Câu chuyện giá nông sản và mục tiêu kinh tế của Ấn Độ
Ngày 16/2, nông dân Ấn Độ ở nhiều khu vực nông thôn phía Bắc đất nước hối thúc chính phủ đảm bảo mức giá hỗ trợ tối thiểu cho tất cả các loại nông sản thông qua luật định.
Ngày 16/2, nông dân Ấn Độ ở nhiều khu vực nông thôn phía Bắc đất nước hối thúc chính phủ đảm bảo mức giá hỗ trợ tối thiểu cho tất cả các loại nông sản thông qua luật định.
Hiện tại, chính phủ Ấn Độ bảo vệ nông dân khỏi tình trạng giá nông sản giảm mạnh bằng cách thiết lập giá mua tối thiểu cho một số loại cây trồng thiết yếu, một hệ thống được thiết lập vào những năm 1960 để hỗ trợ dự trữ lương thực và ngăn chặn tình trạng thiếu hụt. Nông dân mong muốn áp dụng luật này cho tất cả các sản phẩm, qua đó giúp ổn định thu nhập của người làm nông.
Một số cuộc họp giữa đại diện của nông dân và các bộ trưởng liên quan chưa thể giải quyết được bế tắc này. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nông nghiệp Arjun Munda cho biết các cuộc đàm phán "rất tích cực" và hai bên đã thống nhất sẽ họp lại vào ngày 18/2.
Trước đó, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ tiếp tục đà tăng tuần thứ tư liên tiếp, lên mức kỷ lục 542-550 USD/tấn trong tuần từ ngày 5-9/2. Theo các nhà quan sát, điều này có được là nhờ nguồn cung gạo vẫn rất hạn chế, trong khi nhu cầu liên tục giữ ở mức cao.
Một thương gia xuất khẩu có trụ sở tại thành phố Kolkata của Ấn Độ cho biết hoạt động xay xát gạo vụ mới đang được thực hiện, nhưng nguồn cung vẫn bị hạn chế do chính phủ tăng mua hàng dự trữ, và nhiều khả năng sẽ gia hạn lệnh hạn chế xuất khẩu gạo, từ nay cho tới cuộc bầu cử quốc gia vào cuối tháng 11/2024, để kiểm soát giá lương thực.
Trước đó, Thủ tướng Narendra Modi bày tỏ tin tưởng rằng Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp của chính phủ do Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) cầm quyền. Cũng theo ông Modi, Ấn Độ đã xuất hiện một tầng lớp trung lưu mới với những khát vọng riêng. Thu nhập và ngưỡng thu nhập của tầng lớp trung lưu đã được mở rộng.
Trong khi đó, theo các nhà kinh tế, Ấn Độ được dự báo sẽ vẫn là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm 2024. Nhiều yếu tố khác nhau đang giúp thúc đẩy sự tăng trưởng này, bao gồm chính phủ tăng cường chi tiêu và lĩnh vực dịch vụ sôi động trở lại.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), đà tăng trưởng mạnh mẽ của Ấn Độ trong năm ngoái đã đóng góp hơn 3/4 mức tăng trưởng của Nam Á, vốn cũng là khu vực tăng trưởng nhanh nhất trong số các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển.
Trong khi các chủ doanh nghiệp vui mừng vì nền kinh tế Ấn Độ đã tăng trưởng trở lại sau tác động kéo dài của đại dịch COVID-19, họ cũng lo lắng về tình hình lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Ấn Độ dao động trên ngưỡng 4,25% vào năm 2023.
Ấn Độ là nền kinh tế phụ thuộc vào tiêu dùng. Mặc dù nước này vẫn được hưởng lợi từ doanh thu ngày càng tăng, song WB cảnh báo rằng tăng trưởng từ chi tiêu của người tiêu dùng có thể giảm dần do ảnh hưởng của nhu cầu bị dồn nén sau đại dịch cũng nhạt dần.
Do lạm phát lương thực vẫn ở mức cao, chi tiêu đặc biệt của các hộ gia đình có thu nhập thấp có thể bị hạn chế. Các nhà kinh tế dự báo lạm phát sẽ duy trì ở mức trên 4% cho đến tháng 3/2024 và trung bình 4,8% từ tháng 4 trở đi.
Dự báo tổng thể của họ chỉ ra triển vọng tươi sáng cho tăng trưởng của Ấn Độ, ngay cả khi báo cáo mới nhất WB cảnh báo nền kinh tế toàn cầu sẽ trải qua giai đoạn 5 năm tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tồi tệ nhất trong 30 năm qua.
WB cũng kỳ vọng Ấn Độ sẽ giữ vững vị trí dẫn đầu với mức tăng trưởng dự kiến đạt 6,4% trong năm tài chính tiếp theo bắt đầu từ tháng 4/2024, tăng nhẹ từ mức ước tính 6,3% cho năm tài chính hiện tại.
Tổ chức tài chính có trụ sở tại Washington nói thêm rằng đà tăng trưởng của Ấn Độ sẽ được thúc đẩy bởi đầu tư công và bảng cân đối kế toán cải thiện của các doanh nghiệp.
Các chuyên gia tài chính cũng lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ. ông Amar Ambani, Giám đốc điều hành của công ty môi giới đầu tư Yes Securities tin tưởng Ấn Độ sẽ đạt mức tăng trưởng 7% hoặc thậm chí cao hơn một chút so với kết quả dự báo của thị trường.
Tuy nhiên, triển vọng tươi sáng trên vẫn có thể bị cản trở khi môi trường kinh tế toàn cầu vẫn yếu kém, chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các yếu tố như thời tiết khắc nghiệt, xung đột ở Trung Đông và Ukraine.