Thủ tướng: Tiền gửi ngân hàng tăng sao doanh nghiệp lại kêu thiếu vốn, nút thắt ở đâu?
Thủ tướng đặt ra vấn đề về tình hình cung ứng tín dụng, vướng mắc trong thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay dù tiền gửi vào ngân hàng tăng.
Sáng 14/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh bài toán đặt ra cho Ngân hàng Nhà nước là việc điều hành chính sách tiền tệ, nhất là lãi suất, tỷ giá như thế nào để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng (khoảng 6-6,5%) và giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Người đứng đầu Chính phủ nêu một số câu hỏi cần suy nghĩ: Vì sao doanh nghiệp kêu thiếu vốn, khó tiếp cận vốn tín dụng , trong khi lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư vào hệ thống ngân hàng lại tăng, mặc dù lãi suất huy động liên tục giảm?
"Nút thắt ở đâu, nguyên nhân là gì, do quy định, do điều hành, do thận trọng hay do cục bộ?", Thủ tướng nêu câu hỏi.
Thủ tướng cũng đặt vấn đề tình hình cung ứng tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế, từng ngành, lĩnh vực đã tốt chưa? Đâu là điểm nghẽn, nguyên nhân, biện pháp tháo gỡ khắc phục, đảm bảo việc cung ứng vốn không ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm? Làm thế nào để cung ứng vốn tín dụng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho sản xuất kinh doanh?
Theo đó, cần có các giải pháp gì tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân? Đặc biệt là các giải pháp về lãi suất, thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, các biện pháp về bảo lãnh, các biện pháp về truyền thông, công nghệ...?
Đồng thời cần lưu ý, phân tích vì sao nợ xấu có xu hướng tăng, việc xử lý các ngân hàng yếu kém còn chậm, trong bối cảnh nền kinh tế có quy mô nhỏ, việc xử lý phải bảo đảm an toàn hệ thống.
Thủ tướng cũng yêu cầu làm rõ vai trò của các ngân hàng thương mại cần bảo đảm tăng trưởng như Ngân hàng Nhà nước đã giao. Làm thế nào tiếp tục giảm lãi suất cho vay, để hệ thống ngân hàng cùng chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp?
Đồng thời, thảo luận các giải pháp nâng cao vai trò của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và người dân, kích cầu đầu tư, tiêu dùng, tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân và doanh nghiệp?
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, các chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, đảm bảo thanh khoản dồi dào, sẵn sàng nguồn vốn cho nền kinh tế. Điều hành tỷ giá linh hoạt, góp phần hấp thụ các cú sốc, hạn chế biến động lớn trong ngắn hạn của tỷ giá.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến nay lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức 3,3%/năm, giảm 0,2% so với cuối năm 2023; lãi suất cho vay bình quân của các khoản vay mới ở mức 6,4%/năm, giảm 0,7% so với cuối năm 2023, nhưng lãi suất đối với các khoản dư nợ hiện còn cao.
Ngân hàng Nhà nước định hướng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Hiện cơ quan này đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các ngân hàng, tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024.
Các doanh nghiệp bất động sản kiến nghị gì?
Tại Hội nghị, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group, cho rằng, trong thời gian qua, chính sách hỗ trợ của Chính phủ rất là sát sao, cụ thể. Những chính sách này mang lại hiệu quả nhất định với doanh nghiệp.
Theo ông Trường, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) duy trì lãi suất thấp và giảm lãi suất cho vay đã giúp doanh nghiệp được vay với lãi suất thấp hơn so với năm ngoái.
Bên cạnh đó, NHNN đã tiến hành đấu thầu tín phiếu kỳ hạn 28 ngày, điều tiết ngắn hạn lượng tiền dư trong thị trường và hạ nhiệt tỷ giá giúp cho hoạt động kinh doanh của Sun Group cũng có những tác động rất là tích cực.
Không những vậy, các tổ công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đi các địa phương để tháo gỡ kịp thời rất nhiều các dự án cụ thể về bất động sản.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sun Group cũng bày tỏ mong muốn doanh nghiệp bất động sản có khả năng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng có chi phí thấp hơn. Cụ thể là hiện nay sự chênh lệch giữa các khoản vay của ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng thương mại nhà nước chênh khá là lớn (4-5%). Doanh nghiệp mong muốn có sự thu hẹp khoảng cách này và nếu được thì các chi phí vay vốn giảm hơn nữa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi.
Cũng tại Hội nghị, ông Quảng Văn Viết Cương, Phó giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex), cho biết khó khăn mà nhiều doanh nghiệp bất động sản vướng mắc là kế hoạch phát hành trái phiếu vì khi doanh nghiệp phát triển hạ tầng thì đòi hỏi nguồn vốn rất lớn.
Doanh nghiệp bị ảnh hưởng về vay tín dụng do việc phát hành trái phiếu, sử dụng vốn, trả nợ thường kéo dài nên kế hoạch trả nợ bị ảnh hưởng.
Trong giai đoạn hiện nay, để khu công nghiệp thu hút đầu tư trong điều kiện mới về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, khí thải carbon… cần có hệ sinh thái về năng lượng tái tạo để bổ trợ cho việc thu hút đầu tư cho địa phương.
Doanh nghiệp này mong muốn các ngân hàng có những chính sách mới, có những gói tín dụng mới triển khai để các doanh nghiệp nắm bắt, để có cơ sở xây dựng và tạo điều kiện kết nối nguồn vốn tín dụng tốt nhất.