Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ ra sao trong nhiệm kỳ đầu tiên ông Trump làm Tổng thống?
Mỹ hiện là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, riêng năm 2023 Việt Nam xuất siêu 83 tỷ USD sang thị trường này. Các chuyên gia nhận định với việc cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, các doanh nghiệp xuất khẩu có chứng minh xuất xứ nguồn gốc đặc biệt trong các ngành như dệt may, gỗ... có thể hưởng lợi.
Cũng trong năm đầu tiên ông Trump giữ ghế Tổng thống Mỹ, trong bức tranh tổng quan nền kinh tế Việt Nam, xuất khẩu là một điểm sáng với tốc độ tăng trưởng vượt bậc so với những năm trước. Sự tăng trưởng của xuất khẩu đã đóng góp rất lớn vào việc đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2017.
Cụ thể, theo số liệu từ Bộ Công Thương, tổng kim ngạch cả năm đạt 214,1 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016. Trong đó, Mỹ là thị trường lớn nhất với kim ngạch đạt 41,6 tỷ USD, gấp gần 57 lần con số 730 triệu USD của năm 2000 (thời điểm Hiệp định thương mại Việt Nam - Mỹ có hiệu lực). Tuy nhiên, đối diện với xu hướng bảo hộ tạiMỹ thông qua các biện pháp phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cũng gặp phải không ít khó khăn.
Sang năm 2018, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ tiếp tục tăng trưởng, đạt 47,5 tỷ USD, tăng trưởng gần 14,3%. Năm 2018, Mỹ chiếm tỷ trọng tới 19,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này năm 2018 là một sự khởi sắc đáng kể, bởi đó không chỉ là con số tăng cao hơn bình quân chung cả nước (cả nước 13,2%) mà còn cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng chỉ hơn 8% của năm 2017 so với năm 2016.
Bước sang năm 2019, nền kinh tế thế giới chứng kiến những biến động phức tạp, đa chiều từ xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc, cũng như các thay đổi nhanh chóng về quan hệ kinh tế - chính trị giữa các nền kinh tế lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU, Anh,... Trong bối cảnh đó, thương mại toàn cầu bao trùm một màu ảm đạm. Nhu cầu thấp, xuất khẩu giảm, các nước đều có xu hướng quay lại tập trung vào thị trường nội địa, tăng cường các biện pháp bảo hộ thương mại. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khả quan trong năm này với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm đạt 264,19 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm 2018. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 61,35 tỷ USD, tăng 29,1% so với năm 2018 và chiếm tới 23,2% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Bước sang năm 2020, bất chấp khó khăn từ đại dịch COVID-19, tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước vượt sâu mốc 500 tỷ USD, đạt 545,4 tỷ USD, tăng 5,4% so với năm 2019. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 282,66 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2019 và tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 262,7 tỷ USD, tăng 3,7% so với năm 2019. Đáng chú ý, tỷ trọng xuất khẩu sang một số thị trường lớn ngày càng tăng cao, đặc biệt là Mỹ.
Cụ thể, năm 2020, xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam đạt 77,1 tỷ USD, tăng 25,7% so với năm 2019. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đã tăng từ 19,5% năm 2018 lên 23,2% năm 2019 và 27,3% năm 2020.
Giai đoạn 2020 – 2021, mặc dù đại dịch Covid-19 và xung đột thương mại toàn cầu diễn biến gay gắt, nhưng Mỹ vẫn duy trì vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam tiếp tục vươn lên, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ.
Trong sự khởi sắc chung của bức tranh xuất khẩu sang Mỹ dưới thời ông Trump, thống kê Từ Tổng cục Hải Quan và Bộ Công thương cho thấy có 6 mặt hàng có kim ngạch tăng trưởng ổn định, thậm chí đạt trên 10 tỷ USD/năm là: Máy móc, thiết bị; Dệt may; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; Gỗ và sản phẩm gỗ; Nông, thủy sản; Giày dép
Máy móc và thiết bị là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ. Việt Nam đã và đang xuất khẩu một số lượng lớn máy móc và thiết bị, bao gồm máy móc sản xuất, máy móc nông nghiệp, máy móc đóng gói, thiết bị y tế, thiết bị điện tử, và nhiều loại thiết bị công nghiệp khác. Mặt hàng này đang được đánh giá là có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai, với sự hỗ trợ từ các chính sách và các hiệp định thương mại song và đa phương giữa Việt Nam và Mỹ.
Dệt may là một trong những mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam. Các sản phẩm dệt may xuất khẩu của Việt Nam đến thị trường này chủ yếu là quần áo, giày dép, túi xách, mũ nón, vải dệt kim, và các phụ kiện thời trang khác.
Tiếp đó là Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Với sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử và thông tin, Việt Nam đã và đang sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm điện tử và linh kiện với chất lượng cao và giá thành cạnh tranh, thu hút được sự quan tâm của nhiều khách hàng trên thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ.
Mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ khi Việt Nam là một trong những quốc gia có nguồn lực gỗ phong phú, đa dạng với nhiều loại gỗ có chất lượng cao. Nhờ vậy, Việt Nam đã và đang sản xuất và xuất khẩu nhiều loại sản phẩm gỗ như đồ nội thất, sàn gỗ, cửa gỗ, đồ chơi, sản phẩm trang trí, và các sản phẩm gỗ khác.
