Ngân hàng "khóc ròng" với tài sản bảo đảm là dự án bất động sản
Dự án bất động sản là những tài sản có giá trị lớn, quá trình tiếp nhận, xử lý phức tạp do liên quan nhiều đến các cơ quan nhà nước và có nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành khác điều chỉnh như Luật đất đai, Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật kinh doanh bất động sản…
Tại Hội thảo “Cần Luật hoá Nghị quyết 42 để giải bài toán xử lý nợ xấu ngân hàng” do Báo Lao Động phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng tổ chức mới đây, đại diện nhiều ngân hàng thương mại cho biết còn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề xử lý tài sản bảo đảm.
Trong đó, đại diện PVCombank cho biết vấn đề xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản sau khi thu giữ hoặc tiếp nhận còn nhiều vướng mắc.
Theo vị này, đối với tài sản bảo đảm là dự án bất động sản, đây là những tài sản có giá trị lớn, quá trình tiếp nhận, xử lý phức tạp do liên quan nhiều đến các cơ quan nhà nước và có nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành khác điều chỉnh như Luật đất đai, Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật kinh doanh bất động sản…
Thực tế đã có tài sản bảo đảm là dự án bất động sản PVcomBank tiếp nhận về đang trong quá trình xây dựng dở dang do bên bảo đảm (chủ đầu tư) không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án. Đối với dự án này, do PVcomBank là TCTD không thể tiếp tục triển khai dự án, do vậy cần có nhà đầu tư mới có đủ năng lực để tiếp tục thực hiện dự án.
Bên cạnh đó ngân hàng không được kinh doanh bất động sản nên các thủ tục pháp lý cần thiết để chuyển nhượng và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản cho người mua tài sản sau này cũng cần phải có chủ đầu tư mới thực hiện.
Tuy nhiên, khi PVcomBank tiến hành xử lý dự án bất động sản để thu hồi nợ thì gặp nhiều khó khăn vướng mắc về thủ tục mua bán, chuyển nhượng dự án. Đặc biệt khi khách hàng (chủ đầu tư cũ của dự án) không hợp tác, gây cản trở quá trình xử lý tài sản bằng cách gửi đơn thư khiếu kiện đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn quá trình xử lý tài sản bảo đảm của PVcomBank.
Trước thực trạng trên, PVcomBank đã nhiều lần gửi văn bản báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn đến các cơ quan, tổ chức tại các cấp có liên quan tuy nhiên do còn nhiều cách hiểu và các văn bản pháp luật khác chưa được đồng bộ, nhất quán với Nghị quyết số 42 nên đến nay, PVcomBank vẫn chưa xử lý được tài sản bảo đảm là dự án bất động sản đã tiếp nhận.
Ngoài ra, ngân hàng còn gặp khó khăn khi thực hiện biện pháp nhận tài sản bảo đảm để cấn trừ nghĩa vụ nợ. Bộ Luật dân sự năm 2015 và Luật các TCTD 2010 có quy định phương thức xử lý tài sản bảo đảm là TCTD được quyền nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế nghĩa vụ nợ của bên bảo đảm. Tuy nhiên TCTD chỉ được nắm giữ tài sản bảo đảm là bất động sản trong 03 năm và phải bán để thu hồi nợ. Trong thực tế quá trình bán tài sản có thể bị kéo dài hơn 03 năm do các yếu tố khách quan của thị trường nên thời hạn nắm giữ tài sản trong 03 năm là không đủ, gây khó khăn cho TCTD.
Tài sản bảo đảm là vật chứng của vụ án hình sự, tang vật của vụ án hành chính cũng khiến ngân hàng khó xử lý. Khi gặp tình huống này, PVcomBank thường phải tham gia vụ án với vai trò người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và thường phải theo trình tự giải quyết vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng bị kéo dài có thể lên đến từ 3 đến 5 năm. Trong khi đó tải sản bảo đảm bị giảm sút giá trị theo thời gian và có trường hợp khi giải quyết vật chứng, tang vật thì tài sản bảo đảm bị tịch thu sung công quỹ do đó PVcomBank bị khó khăn thu hồi nợ do khoản nợ không còn tài sản bảo đảm.
https://cafef.vn/ngan-hang-khoc-rong-voi-tai-san-bao-dam-la-du-an-bat-dong-san-20220219111219118.chn