Cổ phiếu Bán lẻ thiết bị công nghệ khởi sắc trước thềm sự kiện ra mắt iPhone 15
Sự kiện iPhone ra mắt sản phẩm mới hàng năm luôn là một động lực tăng trưởng lớn với nhóm bán lẻ hàng công nghệ.
Chứng khoán ghi nhận diễn biến kém sắc với việc VN-Index quay đầu giảm sâu gần 18 điểm trong phiên 11/9. Hàng loạt cổ phiếu chịu áp lực điều chỉnh và quay đầu giảm giá mạnh, thậm chí nhiều mã còn giảm sàn. Giữa bối cảnh đó, cổ phiếu nhóm Bán lẻ thiết bị công nghệ trở thành điểm sáng khi bất ngờ ngược dòng thị trường chung để bứt phá tốt.
Đóng cửa, cổ phiếu PET của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco) ghi nhận mức tăng 2,5% lên 30.550 đồng/cp. Cổ phiếu này trong phiên có thời điểm giao dịch sôi động, thị giá tăng sát ngưỡng giá trần trước khi thu hẹp đôi chút về cuối phiên. Tương tự, cổ phiếu DGW của Digiworld chốt phiên tăng 0,2% lên 60.000 đồng/cp trong khi PSD của Dịch vụ Phân phối Tổng hợp Dầu khí – công ty con của PET – tăng 1,2% lên 17.200 đồng/cp.
Trong khi đó, dù đóng cửa tại mức giá đỏ song các tên tuổi lớn Thế giới Di động (MWG) hay FPT Retail (FRT) đều có mức giảm dưới 3%, khá khẩm hơn nhiều so với nhiều nhóm cổ phiếu lĩnh vực khác bị bán mạnh.
Sự bứt phá của cổ phiếu Bán lẻ thiết bị công nghệ ghi nhận ngay trước thềm sự kiện ra mắt bộ bốn mẫu iPhone 15 mới vào ngày 12/9. Cùng với việc công bố 4 dòng iPhone 15 (iPhone 15, iPhone 15 Plus, iPhone 15 Pro và iPhone 15 Pro Max), Apple cũng sẽ giới thiệu về 2 sản phẩm mới khác là Apple Watch Series 9 và Apple Watch Ultra 2. Hiệu ứng đến từ sự kiện đi kèm với kỳ vọng về kết quả kinh doanh hưởng lợi nhờ doanh số bán gia tăng đã thổi một làn gió vào các cổ phiếu nhóm này giúp thị giá ngược dòng tăng rất khả quan.
Kết quả kinh doanh suy giảm, giá cổ phiếu ngược dòng bứt phá
Các doanh nghiệp bán lẻ mang tính chu kỳ rất cao và nhạy cảm với nhu cầu tiêu dùng. Nửa đầu năm 2023, nhóm này đã chịu tác động nặng nề trong bối cảnh thu nhập của người tiêu dùng bị ảnh hưởng, tình trạng thắt chặt chi tiêu, người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên nhu cầu thiết yếu hơn chi tiêu tùy ý. FPT Retail ghi nhận lỗ ròng 213 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2023, riêng chuỗi FPT Shop ghi nhận doanh thu giảm 19% xuống 8.118 tỷ đồng; lỗ ròng 318 tỷ đồng. MWG sau cuộc đua giá rẻ cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế 6 tháng chỉ đạt 39 tỷ đồng, giảm tới 98%.
Tại DGW, mảng điện thoại chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu ghi nhận giảm mạnh, công ty báo lãi sau thuế 6 tháng đạt 169 tỷ đồng, giảm hơn 51% so với cùng kỳ. Tương tự, nhu cầu sụt giảm cũng khiến Petrosetco lợi nhuận sau thuế giảm quá nửa so với nửa đầu năm trước xuống còn 43 tỷ đồng.
Triển vọng nào cho nhóm doanh nghiệp bán lẻ thiết bị công nghệ?
Thị trường chứng khoán phản ánh kỳ vọng tương lai, do đó diễn biến khả quan của nhóm cổ phiếu Bán lẻ thiết bị công nghệ được cho là phản ánh kỳ vọng kết quả kinh doanh phục hồi trong nửa cuối năm 2023 đến năm 2024. Trong đó, sự kiện iPhone ra mắt sản phẩm mới hàng năm luôn là một động lực tăng trưởng lớn với nhóm bán lẻ hàng công nghệ.
Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), kết quả kinh doanh của các nhà bán lẻ ICT nửa cuối năm 2023 sẽ tiếp tục phục hồi nhẹ nhờ niềm tin của người tiêu dùng tăng lên, hoạt động cho vay tiêu dùng được cải thiện, mùa mua sắm và sự ra mắt của các dòng sản phẩm mới, đặc biệt là iPhone 15. Tuy nhiên, đội ngũ phân tích cho rằng sức mua sẽ chỉ phục hồi về mức tăng trưởng ổn định vào năm 2024 khi nền kinh tế và thị trường lao động được cải thiện và bước vào chu kỳ thay thế thiết bị điện tử, trung bình 2 năm.
Đồng quan điểm, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng ngành bán lẻ thời gian tới sẽ được hỗ trợ bởi các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng của Chính phủ; kỳ vọng thu nhập cá nhân, tiêu dùng và hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong nước dần hồi phục; các yếu tố hỗ trợ khác bao gồm mùa tựu trường cuối quý 3, mùa ra mắt các sản phẩm mới trước Tết như iPhone, Samsung,…