PGS. TS Nguyễn Hữu Huân: Mức tăng GDP quý I vượt dự báo cho thấy tín hiệu phục hồi
Theo PGS. TS Nguyễn Hữu Huân, GDP quý I cho thấy tín hiệu tích cực cho sự hồi phục trở lại của nền kinh tế trong nước. Ông cũng đưa ra dự báo ở kịch bản tuyến tính GDP năm nay sẽ tăng 5,5 – 6%, tăng trưởng tín dụng 11 - 12%, tỷ giá tăng 3 – 3,5%
Phát biểu tại Hội thảo Chứng khoán Việt Nam 2024 với chủ đề “Đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới” do Chứng khoán Yuanta tổ chức ngày 6/4, PGS, TS Nguyễn Hữu Huân cho biết GDP quý I tăng 5,66%, là mức tăng cao nhất trong 4 năm trở lại đây.
“Mức tăng GDP 5,66% trong quý I vượt dự báo của rất nhiều chuyên gia, cho thấy tín hiệu tích cực cho sự hồi phục trở lại của nền kinh tế trong nước”, ông Huân nhận định.
Phân tích về các chỉ số vĩ mô trong quý I, chuyên gia cho biết CPI có xu hướng tăng nhẹ đầu năm do ảnh hưởng của Tết Nguyên đán, IIP và PMI có sự hồi phục tốt cho thấy triển vọng sản xuất tích cực trong năm 2024, bán lẻ và tiêu dùng cũng có sự hồi phục tốt.
Xuất nhập khẩu có sự tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ, xuất khẩu tăng 17%, nhập khẩu tăng 9,7% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu hàng điện tử và dệt may có dấu hiệu hồi phục trở lại. Nhập khẩu nguyên vật liệu có xu hướng tăng.
Vốn thực hiện FDI tăng 7,1% so với cùng kỳ quý I/2023. Tỷ giá có xu hướng tăng trong quý đầu năm do ảnh hưởng bởi đồng USD mạnh lên, nhu cầu nhập khẩu tăng và lượng kiều hối không còn về nhiều như tháng 12/2023 và tháng 1/2024.
“Tôi từng có một dự báo vào 2023, khi nền kinh tế hồi phục tốt thì tỷ giá sẽ tăng lên. Điều này vì Việt Nam là nền kinh tế gia công, khi số lượng đơn hàng nhiều trở lại, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu sẽ lớn, vô hình làm tỷ giá tăng", ông Huân nói.
Ngoài ra, tỷ giá còn chịu các yếu tố khác như giá vàng lên cao, vấn đề chênh lệch lãi suất thị trường liên ngân hàng giữa USD và VND, tuy nhiên tỷ giá cũng có mang tính mùa vụ, vị chuyên gia đánh giá.
Về lãi suất, ông Huân đánh giá bình quân liên ngân hàng các kỳ hạn ngắn có xu hướng tăng ở kỳ hạn dài và giảm ở kỳ hạn ngắn.
Bàn về động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 2024 và những năm tiếp theo, ông Huân cho rằng thúc đẩy chính vẫn sẽ là xuất khẩu. Cùng với đó, là các động lực từ giải ngân vốn đầu tư công trong ngắn hạn, động lực từ khu vực FDI, và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công nghệ.
Dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay, vị chuyên gia đưa ra kịch bản tuyến tính GDP tăng 5,5 – 6%, tăng trưởng tín dụng 11 - 12%, tỷ giá tăng 3 – 3,5%. Ở kịch bản lạc quan, tăng trưởng kinh tế đạt 6 – 6,5%, tăng trưởng tín dụng 15% và tỷ giá giá có thể cao hơn 4 – 5% ở một số thời điểm. Ngược lại, kịch bản xấu với xác suất thấp, tăng trưởng kinh tế đạt dưới 5%, tín dụng tăng dưới 10% và tỷ giá vọt 8 - 9%.
Hiện tại, chính sách tiền tệ nới lỏng đang là điều kiện tốt để phát triển kinh tế cũng như thúc đẩy thị trường chứng khoán. Chính sách này kỳ vọng duy trì trong ít nhất ba tháng tới. Nguyên do là chính sách tiền tệ của Mỹ (Fed) vẫn chưa xoay trục, vẫn đang chu kỳ thắt chặt, trong khi Việt Nam đang đi ngược so với thế giới. Do đó, nếu như thế giới bắt đầu nới lỏng sẽ tạo dư địa để Việt Nam duy trì chính sách nới lỏng.
Năng suất lao động của Việt Nam còn thấp
Với câu chuyện dài hạn, chuyên gia chỉ ra rằng hiện năng suất lao động của Việt Nam còn thấp, chỉ bằng 2/3 so với Thái Lan và 1/8 nếu so với Singapore. Kinh tế đang phát triển theo chiều ngang, thâm dụng lao động giá rẻ, gia công hơn là chiều sâu tập trung vào năng suất lao động, làm chủ công nghệ lõi.
Do đó, rất khó để Việt Nam “cá chép hóa rồng” trong thời gian ngắn mà cần phải 20 - 30 năm nữa. Trước đó, Trung Quốc mất 30 năm để nền kinh tế "hoá rồng", Nhật Bản mất 20 năm, Hàn Quốc mất 40 năm.
"Nhiều nước trên thế giới bị vướng vào một vấn đề là bẫy thu nhập trung bình. Việt Nam phải thực sự quyết tâm của cả nước, bao gồm Chính phủ, người dân, doanh nghiệp chung tay đồng lòng thì mới đưa kinh tế Việt Nam trở thành con rồng của châu Á hay thế giới được", ông Huân nói.
Ông cũng chỉ ra đã qua gần 40 năm kể từ thời kỳ mở cửa nhưng Việt Nam vẫn chưa thực sự bứt phá. Trong tương lai, hai lĩnh vực mà Việt Nam có thể đặt nhiều kỳ vọng là kinh tế số và kinh tế xanh.
Theo kế hoạch của Chính phủ sẽ đưa Việt Nam sang nền kinh tế số, đóng góp 50% GDP trong thời gian tới. Đồng thời, Việt Nam dự kiến chuyển đổi “nền kinh tế nâu” sang “nền kinh tế xanh”. Điều này cũng mở ra cơ hội cho các ngành công nghệ, công nghiệp thân thiện với môi trường. "Đây cũng là hai ngành mà chúng ta có thể quan tâm để đầu tư", ông Huân chia sẻ.