Năm 2017, một trong những điểm sáng trong lĩnh vực nông nghiệp là 5 mặt hàng nông sản tươi đầu tiên của Việt Nam là vải, nhãn, chôm chôm, thanh long và vú sữa đã được phép xuất khẩu chính ngạch vào Mỹ. Quốc gia này trở thành thị trường thứ 3 xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam, sau Trung Quốc và EU với kim ngạch đạt 3,43 tỷ USD, tăng nhẹ 2,4% so với năm 2016. Đây là thị trường đứng đầu của Việt Nam về xuất khẩu hồ tiêu, đứng thứ 2 về cà phê, thủy sản, đứng thứ 4 về rau quả.
Kim ngạch xuất khẩu giày dép của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), hiện chiếm tới khoảng 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành giày dép. Ngành giày dép thu hút được các doanh nghiệp nước ngoài nhờ lợi thế nguồn lao động đông đảo, giá nhân công rẻ so với các nước trong khu vực. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu giày dép lớn nhất của Việt Nam.
Là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tính đến năm ngoái, các chính sách kinh tế thay đổir dưới thời bất kỳ vị tân Tổng thống Mỹ nào cũng sẽ có ít nhiều tác động đến kinh tế trong nước, đặc biệt là xuất khẩu.
Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Nhất Việt (VFS), trong kịch bản ông Trump tái đắc cử, chính sách tăng thuế nhập khẩu lên 10 -20% với hàng hóa của tất cả các nước khiến giá hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là những mặt hàng chủ lực như may mặc, thủy sản, thép và tôn mạ… sẽ có giá đắt đỏ hơn. Từ đó giảm khả năng cạnh tranh với hàng hóa nội địa Mỹ. Bên cạnh đó, những cuộc điều tra chống lẩn tránh thuế và bán phá giá làm tăng chi phí và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu Mỹ áp thuế 60% với hàng Trung Quốc, Việt Nam vẫn còn dư địa để mở rộng thị phần bởi số liệu cho thấy tiêu dùng tại Mỹ vẫn duy trì đà phục hồi tốt.
Cũng nhận định về tác động với các ngành xuất khẩu nếu ông Trump tái đắc cử, Agriseco Research cho rằng tác động sẽ là đa chiều. Trong đó, nhóm phân tích dự báo một số nhóm ngành hưởng lợi bao gồm xuất khẩu dệt may (do ngành này thâm dụng lớn, khó có thể bị thay thế bởi doanh nghiệp Mỹ) và gỗ (nhờ tác động tích cực từ chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản).
Với xuất khẩu thép, chuyên gia lo ngại sẽ chịu ảnh hưởng hai chiều từ chính sách thuế. Theo đó trong ngắn hạn ảnh hưởng có thể tích cực, nhưng dài hạn sẽ chịu tác động do định hướng khôi phục ngành thép của Mỹ.
Trao đổi với phóng viên, PGS. TS Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp - Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, nhiều khả năng ông Trump sẽ đánh thuế cao với hàng hoá có xuất xứ từ Trung Quốc, điều này có thể tạo nên một làn sóng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. "Đây là một cơ hội nhận đầu tư, cũng là cơ hội để kết nối hơn với thị trường Trung Quốc. Tôi cho rằng đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam", PGS.TS Lạng nhận định.
Tuy nhiên, nhiều khả năng Mỹ sẽ áp những biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ nền sản xuất trong nước, liên quan đến thuế chống bán phá phá, thuế chống trợ cấp và thuế chống lẩn tránh phòng vệ thương mại. "Nhân cơ hội này, Việt Nam có thể đề nghị Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, để lâu dài tránh được cáo buộc Việt Nam bán phá giá. Theo tôi, chúng ta cần tăng cường hợp tác với Mỹ về lĩnh vực thương mại, đầu tư và thậm chí là có những hợp đồng về năng lượng xanh, năng lượng sạch, khí đốt,...", vị chuyên gia đề xuất.
Trong một góc nhìn thận trọng, các nhà phân tích FinAdvisor nhận định: Các chính sách thương mại có thể trở nên phức tạp và khó dự đoán hơn khi ứng viên Đảng Cộng hòa đắc cử. Bởi ông Trump đã nhiều lần nhấn mạnh về bảo hộ kinh tế Mỹ bằng cách tăng thuế nhập khẩu và hạn chế nhập cư. Điều này gây ra rủi ro lạm phát tại Mỹ, ảnh hưởng gián tiếp đến các đối tác thương mại như Việt Nam.
Đồng thời, trong quá khứ, ông Trump từng đề xuất mức thuế 60% cho hàng hóa nhập từ Trung Quốc và 10% cho tất cả hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Việt Nam nếu nền kinh tế lớn nhất thế giới này coi Việt Nam là "cửa ngõ" cho hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ.
Trong khi đó, ông Frederic Neumann từ HSBC tin rằng, Tổng thống Trump sẽ có xu hướng chọn lọc hơn trong việc áp thuế trước những lo ngại về lạm phát trong nước và do đó, tác động đến Việt Nam có thể không quá nghiêm trọng như dự đoán.