Thúc đẩy tài chính xanh phát triển bền vững
Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu, với cam kết mạnh mẽ trước cộng đồng quốc tế về nền kinh tế “zero” khí thải nhà kính vào năm 2050 tại COP26, cho nên phát triển tài chính xanh được coi là hướng đi đúng đắn để huy động vốn cho nền kinh tế xanh. Việc nghiên cứu thực trạng, đưa ra các kiến nghị nhằm thúc đẩy tài chính xanh phát triển bền vững, ổn định, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững gắn với giảm phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam vào năm 2050 là yêu cầu cấp thiết.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD cho giai đoạn 2022- 2040 để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh bao trùm gắn với chống biến đổi khí hậu, tương đương khoảng 6,8% GDP mỗi năm, trong đó 65% phải được huy động ngoài khu vực công. Đặc biệt, với cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, giảm phát thải khí methane vào năm 2030, nhu cầu đầu tư của Việt Nam vào các dự án giảm thiểu tác động đến môi trường sẽ ngày càng lớn.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đặt mục tiêu phát triển kinh tế bền vững thông qua giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Huy động nguồn lực tài chính xanh và xây dựng danh mục phân loại xanh là cơ sở để Việt Nam thực hiện các mục tiêu này.
Tài chính xanh là các hoạt động huy động và phân bổ nguồn vốn từ các tổ chức tài chính, doanh nghiệp và cá nhân để đầu tư cho các dự án, hoạt động có tác động tích cực đến môi trường và xã hội, hướng đến phát triển bền vững.
Danh mục phân loại xanh (Green Taxonomy) là hệ thống phân loại các hoạt động kinh tế dựa trên tiêu chí về sự bền vững môi trường. Danh mục này giúp các nhà đầu tư, tổ chức tài chính, các cơ quan quản lý xác định các dự án và hoạt động phù hợp với mục tiêu xanh, từ đó đảm bảo tính minh bạch và độ tin cậy của các khoản đầu tư xanh. Xây dựng danh mục phân loại xanh không chỉ hỗ trợ việc thu hút vốn đầu tư, mà còn giúp định hướng chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh của quốc gia.
Các chuyên gia tham dự chuỗi hội thảo “Thúc đẩy đầu tư xanh và thị trường tài chính xanh - Hướng tới mục tiêu Net Zero tại Việt Nam” do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức phối hợp với các đối tác tổ chức tại 3 miền Bắc - Trung - Nam trong năm 2024 nhận định, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đã định hình nền tảng và phát triển với 3 cấu phần, gồm: thị trường tín dụng xanh; thị trường trái phiếu xanh và thị trường cổ phiếu xanh. Bộ Tài chính đã ban hành và triển khai Kế hoạch hành động của ngành Tài chính về tăng trưởng xanh như xây dựng, hoàn thiện các chính sách tài chính liên quan, trọng tâm là phát triển thị trường vốn xanh và các sản phẩm tài chính xanh.
Từ năm 2017 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bước đầu thiết lập Danh mục dự án xanh và xây dựng tài liệu hướng dẫn để phân loại các hoạt động kinh tế, dự án xanh phục vụ công tác thống kê, báo cáo tín dụng xanh, cũng như làm cơ sở cho các chương trình cấp tín dụng xanh và phát hành thí điểm trái phiếu xanh.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 lần đầu tiên đưa quy định về tín dụng xanh (Điều 149) và trái phiếu xanh (Điều 150). Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định chi tiết lộ trình, cơ chế khuyến khích cấp tín dụng xanh và phát hành trái phiếu xanh.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gửi tới Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại để thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát diễn ra sáng 11/2 cho thấy, đến 31/12/2024, dư nợ tín dụng xanh đạt trên 679 nghìn tỷ đồng, tăng 9,37% so với cuối năm 2023, chiếm tỷ trọng trên 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 41%) và nông nghiệp xanh (trên 29%).
Triển khai Chỉ thị số 44/CT-TTg ngày 9/12/2024 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm đẩy mạnh thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng và ban hành tiêu chí môi trường đối với các dự án, hạng mục dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Qua đó tạo lập hành lang pháp lý và kỹ thuật đầy đủ để hình thành, vận hành và điều tiết thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh theo hướng minh bạch, rõ ràng và hiệu quả. Đồng thời, huy động nguồn lực tài chính xanh tiềm năng trong nước và quốc tế để tài trợ cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp.
Theo đó, tiêu chí môi trường đối với dự án đầu tư được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh được xây dựng dựa trên các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong nước, quốc tế để đảm bảo thống nhất các pháp luật về đầu tư; kiểm soát chặt chẽ các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt cần có đánh giá, có quy định phòng ngừa cho các dự án mà trong quá trình vận hành không may gây ra sự cố ảnh hưởng đến môi trường.
Với những nội dung về việc xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh, quy định cụ thể các tổ chức cung cấp về tín dụng xanh, trái phiếu xanh phải đáp ứng và phù hợp với pháp luật; tránh quy định phát sinh các thủ tục hành chính…/.
Hoàng Vân