IMF khuyến nghị Việt Nam ưu tiên chính sách tài khóa khi chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa
Theo IMF, trong bối cảnh dư địa tài khóa rộng rãi trong khi dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ hạn chế, Việt Nam nên ưu tiên chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế.
Ngày 30/8, Ban Giám đốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hoàn thành vòng tham vấn với Việt Nam. Theo các lãnh đạo IMF, Việt Nam nên ưu tiên chính sách tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng khi dư địa chính sách tiền tệ hạn chế.
Kết luận vòng tham vấn, các lãnh đạo IMF đã khen ngợi những động thái nhanh chóng của Chính phủ nhằm duy trì sự ổn định tài chính vĩ mô khi quá trình phục hồi kinh tế sau dịch COVID phải đối mặt với nhiều trở ngại cả từ bên trong lẫn bên ngoài.
Theo IMF, rủi ro đối với Việt Nam vẫn đang ở mức cao và Chính phủ cần cố gắng hơn nữa để ổn định tài chính vĩ mô, tăng cường cải cách và đảm bảo duy trì tăng trưởng mạnh mẽ, xanh và toàn diện trong trung hạn.
Các lãnh đạo cũng lưu ý rằng, với dư địa tài khóa rộng rãi trong khi dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ hạn chế, Việt Nam nên ưu tiên chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế.
Phía IMF hoan nghênh những kế hoạch của Chính phủ nhằm đẩy nhanh đầu tư công, mở rộng mạng lưới an sinh xã hội. Đồng thời, khuyến nghị Chính phủ tiếp tục củng cố khuôn khổ tài khóa trong trung hạn, tăng doanh thu để hỗ trợ những mục tiêu phát triển đầy tham vọng.
Về câu chuyện lạm phát, các lãnh đạo IMF đánh giá cao việc Việt Nam kiềm chế đà tăng của giá cả. Tuy nhiên, tổ chức này cũng nhấn mạnh chính sách tiền tệ cần tiếp tục thận trọng, nhất là trong môi trường vĩ mô phức tạp và dư địa chính sách hạn chế.
Về lĩnh vực tài chính - ngân hàng, IMF nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường sự bền bỉ của hệ thống tài chính thông qua củng cố bộ đệm vốn, loại bỏ dần các chính sách giãn nợ cũng như giải quyết những khoản nợ xấu đang gia tăng.
Theo IMF, Việt Nam cần tăng cường các công cụ quản lý nhằm ngăn ngừa các cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng thông qua việc xây dựng quy trình xử lý và khuôn khổ để cấp thanh khoản khẩn cấp. Các lãnh đạo của IMF cũng hoan nghênh những thay đổi trong Luật TCTD 2024 và khuyến khích những nỗ lực quản lý giám sát sâu rộng hơn nữa.
Với thị trường bất động sản (BĐS) và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), IMF đánh giá cao những động thái kiềm chế rủi ro của Việt Nam. Ngoài ra, cơ quan này cũng hối thúc Chính phủ sớm giải quyết những rủi ro còn tồn tại, bao gồm xây dựng quy định về phá sản, nâng cao thể chế, tính minh bạch trên thị trường TPDN.
Trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, bền vững và toàn diện, IMF nhấn mạnh việc đạt đến thu nhập trung bình khá sẽ đòi hỏi những nỗ lực trong cải cách môi trường kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng và đầu tư vào nguồn nhân lực. Phía IMF hoan nghênh Quy hoạch điện VIII cũng như kế hoạch về Hệ thống Giao dịch Phát thải của Việt Nam.
Về dự báo cho năm 2024, IMF kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ phục hồi lên 6,1%, được hỗ trợ bởi nhu cầu từ bên ngoài, nguồn vốn FDI và những chính sách hỗ trợ.
Tăng trưởng nhu cầu trong nước cũng sẽ phục hồi khi doanh nghiệp dàn xếp các khoản nợ. Lĩnh vực BĐS được dự báo sẽ chỉ hồi phục hoàn toàn trong trung hạn. Lạm phát dự kiến sẽ dao động quanh mục tiêu 4 - 4,5% của Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo Việt Nam đang đối mặt với nhiều rủi ro. Xuất khẩu, động lực chính của nền kinh tế có thể suy yếu nếu tăng trưởng toàn cầu không như mong đợi. Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị và những tranh chấp thương mại vẫn đang gia tăng.
Ngoài ra, chính sách tiền tệ lỏng có thể tạo áp lực lên tỷ giá hối đoái, từ đó dẫn tới lạm phát nóng hơn. Đồng thời, rủi ro từ lĩnh vực BĐS và TPDN có thể gây áp lực lên khả năng tăng trưởng tín dụng của ngân hàng, gây hại cho tăng trưởng và bất ổn tài chính.