Đối phó với hàng giá rẻ Trung Quốc bán qua thương mại điện tử
Giá trị của thị trường thương mại điện tử tại Indonesia đạt 77 tỷ USD vào năm 2023. Các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã được hưởng thuế thấp ở Indonesia theo các hiệp định thương mại khu vực. Nhưng khi việc bán quần áo, giày dép và thiết bị điện tử giá rẻ tăng vọt trên mạng, chính phủ nước này đã can thiệp để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước.
Devita Ariyanti, một tiểu thương tại thành phố Yogyakarta của Indonesia, đã bán khăn hijab trong 4 năm qua từ một cửa hàng nhỏ. Trước đây, thời gian vận chuyển hàng hoá khiến cô cảm thấy đau đầu. Tuy nhiên hiện tại, vấn đề đã khác.
Theo Rest of World, tiểu thương này đang đối mặt với một mối đe dọa lớn hơn đối với công việc kinh doanh: khăn hijab nhập khẩu giá rẻ trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada và TikTok Shop.
Devita lấy nguồn hàng từ các chợ bán buôn trong thành phố, nơi nổi tiếng với các sản phẩm thủ công truyền thống. Giá của những chiếc hijab dao động từ 150.000 rupiah (9 USD) đến 400.000 rupiah (25 USD), đắt hơn nhiều so với những chiếc hijab rẻ nhất đang được bán trên các trang thương mại điện tử.
“May mắn là tôi có những khách hàng trung thành. Nhưng tôi phải thừa nhận rằng rất khó để cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ bán trực tuyến. Nếu chính phủ muốn hỗ trợ chúng tôi bằng cách tăng thuế nhập khẩu, thì điều đó thật tuyệt vời.”, bà chủ 43 tuổi chia sẻ.
Những người bán hàng nhỏ lẻ như của Devita chính là đối tượng mà chính phủ Indonesia đang muốn bảo vệ. Nhà chức trách Indonesia có kế hoạch áp dụng thuế nhập khẩu lên tới 200% đối với một loạt các mặt hàng bao gồm dệt may, quần áo, giày dép, mỹ phẩm và điện tử.
Các biện pháp này chủ yếu nhắm vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nơi đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây khi các nền tảng thương mại điện tử trở nên phổ biến.
“Nếu chúng ta bị tràn ngập bởi hàng nhập khẩu, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể sụp đổ,” Zulkifli Hasan, Bộ trưởng Thương mại Indonesia, cho biết trong một buổi họp báo vào tháng 7.
Theo dữ liệu của chính phủ Indonesia, những doanh nghiệp này chiếm khoảng 60% tổng sản phẩm quốc nội của đất nước và tạo ra khoảng 120 triệu việc làm. Indonesia là thị trường thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á, chiếm gần một nửa giá trị hàng hóa giao dịch của 8 nền tảng hàng đầu, theo công ty tư vấn Momentum Works.
Giá trị của thị trường thương mại điện tử tại Indonesia đạt 77 tỷ USD vào năm 2023. Các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã được hưởng thuế thấp ở Indonesia theo các hiệp định thương mại khu vực. Nhưng khi việc bán quần áo, giày dép và thiết bị điện tử giá rẻ tăng vọt trên mạng, chính phủ đã can thiệp để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước.
Tổng thống Joko Widodo đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về các sản phẩm giá rẻ sản xuất tại Trung Quốc và kêu gọi người tiêu dùng tránh mua hàng nhập khẩu. Quốc gia này đã áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt nhất trong khu vực đối với việc bán hàng xuyên biên giới online.
Chính phủ đã đặt giới hạn "de minimis" — hàng hóa không phải chịu thuế nhập khẩu nếu giá trị ở dưới tiêu chuẩn này là 100 USD. Tuy nhiên, mức này đã giảm xuống 75 USD và hiện chỉ còn 3 USD. Chính phủ cũng đã cấm mua sắm trên các nền tảng mạng xã hội vào năm ngoái, buộc TikTok Shop phải đóng cửa. Tuy nhiên, nền tảng này đã hoạt động trở lại sau khoảng hai tháng, khi tuyên bố đã đáp ứng đủ các yêu cầu.
Trên khắp Đông Nam Á, các chính phủ khác cũng đang tăng cường áp dụng thuế nhập khẩu cao hơn và cấm hoàn toàn một số mặt hàng. Malaysia đã áp dụng thuế bán hàng 10% đối với hàng hóa nhập khẩu có giá dưới 500 ringgit (106 USD), trong khi Philippines đã áp dụng thuế tạm giữ 1% đối với các nhà bán hàng trực tuyến.
Ở Thái Lan, sự xuất hiện của công ty thương mại điện tử Trung Quốc Temu đã gây ra làn sóng kêu gọi tăng thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu. Simon Torring, đồng sáng lập công ty nghiên cứu Cube Asia, chia sẻ với Rest of World rằng, nhiều khả năng sẽ có thêm các loại thuế và hạn chế đối với các công ty thương mại điện tử trong toàn khu vực.
“Thương mại điện tử đã trở nên quá lớn đến mức tác động rõ ràng cho các doanh nghiệp địa phương,” ông Simon Torring nói.
“Indonesia là quốc gia đầu tiên có những hành động thực sự, và các nhà bán lẻ địa phương ở các nước khác trong khu vực cũng đang gây áp lực lên chính phủ của họ để có những biện pháp tương tự. Việc Temu tiến vào Malaysia và Philippines đang gây ra nhiều lo ngại vì công ty này đã phát triển rất lớn ở châu Âu và Mỹ", ông Simon Torring cho biết thêm.
Các nhà chức trách Indonesia cho biết mô hình bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng Temu sẽ vi phạm luật pháp địa phương yêu cầu các giao dịch phải thông qua một bên trung gian. Shopee, Lazada và TikTok Shop, đều đã thành lập pháp nhân tại Indonesia và lấy hàng hóa từ Trung Quốc để bán trên các nền tảng của họ.
Kế hoạch áp thuế cao hơn của chính phủ sẽ giúp ngành công nghiệp địa phương, theo nhận định của Bhima Yudhistira, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Luật. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng thuế nhập khẩu cao hơn có thể dẫn đến căng thẳng giữa các quốc gia.
Trong khi các quốc gia Đông Nam Á đang cố gắng kiềm chế các công ty thương mại điện tử Trung Quốc, họ cũng đang ra sức chào đón các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc như BYD và GWM, với các khoản trợ cấp và ưu đãi khác để thiết lập nhà máy sản xuất.
Indonesia ghi nhận thâm hụt thương mại với Trung Quốc, nhưng chính phủ nước này đã buộc phải rút lại một số hạn chế nhập khẩu vào đầu năm nay sau khi nhận được khiếu nại về gây ra sự sụt giảm trong sản xuất.
Tại Tanah Abang ở Jakarta, khu chợ dệt lớn nhất Đông Nam Á, nhiều cửa hàng đã đóng cửa vì không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ. Những doanh nghiệp địa phương khác thì buộc phải chuyển sang bán hàng nhập khẩu để tồn tại.