Người dân đã lạc quan hơn về tình hình kinh tế hộ gia đình
Báo cáo PAPI năm 2024 cho thấy, chính quyền các cấp trong năm 2024 đã đạt được những bước tiến đáng khích lệ ở một số lĩnh vực trong công tác quản trị địa phương và cung ứng dịch vụ công cho người dân.
Báo cáo chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2024 được công bố với nhiều thông tin đáng quan tâm
Sáng ngày 15/4, tại Hà Nội, Báo cáo chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2024 được công bố với nhiều thông tin đáng quan tâm.
Chỉ số PAPI được thực hiện từ sự hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES), Công ty Phân tích Thời gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam.
Năm 2024, đã có 18.894 người dân được lựa chọn ngẫu nhiên tham gia khảo sát PAPI, đo lường 8 chỉ số nội dung: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; và quản trị điện tử.
Báo cáo PAPI năm 2024 cho thấy, chính quyền các cấp trong năm 2024 đã đạt được những bước tiến đáng khích lệ ở một số lĩnh vực trong công tác quản trị địa phương và cung ứng dịch vụ công cho người dân. Tuy nhiên, những phát hiện từ Chỉ số PAPI 2024 cũng chỉ ra sự khác biệt trong trải nghiệm và cảm nhận của người dân thuộc các nhóm nhân khẩu học khác nhau. Cụ thể, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, người tạm trú và người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa có mức độ hài lòng với hiệu quả quản trị và dịch vụ công thấp hơn so với các nhóm dân cư khác.
Với tác động sâu rộng của cơn bão Yagi, một cơn bão được đánh giá có cấp độ mạnh nhất trong 70 năm qua đã đổ bộ vào Việt Nam, Báo cáo PAPI 2024 đã đi sâu phân tích và nêu bật những trải nghiệm và cảm nhận ngày một rõ nét của người dân về những rủi ro do tác động của biến đổi khí hậu trong năm qua. Báo cáo cũng cho thấy cảm nhận của người dân về sự bấp bênh về điều kiện kinh tế trong tương lai xuất phát từ khoảng trống trong độ bao phủ của bảo hiểm xã hội.
Phản ánh phần nào những cải thiện của nền kinh tế trong năm 2024 so với 2023, Báo cáo PAPI 2024 cho thấy tỷ lệ người trả lời khảo sát đánh giá tình hình kinh tế hộ gia đình là “kém” hoặc “rất kém” đã giảm xuống 10,2% trong năm 2024 - mức thấp nhất kể từ năm 2019. Mặc dù vậy, đói nghèo vẫn là vấn đề đáng quan ngại đứng thứ hai (sau tham nhũng), với tỷ lệ 14,2% số người được hỏi đề cập đến vấn đề này.
Tiếp theo đó là vấn đề việc làm, với 12,64% số người trả lời cho rằng đây là vấn đề cần được ưu tiên giải quyết. Mặc dù Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế 7,09% vào năm 2024, sự bất an trong đánh giá về điều kiện kinh tế hộ gia đình, đặc biệt là của các nhóm dân cư dễ bị tổn thương là một vấn đề rất đáng quan tâm.
Báo cáo cũng chỉ ra mối tương quan chặt chẽ giữa cảm nhận về tình hình kinh tế hộ gia đình và khả năng tiếp cận bảo hiểm xã hội.
“Độ bao phủ bảo hiểm xã hội ngày càng được mở rộng ở Việt Nam, tuy nhiên vẫn còn rất hạn chế. Khảo sát PAPI 2024 cho thấy chỉ có 29% số người trả lời có bảo hiểm xã hội, và tỷ lệ này ở nhóm lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, khu vực phi chính thức và dân tộc thiểu số còn thấp hơn đáng kể. Việc mở rộng độ bao phủ theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 sẽ góp phần giảm thiểu những quan ngại của người dân về đói nghèo và bất ổn kinh tế, ” bà Deirdre Ní Fhallúin, Đại sứ Ai-len tại Việt Nam nhận định.
“Những phát hiện từ khảo sát PAPI năm 2024 cho thấy nhu cầu cấp thiết và cơ hội to lớn của việc thúc đẩy bình đẳng giới, hòa nhập xã hội và khả năng tiếp cận dịch vụ công một cách công bằng thông qua các cải cách quản trị đang được triển khai trong năm 2025”, bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu./.