A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Suy thoái và lạm phát: 'Cái giá' nào đắt hơn?

Sau khi Fed tăng mạnh lãi suất và kéo giảm kinh tế Mỹ, không ít người cho rằng suy thoái là cái giá quá đắt để kéo giảm lạm phát.

 

Suy thoái và lạm phát: 'Cái giá' nào đắt hơn?

Kinh tế Mỹ đang nhận về sự hoài nghi lớn với không ít nhận định quốc gia này đã rơi vào suy thoái sau khi chứng kiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đi lùi hai quý liên tiếp. Tuy nhiên, các chỉ dấu kinh tế lại cho ra những kết quả trái ngược, làm gia tăng mức độ bất ổn đối với triển vọng nền kinh tế số một thế giới trong thời gian tới.

Và tâm điểm tranh cãi giữa các chuyên gia kinh tế và nhà hoạch định chính sách chính là câu hỏi mang tính quyết định tới tương lai của nước Mỹ: Lạm phát hay suy thoái, điều gì tồi tệ hơn.

Tuy nhiên, không có phương án nào nhận được sự ủng hộ tuyệt đối.

Suy thoái và lạm phát: Cái giá nào đắt hơn? - Ảnh 1.

Lạm phát tại Mỹ hiện cao nhất hơn 40 năm. Ảnh: Bloomberg.

Với  nhiều lần tăng mạnh lãi suất, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khiến cho nhiều người thiên về quan điểm một cuộc suy thoái là điều cần thiết để có thể sớm kiểm soát đà tăng giá “chóng mặt” trong thời gian qua, với tốc độ lớn nhất từng ghi nhận trong hơn bốn thập kỷ.

Ngược lại, cũng có không ít nhà kinh tế và lập pháp phản pháo lại ý kiến trên. Họ cho rằng liều thuốc mang tên suy thoái là cái giá quá đắt để kéo giảm lạm phát.

Và lý tưởng nhất, Fed cần tránh cả hai viễn cảnh trên. Đó cũng là điều mà ngân hàng trung ương Mỹ gọi mà một cú “hạ cánh mềm”, đồng nghĩa với việc cơ quan này sẽ tăng lãi suất lên ngưỡng đủ để kéo giảm nhu cầu thị trường mà không hoàn toàn xóa sổ nó. Đó là kết quả mỹ mãn nhất dù Fed thừa nhận đạt được mục tiêu này là một thách thức không hề dễ dàng, thậm chí càng ngày càng phức tạp hơn.

“Những động thái của Fed tới thời điểm hiện tại chưa gây ra một cuộc suy thoái, nhưng họ đang làm gia tăng khả năng nền kinh tế suy thoái trong thời gian tới”, Bivens, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Chính sách Kinh tế (EPI), chia sẻ trong đầu tháng 8.

Hiện tại, hai khả năng lớn nhất có thể xảy ra. Thứ nhất, lạm phát sẽ tiếp tục tăng cao như chúng ta đang được chứng kiến trong khoảng một năm trở lại đây. Và thứ hai là một cuộc suy thoái, giúp kiểm soát đà tăng giá cả nhưng bên cạnh đó làm tăng tỷ lệ thất nghiệp và kéo giảm tăng trưởng thu nhập của người lao động.

Phe lạm phát

Bivens là người ủng hộ quan điểm “lạm phát cao là điều tồi tệ nhưng suy thoái thậm chí còn tồi tệ hơn”. Lý do là bởi suy thoái sẽ có tác động lớn tới thị trường lao động. “Một cuộc suy thoái đồng nghĩa nền kinh tế của bạn trở nên tụt hậu”, ông chia sẻ với CNN Business.

Lạm phát rõ ràng tác động tiêu cực lên thu nhập thực tế của người tiêu dùng, đó là điều không dễ chịu chút nào. Chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ tăng 9,1% trong tháng 6/2022 so với cùng kỳ năm trước, trong khi tăng trưởng lương của người lao động chỉ tăng 5,3%. Tuy nhiên, Bivens chia sẻ “điều duy nhất mà chúng ta biết về các cuộc suy thoái là chúng kéo giảm tăng trưởng thu nhập nhanh hơn là lạm phát”.

