Tăng tỷ giá USD/VND hạn chế đến nhập khẩu, tích cực cho xuất khẩu
Các nhà nhập khẩu sẽ chịu tác động nhất định khi tỷ giá tăng với những hợp đồng đã ký từ trước, nhưng các nhà xuất khẩu sẽ có cơ hội tăng lợi thế cạnh tranh.
Thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có động thái tăng biên độ tỷ giá đồng USD , nhiều người quan tâm đến việc làm này sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế trong ngắn hạn cũng như dài hạn.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) cho biết, việc NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá đồng USD là một việc làm được ủng hộ.
Bởi vì trước đó, trong suốt một thời gian dài, ngay từ khi đồng USD tăng giá trên toàn cầu, NHNN đã có nhiều nỗ lực trong việc giữ ổn định tỷ giá, nhằm giữ ổn định cho những biến số khác của nền kinh tế trong một thời gian nhất định.
PGS.TS. Nguyễn Đức Thành (cầm mic) cho rằng, NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá đồng USD là một việc làm phù hợp, được ủng hộ.
Tuy nhiên, việc giữ ổn định tỷ giá sẽ tạo nên những chi phí rất lớn cho bản thân NHNN cũng như cho nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi đồng USD vẫn đang mạnh lên trên toàn cầu, các nền kinh tế ngoài nước Mỹ và đặc biệt là các nền kinh tế mạnh xung quanh Việt Nam đã để cho đồng nội tệ của họ yếu đi, điều này vô hình chung đã để cho đồng USD tăng lên một cách thực sự cho phù hợp với diễn biến chung.
Chính vì vậy, Việt Nam cũng phải đi theo xu hướng của nhiều quốc gia, nếu không sẽ mất đi vị thế cạnh tranh giữa nền kinh tế Việt Nam với các nền kinh tế khu vực, và việc sớm muộn cũng phải thay đổi tỷ giá là động thái phù hợp.
“Việc NHNN tăng biên độ tỷ giá đồng USD sẽ có tác động trong ngắn hạn, đó là có thể gây ra một số xáo trộn hơi tiêu cực về mặt tâm lý đối với những nhóm bị ảnh hưởng trực tiếp do tỷ giá. Vì dụ như những món nợ nước ngoài, hay ảnh tỷ giá hưởng nhất định đến các nhà nhập khẩu hàng hóa , nguyên phụ liệu khi có sẵn những hợp đồng đã ký trước đó”, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành chỉ ra.
Nhưng ngược lại theo PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, trong dài hạn, khi thị trường hối đoái được điều chỉnh phù hợp hơn sẽ tạo ra tính tích cực lớn hơn về dòng chảy đối với các nhà xuất khẩu, họ sẽ lấy lại được sự cạnh tranh trong khi đồng tiền trong nước yếu đi.
“Ngoài ra, khi những kỳ vọng cũng như những diễn biến khác trong nền kinh tế được giải tỏa, các tổ chức, doanh nghiệp sẽ có cơ hội sắp xếp lại để chuẩn bị các phương án đầu tư trong môi trường mới ổn định hơn. Giữa việc đánh đổi trong ngắn hạn và dài hạn này, NHNN đã chọn con đường đúng, tạo ra sự ổn định kinh tế vĩ mô trong dài hạn”, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành nhìn nhận./.