Dự báo VN-Index đạt 1.300 điểm cuối năm, VCSC gợi ý hai "giỏ cổ phiếu" có sức bật tốt nhất
Đội ngũ phân tích dự phóng VN-Index sẽ đạt 1.300 vào cuối năm 2023 (điều chỉnh giảm từ mức 1.400 dự phóng trước đây), cao hơn 29% so với mức đóng cửa năm 2022 tại 1.007 điểm.
VN-Index sẽ đạt 1.300 điểm vào cuối năm
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đánh giá giai đoạn nửa đầu năm 2023 vẫn là giai đoạn đầy thách thức đối với thị trường chứng khoán.
Nguyên nhân đến từ tăng trưởng toàn cầu chững lại làm giảm nhu cầu xuất khẩu. Bên cạnh đó, chu kỳ thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phần nào hạn chế Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, VCSC kỳ vọng triển vọng tích cực trong nửa cuối năm 2023. Thị trường bắt đầu kỳ vọng đà phục hồi tăng trưởng toàn cầu vào năm 2024. NHNN có khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ sau khi chu kỳ thắt chặt tiền tệ của Fed kết thúc.
Dựa vào bối cảnh trên, đội ngũ phân tích dự phóng VN-Index sẽ đạt 1.300 vào cuối năm 2023 (điều chỉnh giảm từ mức 1.400 dự phóng trước đây), cao hơn 29% so với mức đóng cửa năm 2022 tại 1.007 điểm.
Đồng thời, VCSC cũng đưa ra dự báo mục tiêu chỉ số VN-Index vào cuối năm 2024 sẽ đạt 1.500 điểm. Dự phóng VN-Index này phù hợp với tỷ lệ tăng của tỷ trọng vốn hóa thị trường của các cổ phiếu trong danh mục theo dõi của CTCK này.
Dù vậy, VCSC vẫn đưa ra một số rủi ro chính đối với triển vọng tích cực của thị trường như (1)Tăng trưởng toàn cầu giảm tốc cao hơn dự kiến dẫn đến gián đoạn lớn hơn đối với hoạt động sản xuất, thương mại và FDI; (2) Lạm phát cao hơn dự kiến khiến lãi suất duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn;
(3) Các vấn đề tài chính của các công ty phát triển bất động sản ảnh hưởng đến các ngân hàng và nền kinh tế; (4) Chính sách tài khóa thắt chặt hơn dự kiến; và (5) Các rủi ro khác như leo thang của xung đột Nga - Ukraine
Chiến lược đầu tư nào phù hợp?
Mặc dù vẫn có thể có một số rủi ro đối với dự báo lợi nhuận của các công ty trong danh mục theo dõi, song VCSC cho rằng giá cổ phiếu đang được chiết khấu ở mức định giá rẻ. Tỷ lệ P/E trượt và dự phóng 12 tháng của VN-Index tính đến cuối năm 2022 lần lượt là 10,5 lần và 9,5 lần, thấp hơn 2 điểm so với mức trung bình trong 8 năm tính từ cuối năm 2014.
Dựa trên dự báo tăng trưởng EPS của VCSC là 11%/10%/14% cho các năm 2022/2023/2024, P/E tương ứng dự phóng các năm sẽ lần lượt là 10,5 lần/9,5 lần/8,4 lần.
Các cổ phiếu ngân hàng vẫn là một yếu tố ảnh hưởng đáng kế đến dự báo lợi nhuận chung của thị trường. Mặc dù nhóm phân tích đã tăng dự phóng tỷ lệ nợ xấu và chi phí tín dụng giai đoạn 2023/2024 sau khi lãi suất điều hành tăng 200 điểm cơ bản vào tháng 9 - tháng 10/2022. Tuy nhiên, các yếu tố rủi ro cao hơn dự báo có thể dẫn đến khả năng điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận cho ngành ngân hàng và thị trường nói chung.
Về chiến lược đầu tư, đội ngũ phân tích lựa chọn 2 "giỏ cổ phiếu" chia cho 2 giai đoạn.
Thứ nhất, giỏ “tích cực” bao gồm các cổ phiếu là lựa chọn hàng đầu được dự báo sẽ có diễn biến tốt hơn trong kịch bản dự kiến thị trường tăng điểm.
Thứ hai, giỏ “phòng thủ” bao gồm 13 cổ phiếu mà các nhà phân tích cũng đáng giá cao nhưng có đặc điểm phòng thủ tương đối trong ngành tương ứng.
Trong số 11 cổ phiếu phi tài chính trong giỏ “phòng thủ”, 10 cổ phiếu có bảng cân đối kế toán có vị thế tiền mặt ròng tính đến quý 3/2022. Và 8/13 cổ phiếu trong giỏ “phòng thủ” có lợi suất cổ tức năm 2022 trên 4%. Lợi suất cổ tức trung bình năm 2022 của giỏ này là 5,5%.
Trong số các ngành có vốn hóa lớn, VCSC khuyến nghị đánh giá tích cực trong nhóm cổ phiếu tài chính và tiêu dùng vào đầu năm 2023. Mặc dù dự phóng TSR 12 tháng dự kiến cao hơn đối với các nhóm cổ phiếu bất động sản thuộc phạm vi bảo hiểm, nhưng rủi ro về các thông tin kém tích cực đối với nhóm ngành này vẫn còn cao trong nửa đầu năm 2023. Do đó, VCSC sẽ chỉ khuyến nghị tăng tỷ trọng vào các cổ phiếu BĐS khi triển vọng về quá trình tái cấp vốn và bán dự án trở nên rõ ràng hơn.
Hạ Anh