Một trong những luận điểm mà những người phản đối lạm phát đưa ra đó là hiện tượng này có thể gây ra một vấn đề mang tính tâm lý. Một khi quan điểm giá cả sẽ không suy giảm ăn sâu vào tâm lý của người tiêu dùng, nó có thể tạo ra một giai lạm phát cố kết kéo dài, khó có thể phá vỡ. Đây không phải vấn đề có thể coi nhẹ. Nhưng theo đánh giá của Bivens, kinh tế Mỹ vẫn chưa rơi vào tình trạng đó.

Tại Mỹ, lạm phát neo ở ngưỡng 2% trong phần lớn thời gian của bốn thập kỷ qua. Chính vì điều đó, người dân quốc gia này sẽ không cho rằng lạm phát ở ngưỡng 9% sẽ kéo dài.

Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren là một nhân vật nổi tiếng ủng hộ quan điểm lạm phát tốt hơn suy thoái, cho rằng nguyên nhân cho giai đoạn lạm phát hiện tại, trong đó bao gồm cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng và xung đột Ukraine, không nằm trong tầm kiểm soát của Fed.

Lãi suất cao sẽ không giúp kiềm chế giá năng lượng, ông chia sẻ quan điểm trong một bài báo đăng tải trên tờ Wall Street Journal trong tuần trước.

Khi Fed tăng lãi suất, chi phí các khoản vay sẽ trở nên đắt đỏ hơn đối với người dân và doanh nghiệp. Điều đó khiến cho mọi người chi tiêu ít hơn, các doanh nghiệp cắt giảm tuyển dụng, giảm giờ làm hoặc sa thải nhân viên một khu nhu cầu thị trường suy giảm mạnh.

“Điều đó khiến cho hàng triệu người nhận được mức thu nhập thấp hơn hoặc tệ hơn là không nhận được gì”, ông viết.

Phe suy thoái

Một bộ phận khác cho rằng các cuộc suy thoái, dù không phải là một viễn cảnh đáng chờ đợi, nhưng không nhất thiết là một thảm họa. Họ cho rằng tồn những cuộc khủng hoảng “có ích”.

Những người ủng hộ suy thoái tìm đến tự kiện tồn tại trong những năm 70 của thế kỷ trước, thời điểm lạm phát leo thang lên ngưỡng 14% vào năm 1980 và chỉ có thể chị chặn đứng bằng mức lãi suất cao tới “đau đớn” và hai cuộc suy thoái trong những năm đầu thập niên 80.

“Nước Mỹ cần một cuộc suy thoái nhẹ ở thời điểm hiện tại, tuy nhiên một cuộc suy thoái nghiêm trọng như dưới thời Cựu Chủ tịch Fed Volcker là điều cần thiết để có thể phá vỡ xung lực tăng của lạm phát nếu như kỳ vọng lạm phát trở nên cố kết”, theo Nhà kinh tế học Noah Smith.

Nhưng suy thoái luôn là một điều xấu? “Không hẳn!’, Lakshman Achuthan, nhà đồng sáng lập Viện nghiên cứu chu kỳ kinh tế (Economic Cycle Research Institute), trả lời.

“Các cuộc suy thoái có thể được coi là một sự kiện ‘dọn dẹp’ nền kinh tế, giúp loại bỏ những mô hình kinh doanh thiếu hiệu quả, và dọn chỗ cho các doanh nghiệp có tiềm năng”, ông chia sẻ trong một email gửi tới CNN Business. “Hiện tại, nền kinh tế đã thay đổi nhiều sau đại dịch và không ít cơ hội kinh doanh mới đã mở ra”, ông nói.

Ông nhắc tới một số doanh nghiệp nổi bật ra đời sau các giai đoạn suy thoái, ví dụ như Airbnb (2008), Uber và WhatsApp (2009). Các công ty này nổi lên sau một trong những giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử.

Hiện tại, những tranh luận liên quan tới chủ đề nước Mỹ đã rơi vào suy thoái hay chưa chỉ mang tính chất hình thức, vì kết luận cuối cùng sẽ thuộc về NBER. Nhưng không thể phủ nhận, nền kinh tế số một thế giới đang cho thấy dấu hiệu chững lại khi nhu cầu nhà ở suy giảm và niềm tin người tiêu dùng đi xuống.

Và nếu suy thoái có thực sự xảy ra, Chính phủ Mỹ sẽ khó lòng chi tiêu mạnh tay như trong giai đoạn hai năm trước đó, vì đó là một bài học 'đắt giá' đối với họ.


Tác giả: Theo Trọng Đại
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: media-booking@carvill-vietnam.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo