'Nguồn vốn FDI dồi dào chưa thể kéo kinh tế Việt Nam lên nấc thang giá trị cao hơn'
Sự xuất hiện của các doanh nghiệp FDI không những là mắt xích quan trọng, mà còn tạo đòn bẩy để Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, tuy nhiên chưa thể kéo nền kinh tế lên nấc thang giá trị cao hơn.
Ngày 5/12, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) cùng Viện Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS) tổ chức hội thảo "Liên kết doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu".
Tại hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng VEPR, cho rằng khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với sự góp mặt của nhiều tập đoàn đa quốc gia đã góp phần đưa Việt Nam từng bước tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, nâng cao năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp trong nước.
Sự xuất hiện của các doanh nghiệp FDI không những là mắt xích quan trọng, mà còn tạo đòn bẩy để Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này đã được thể hiện khi khu vực FDI luôn là đầu tàu dẫn dắt xuất khẩu của Việt Nam.
Tỷ trọng của khu vực FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu đã tăng nhanh chóng, từ mức 30% vào năm 1997 khi Việt Nam gia nhập ASEAN lên 65% giai đoạn 2011 - 2015, khoảng 71% giai đoạn 2016 - 2020.
Theo Tổng cục Hải quan, tổng giá trị xuất nhập khẩu của khu vực FDI trong năm 2022 đạt 506,83 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 273,63 tỷ USD, chiếm 73,7% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Giá trị nhập khẩu của khối FDI năm 2022 đạt 233,2 tỷ USD, chiếm 65% tổng giá trị nhập khẩu cả nước.
Cán cân thương mại hàng hóa của khối FDI năm 2022 lên mức thặng dư 40,42 tỷ USD. Như vậy có thể thấy khu vực FDI chiếm ưu thế trong giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam. Điều này cho thấy sự phát triển mạnh của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam và đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp này vào nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, đại diện nhóm nghiên cứu,TS. Nguyễn Quốc Việt, nhận định nguồn vốn FDI dồi dào đã cho Việt Nam một hình ảnh mới trên bản đồ thương mại nhưng chưa thể kéo nền kinh tế lên nấc thang giá trị cao hơn. Nhập khẩu đầu vào để gia công, lắp ráp của Việt Nam có giá trị gia tăng thấp, lan tỏa công nghệ yếu.
Nhóm ngành cơ bản (ngành cấp 1) có tỷ trọng lớn nhất trong xuất khẩu giá trị gia tăng của Việt Nam không chỉ phản ánh thực tế Việt Nam là một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới của các sản phẩm như gạo, cà phê, hạt điều, hạt tiêu và các sản phẩm thủy sản mà còn cho thấy vai trò quan trọng của ngành nông nghiệp trong nền kinh tế quốc dân.
Nhóm ngành dịch vụ (ngành cấp 3) chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 trong tổng xuất khẩu giá trị gia tăng của Việt Nam, chiếm 34% trong năm 2017.
Trong khi đó, tỷ trọng đóng góp vào xuất khẩu của nhóm ngành chế biến, chế tạo (ngành cấp 2) khá khiêm tốn, chỉ chiếm 25% năm 2017 mặc dù nhóm ngành này đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giỏ xuất khẩu của Việt Nam.
Đề cập đến thách thức từ chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng khả năng cạnh tranh trong thu hút FDI của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn khi khung thuế ưu đãi thay đổi. Các quốc gia trong đó có Việt Nam sẽ phải chấm dứt cuộc đua xuống đáy về thuế và các ưu đãi dạng thuế với các nước trong khu vực.
Ngoài ra, các động lực thu hút dòng vốn FDI chất lượng, nhất là các lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ giá trị gia tăng, năng lượng tái tạo hướng tới kinh tế xanh, kinh tế số cũng sẽ gặp không ít thách thức.