A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Hiệp hội Ngân hàng: Khách hàng có thể phải trả chi phí hàng chục nghìn tỷ đồng cho chữ ký điện tử?

Hiệp hội ngân hàng cho rằng, nếu áp dụng quy định về chữ ký điện tử như dự thảo của Bộ Thông tin truyền thông, chỉ tại 1 ngân hàng thương mại Nhà nước, khách hàng có thể phát sinh thêm chi phí lên tới 21.600 tỷ đồng.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa tiếp tục có công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông góp ý Dự thảo Nghị định quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy.

Chi phí hàng chục nghìn tỷ đồng sẽ đổ lên đầu khách hàng?

Theo Hiệp hội, quy định tại Điều 9 dự thảo Nghị định là chưa phù hợp với quy định của Luật Giao dịch điện tử 2023 (luật không cấm) và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các TCTD cũng như làm tăng chi phí cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch điện tử với các TCTD.

Cụ thể, nếu theo quy định của dự thảo Nghị định, thì các loại nghiệp vụ chủ yếu của tổ chức tín dụng như nhận tiền tiết kiệm, nhận tiền gửi, cấp tín dụng, giao dịch ngoại tệ… đều yêu cầu có chữ ký điện tử khi giao kết giao dịch.

Theo đó, người dân và doanh nghiệp giao dịch với ngân hàng trên môi trường điện tử phải mua chữ ký số của các tổ chức cung cấp chữ ký số công cộng và áp dụng vào các giao dịch trực tuyến với ngân hàng, sẽ dẫn đến việc tốn kém chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Bởi vì, các chi phí này người dân và doanh nghiệp phải chi trả, ngân hàng không thể và không bao giờ chi trả chi phí này.

Theo báo cáo của 1 trong 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước thì số lượng khách hàng giao dịch trên kênh số của ngân hàng này ước tính khoảng 12 triệu khách hàng, với số lượng giao dịch 6,5-7 triệu giao dịch/ngày (cả năm khoảng 2,3 tỷ giao dịch, bình quân 500 giao dịch/giây).

Như vậy, khi dự thảo Nghị định có hiệu lực, với mức chi phí khảo sát qua các CA trên thị trường từ 550.000 - 1.800.000 VND/năm thì hàng năm, khách hàng của ngân hàng này phải chi trả dịch vụ CA Provider lên đến từ 6.600 – 21.600 tỷ đồng. Chưa kể các chi phí khác phát sinh liên quan đến đầu tư hạ tầng, phát triển, vận hành hệ thống nội bộ cho ngân hàng và trang cấp chứng thư số cho cán bộ trong nội bộ.

Còn theo báo cáo của 1 ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn, ước tính có khoảng 10,2 triệu khách hàng, lượng giao dịch trung bình phát sinh xấp xỉ 750 triệu giao dịch tài chính/năm, tương đương trung bình khoảng 500 giao dịch/giây.

Chi phí dự kiến phát sinh trong trường hợp toàn bộ các giao dịch trên phải sử dụng chữ ký số: Nếu mua chữ ký số theo năm: 800.000 đồng/ năm (đơn giá trung bình của các nhà cung cấp CA/ Mobile CA), tổng mức chi phí để trang bị chữ ký số cho 10,2 triệu khách hàng là khoảng 8.160 tỷ đồng. Còn nếu mua chữ ký số theo giao dịch: 2.500 đồng/lần ký, tổng mức chi phí để trang bị chữ ký số 1.875 tỷ đồng.

Ngoài ra, chi phí sửa đổi các hệ thống để có thể tích hợp việc sử dụng chữ ký số cũng như lưu trữ các giao dịch đã thực hiện: chưa có con số chính xác nhưng dự kiến sẽ trên 10 triệu USD.

Khách hàng của các ngân hàng có thể phải trả thêm chi phí cho chữ ký điện tử

Khách hàng của các ngân hàng có thể phải trả thêm chi phí cho chữ ký điện tử

“Đây là mức chi phí vô cùng lớn, nếu tính cả hệ thống các tổ chức tín dụng thì hàng năm chi phí này sẽ lên đến bao nhiêu? Ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp” – văn bản của Hiệp hội Ngân hàng đặt vấn đề.

Lo ngại vấn đề an toàn, bảo mật

Ngoài ra, Hiệp hội cũng đặt vấn đề về hệ thống bảo mật, xác thực của các bên cung cấp chữ ký số (với vốn điều lệ khoảng 30 tỷ trở lên) cũng chưa có các đánh giá được mức độ tương thích với hệ thống bảo mật, xác thực giao dịch, xác thực khách hàng của từng ngân hàng.

Điều này dẫn đến tình trạng cùng một giao dịch khách hàng có thể phải xác thực một số lần, giảm rất nhiều trải nghiệm của khách hàng, tăng thời gian giao dịch và gây cản trở việc thúc đẩy chuyển đổi số.

Việc hoạt động giao dịch của ngân hàng phụ thuộc hoàn toàn vào một hoặc một vài tổ chức thứ ba về cung cấp chữ ký số công cộng gây rủi ro rất lớn cho ngành ngân hàng.

“Điều quan ngại đặt ra là liệu các tổ chức này có đảm bảo độ bảo mật, sức tải của hệ thống cấp và ký số... có đảm bảo thông suốt an toàn với số lượng giao dịch vô cùng lớn, hàng tỷ, chục tỷ giao dịch/năm (trung bình 500 giao dịch/giây)? Ai sẽ chịu trách nhiệm về hậu quả này khi các giao dịch bị chậm trễ hoặc ngừng trệ? Điều này ảnh hưởng tới mọi mặt của cuộc sống của người dân và doanh nghiệp và của chính TCTD” – Hiệp hội ngân hàng đặt câu hỏi.

Hiệp hội Ngân hàng cũng chỉ ra tính ứng dụng của quy định về chữ ký điện tử chuyên dùng không khả thi về mặt thực tiễn nếu phạm vi sử dụng bị hạn chế.

Hiện nay, phần lớn các giao dịch với ngân hàng đều áp dụng với chữ ký số và đều là các chữ ký số được cấp phát bởi chính TCTD. Đây cũng chính là mô hình Chữ ký điện tử chuyên dùng đảm bảo an toàn đã được chính thống đưa vào Luật Giao dịch điện tử tại Việt Nam. Các chữ ký điện tử được áp dụng trong lĩnh vực ngân hàng, đều là các chữ ký được miễn phí hoặc có mức phí tượng trưng rất thấp để hỗ trợ người dùng.

Từ lý do nêu trên, Hiệp hội Ngân hàng tiếp tục kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông điều chỉnh Điều 9 dự thảo Nghị định như sau:

Điều 9: Chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn:

2. Chữ ký điện tử chuyên dùng đảm bảo an toàn do cơ quan, tổ chức tạo lập, sử dụng riêng cho hoạt động của cơ quan tổ chức đó phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao gồm:

a) Tổ chức cá nhân sử dụng chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn trong hoạt động nội bộ của cơ quan, tổ chức tạo lập;

b) Tổ chức, cá nhân sử dụng chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn trong các hoạt động chuyên ngành hoặc lĩnh vực có cùng tính chất hoạt động hoặc mục đích công việc và được liên kết với nhau thông qua điều lệ hoạt động hoặc văn bản qui định về cơ cấu tổ chức, hình thức liên kết hoạt động chung;

c) Tổ chức, cá nhân khác sử dụng chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn trong giao dịch với chính cơ quan, tổ chức tạo lập chữ ký điện tử.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: carvillvn.info@gmail.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo