.
Trải nghiệm của cô Li rất khác so với suy nghĩ thông thường. Tờ Bloomberg cho biết theo kinh nghiệm tại các quốc gia phát triển, một khi giá nhà giảm, người tiêu dùng thường cảm thấy nghèo hơn và buộc phải tiết kiệm nhiều hơn - hiện tượng này gọi là “hiệu ứng của cải”.
Nội dung chính của hiệu ứng của cải là chi tiêu của người dân có thể tăng và giảm theo giá trị tài sản của họ dù thu nhập không đổi.
Song, nhiều nhà kinh tế, bao gồm nhóm chuyên gia của Goldman Sachs, lập luận rằng Trung Quốc không giống với những nước khác.
Lý do là hai thập kỷ giá nhà liên tục tăng đã khiến các hộ gia đình dành một lượng lớn đến mức bất thường trong thu nhập để tiết kiệm cho các khoản trả trước và nợ vay thế chấp, khiến chi tiêu tiêu dùng bị siết chặt. Các nhà kinh tế gọi cơ chế này là “hiệu ứng thay thế”.
Nếu hiệu ứng thay thế trội hơn hiệu ứng của cải, nó có thể mở đường cho tiêu dùng tăng tốc. Nhờ vậy, tỷ suất lợi nhuận trên các khoản đầu tư của Trung Quốc cho dịch vụ và sản xuất sẽ cải thiện, giúp giảm sự phụ thuộc của tăng trưởng kinh tế vào nhu cầu nước ngoài.
Năm ngoái đã có một số dấu hiệu về hiệu ứng thay thế xuất hiện trong thực tế: tỷ lệ tiết kiệm của các hộ gia đình giảm trong bối cảnh giá bất động sản đi xuống. Điều này có nghĩa là chi tiêu của người tiêu dùng tăng nhanh hơn thu nhập bất chấp thị trường nhà đất gặp khó khăn.
Bà Maggie Wei, nhà phân tích của Goldman Sachs, nói trong một cuộc phỏng vấn: “Gánh nặng chi phí nhà ở giảm có thể đẩy tỷ lệ tiết kiệm ở Trung Quốc đi xuống". Bà Wei đánh giá cơ chế này có thể giúp chi tiêu của người tiêu dùng sau khi điều chỉnh cho lạm phát tăng trưởng 6% trong năm nay.
Khát vọng trở thành gánh nặng
Trong thập niên 2010, nhiều người Trung Quốc quan niệm mua được nhà là mục tiêu quan trọng nhất trong cuộc đời. Số ít người mua nhà từ sớm trở nên giàu có, nhưng đa số phải cắt giảm chi tiêu bởi giá nhà tăng nhanh hơn thu nhập trung bình.
Năm 2020, giá nhà trung bình trên toàn Trung Quốc bằng khoảng 13 lần thu nhập hàng năm của một hộ gia đình. Tại Mỹ và Anh, giá nhà trung bình lần lượt bằng 6 và 8 lần thu nhập của hộ gia đình, tờ Bloomberg cho hay.
Bài nghiên cứu của một nhóm học giả Trung Quốc đăng trên tạp chí Nature năm ngoái phát hiện, đà tăng của giá nhà đã tạo ra một thế hệ người trẻ (chưa có nhà) cắt giảm chi tiêu và tăng cường tiết kiệm. Các tác giải viết: “Trong một số trường hợp, cha mẹ tiết kiệm cả đời để giúp con mua nhà”.
Sự xuống dốc của thị trường bất động sản đã làm giảm nhu cầu đầu tư nhà ở tại Trung Quốc, cho phép ngân hàng trung ương dẫn dắt lãi suất giảm từ 5,6% cuối năm 2021 xuống còn 4% vào cuối năm 2023.
Ông Gan Li, Giám đốc Giám đốc Trung tâm Khảo sát và Nghiên cứu Tài chính Hộ gia đình Trung Quốc, cũng nhận định là giá nhà giảm có thể giúp tiêu dùng tăng trưởng mạnh hơn. Nghiên cứu của ông trong thời kỳ đại dịch chỉ ra rằng giá nhà tăng 5% thì chi tiêu của người tiêu dùng giảm 1,8%.
Tuy nhiên, không phải nhà kinh tế nào cũng đồng tình rằng hiệu ứng thay thế áp đảo hiệu ứng của cải tại Trung Quốc. Ông Hanming Fang, nhà kinh tế tại Đại học Pennsylvania, khẳng định: “Sự suy yếu của thị trường nhà ở sẽ gây ra tác động ròng tiêu cực đến chi tiêu tiêu dùng”.
Cần củng cố lòng tin
Đối với những chuyên gia tin vào hiệu ứng thay thế, yếu tố đang thúc đẩy người Trung Quốc tiết kiệm thay vì chi tiêu là sự thiếu lòng tin. Nhà phân tích Wei của Goldman Sachs nhận định: “Lòng tin vẫn là yếu tố quan trọng nhất với tiêu dùng”.
Bà Wei cho rằng nếu chính phủ Trung Quốc có thêm biện pháp để hỗ trợ thu nhập của các hộ gia đình thì niềm tin của người tiêu dùng có thể cải thiện mà không làm giá nhà đất tăng trở lại.
Các nhà kinh tế của Bank of America cho biết muốn chi tiêu phục hồi mạnh mẽ, thị trường lao động Trung Quốc cần cải thiện, triển vọng thu nhập và niềm tin của người tiêu dùng cũng vậy. Do vậy, phủ Trung Quốc cần triển khai thêm các chính sách hỗ trợ để củng cố nền kinh tế.