Kiến nghị làm rõ đầu tư dự án cao tốc gần 14.000 tỷ đồng
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đề nghị của UBND tỉnh Quảng Trị về việc đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo theo phương thức đối tác công tư (PPP), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã có văn bản trả lời, trong đó nhấn mạnh cần làm rõ sự phù hợp quy hoạch, sự cần thiết đầu tư, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, tính khả thi và điều kiện đầu tư dự án theo hình thức PPP.
Theo Bộ KH&ĐT quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021, tuyến đường cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo có điểm đầu tại TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị và điểm cuối tại Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Quy mô tuyến đường cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo có 4 làn xe, chiều dài 70km, tiến trình đầu tư trước năm 2030.
Tại Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Quảng Trị đề xuất điều chỉnh hướng tuyến và chuyển điểm đầu cao tốc sang khu vực huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị). Theo Bộ KH&ĐT dù hướng tuyến dự án do UBND tỉnh Quảng Trị đề xuất phù hợp với quy hoạch tỉnh nhưng chưa phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Căn cứ Tờ trình số 18/TTr-UBND ngày 27/2/2024 của UBND tỉnh thì Quảng Trị chưa làm rõ được lợi thế của phương thức đầu tư PPP so với các hình thức đầu tư khác và hiện trạng của tuyến Quốc lộ 9 hiện hữu, song hành với tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Với phương án đề xuất, dự án cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo chỉ kết nối đến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, chưa đảm bảo kết nối với Quốc lộ 1A.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Trị, dự án có tổng mức đầu tư (TMĐT) là 13.952 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn ngân sách Nhà nước tham gia dự án là 9.766 tỷ đồng (chiếm 70%), tuy nhiên thời gian hoàn vốn dự án vẫn rất cao là 28,7 năm. Theo Bộ KH&ĐT, điều này sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn của các nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng.
Theo Bộ KH&ĐT, UBND tỉnh Quảng Trị cần làm rõ hiện trạng tuyến Quốc lộ 9 hiện hữu, song hành với tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo. Ảnh: Khánh Anh |
Trong khi đó, TMĐT hiện chưa tính toán các hạng mục đầu tư như hệ thống giao thông thông minh, trạm dừng nghỉ, lãi vay trong thời gian xây dựng… như vậy sẽ có khả năng kéo dài tiếp thời gian hoàn vốn của nhà đầu tư.
Ngoài ra, trường hợp Quốc lộ 9 được đầu tư nâng cấp, mở rộng trong giai đoạn tới (2026-2030) theo hình thức đầu tư công sẽ giảm lưu lượng vận tải trên tuyến cao tốc. Do đó, ngoài căn cứ theo các cơ sở chính trị và cơ sở pháp lý, cần được nghiên cứu, xem xét kỹ về cơ sở thực tiễn để có thể đánh giá đúng đắn về tính khả thi đầu tư dự án.
Ngoài việc Bộ KH&ĐT yêu cầu tỉnh Quảng Trị xác định rõ số vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho dự án đồng thời yêu cầu tỉnh Quảng Trị làm rõ chính xác việc cam kết sẽ bố trí vốn ngân sách địa phương. UBND tỉnh Quảng Trị cũng cần làm rõ cơ cấu phần vốn ngân sách địa phương tham gia dự án theo từng giai đoạn, trên cơ sở đó đánh giá sự phù hợp với khoản 2 Điều 89 Luật Đầu tư công.
Đối với việc đề xuất đầu tư xây dựng dự án, theo Bộ KH&ĐT, nguồn vốn giai đoạn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 đã được cấp có thẩm quyền phân bổ hết, khó có khả năng cân đối từ ngân sách Trung ương hỗ trợ cho địa phương giai đoạn 2021-2025. Đối với kế hoạch vốn giai đoạn 2026-2030, hiện nay kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 chưa được xây dựng. Do đó, chưa có cơ sở để xác định khả năng cân đối vốn ngân sách Nhà nước cho dự án.
Ngoài ra, trường hợp vốn ngân sách địa phương cam kết thu xếp được 1.000 tỷ đồng cho dự án, phần vốn ngân sách Trung ương cần hỗ trợ giai đoạn 2026-2030 cho dự án là 8.766 tỷ đồng. Theo Bộ KH&ĐT, như vậy là cao hơn 1,5 lần tổng số vốn ngân sách Trung ương (vốn trong nước) giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Quảng Trị là chưa khả thi. Đồng thời, trong giai đoạn 2026-2030 sẽ không còn nguồn để triển khai những nhiệm vụ, dự án quan trọng khác của tỉnh.
Theo phân tích về khả năng cân đối nguồn vốn nêu trên thì dự án vẫn chưa thể xác định khả năng cân đối và bố trí vốn Nhà nước tham gia. Theo đề xuất của tỉnh Quảng Trị, vốn Nhà nước tham gia trên 70% TMĐT, do vậy dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội.
Về việc Quảng Trị đề nghị bổ sung dự án vào danh mục các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. Theo trả lời của Bộ KH&ĐT, hiện nay dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu phương án đầu tư, thế nên đề xuất bổ sung danh mục công trình trọng điểm quốc gia để đôn đốc tiến độ triển khai là chưa cần thiết.
Với những phân tích trên, Bộ KH&ĐT đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Quảng Trị nghiên cứu, rà soát kỹ lại toàn bộ dự án. Trong đó, làm rõ sự phù hợp quy hoạch, sự cần thiết đầu tư, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, tính khả thi và điều kiện đầu tư dự án theo hình thức PPP.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã giao Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải là nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất dư án đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo theo phương thức PPP. Vốn ngân sách Nhà nước tham gia vào dự án là 9.766 tỷ đồng (chiếm 70%), vốn nhà đầu tư huy động là 4.186 tỷ đồng (chiếm 30%).