A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm đến hấp dẫn của các nhà sản xuất bán dẫn

Malaysia đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn đối với các công ty sản xuất chất bán dẫn trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung khiến họ phải đa dạng hóa hoạt động.

Biểu tượng Intel tại Santa Clara, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Chuyên gia Kenddrick Chan, Giám đốc dự án quan hệ quốc tế kỹ thuật số của Cơ quan nghiên cứu chính sách đối ngoại - Trường Kinh tế và Khoa học chính trị London (LSE IDEAS) - cho biết: “Malaysia có cơ sở hạ tầng được thiết lập tốt với khoảng 5 thập kỷ kinh nghiệm trong lĩnh vực 'phụ trợ' của quy trình sản xuất chất bán dẫn, đặc biệt là lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói”.

Tập đoàn sản xuất chip khổng lồ của Mỹ Intel - vào tháng 12/2021 cho biết họ sẽ đầu tư hơn 7 tỷ USD để xây dựng một nhà máy đóng gói và thử nghiệm chip ở Malaysia, dự kiến bắt đầu sản xuất vào năm 2024.

Chuyên gia Aik Kean Chong, Giám đốc điều hành Intel Malaysia, cho biết: “Quyết định đầu tư vào Malaysia của chúng tôi bắt nguồn từ nguồn nhân lực đa dạng sẵn có ở nước này, cơ sở hạ tầng tốt và chuỗi cung ứng mạnh mẽ”. Cơ sở sản xuất ở nước ngoài đầu tiên của Intel là địa điểm lắp ráp ở Penang, được thành lập vào năm 1972 với khoản đầu tư trị giá 1,6 triệu USD. Công ty tiếp tục bổ sung một cơ sở thử nghiệm đầy đủ cũng như một trung tâm thiết kế và phát triển ở Malaysia.

Tháng 9/2023, một “gã khổng lồ” về sản xuất chip khác của Mỹ là GlobalFoundries đã mở một trung tâm ở Penang để “hỗ trợ các hoạt động sản xuất toàn cầu” cùng với các nhà máy ở Singapore, Mỹ và châu Âu.

Chuyên gia Tan Yew Kong, Phó chủ tịch cấp cao kiêm Tổng giám đốc của GlobalFoundries Singapore, cho biết: “Các chính sách có tư duy tiến bộ và nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền khu vực cùng với các đối tác như InvestPenang đã xây dựng một hệ sinh thái mạnh mẽ để ngành phát triển mạnh mẽ”.

Nhà sản xuất chip hàng đầu của Đức là Infineon vào tháng 7/2022 cho biết, hãng này sẽ xây dựng mô-đun chế tạo vi mạch thứ ba ở Kulim trong khi Neways, nhà cung cấp chính cho nhà sản xuất thiết bị chip Hà Lan ASML, cho biết vào tháng trước họ sẽ xây dựng một cơ sở sản xuất mới ở Klang.

Chuyên gia Yinglan Tan, đối tác quản lý sáng lập của Insignia Ventures Partners, cho biết: “Lợi thế của Malaysia luôn là nguồn lao động lành nghề trong khâu đóng gói, lắp ráp và thử nghiệm cũng như chi phí vận hành tương đối thấp, giúp xuất khẩu trở nên cạnh tranh hơn trên toàn cầu”. Ông nói thêm rằng vị thế hiện tại của đồng nội tệ (ringgit) của nước này khiến quốc gia Đông Nam Á trở thành một “địa điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài”.

Cơ quan Phát triển Đầu tư Malaysia cho biết trong một báo cáo ngày 18/2 rằng Malaysia nắm giữ 13% thị trường toàn cầu về dịch vụ đóng gói, lắp ráp và thử nghiệm chip. Xuất khẩu thiết bị bán dẫn và mạch tích hợp tăng 0,03% lên 81,4 tỷ USD vào năm 2023, trong bối cảnh nhu cầu chip toàn cầu suy yếu.

Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Malaysia Wong Siew Hai cho biết nhiều công ty Trung Quốc đã đa dạng hóa hoạt động sản xuất sang Malaysia. Chuyên gia Zafrul Aziz, Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia, cho biết hồi tháng Một rằng Malaysia đặt mục tiêu tập trung “xử lý ngoại vi” trong quy trình sản xuất chip, thay cho sản xuất “khâu cuối” như hiện nay. Quy trình sản xuất “xử lý ngoại vi” liên quan đến chế tạo tấm bán dẫn và quang khắc, trong khi các quy trình khâu cuối chỉ tập trung vào việc đóng gói và lắp ráp.

Truyền thông địa phương đưa tin, trong nỗ lực phát triển hệ sinh thái bán dẫn của đất nước và thu hút đầu tư, tháng Một vừa qua Malaysia đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm về chiến lược bán dẫn quốc gia.

Tương tự như Malaysia, các quốc gia Ấn Độ và Nhật Bản đã và đang thu hút các công ty nước ngoài đầu tư vào những nước này với mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất chip lớn cùng với Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.

Tháng 2/2024, Ấn Độ đã phê duyệt xây dựng ba nhà máy bán dẫn với khoản đầu tư hơn 15 tỷ USD. Tháng 6/2023, nước này cũng đã phê duyệt dự án của “gã khổng lồ” chip về bộ nhớ Micron của Mỹ, có kế hoạch thành lập một nhà máy sản xuất ở nước này.

Chất bán dẫn thường được sử dụng rất nhiều trong các thiết bị điện, đặc biệt là trong các ngành sản xuất ô tô và điện thoại, tivi. Ảnh: TTXVN

Trong khi đó, tình trạng "chảy máu chất xám" của Malaysia đang đặt ra thách thức khi người lao động rời khỏi đất nước để có cơ hội việc làm tốt hơn và với mức lương cao hơn.

Ông Lim cho biết: “Điều này có thể xảy ra nếu các công ty đầu tư vào việc nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động ở Malaysia, nhưng lại để mất họ vào tay các đối thủ khác trong khu vực khi họ có đủ kỹ năng”.

Một nghiên cứu chính thức được thực hiện vào năm 2022 cho thấy 3 trong số 4 công nhân Malaysia làm việc ở Singapore là người có tay nghề hoặc bán tay nghề, cho thấy rõ vấn đề chảy máu chất xám của nước này.

Chuyên gia Tan của Insignia Ventures Partners cho biết: “Liệu nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng có được đáp ứng với đủ nguồn cung nhân tài lành nghề trong nước hay không vẫn là một thách thức đang diễn ra”.

Thủ tướng Malaysia, Anwar Ibrahim hồi tháng Chín cho biết chính phủ đang tìm cách thu hút những người Malaysia có tay nghề cao quay trở lại và đóng góp cho đất nước.


Tags: #bán dẫn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: media-booking@carvill-vietnam.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo