Chuyên gia: Nhiều yếu tố đang tạo áp lực lớn lên tỷ giá USD, không chỉ trong ngắn hạn
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO của AFA Capital, tỷ giá USD đang chịu tác động lớn từ những yếu tố bên ngoài, đặc biệt là chu kỳ giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương và những áp lực này sẽ không chỉ dừng trong ngắn hạn.
Áp lực lên tỷ giá
Tại chương trình “Đi theo dòng tiền” trên kênh Youtube "Tài chính & Kinh doanh", ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO của AFA Capital, đánh giá rằng động thái của các ngân hàng trung ương của Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc, đang tạo áp lực lớn lên tỷ giá. Đồng thời, những áp lực này có thể sẽ duy trì trong dài hạn, chứ không phải ngắn hạn như những dự báo của thị trường.
Chuyên gia chỉ ra rằng từ sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 9, chỉ số USD Index (DXY) đã liên tục leo cao, lên đến cao nhất là gần 105, không khác biệt quá nhiều so với trước khi hạ lãi suất.
DXY là một chỉ số so sánh sức mạnh đồng USD dựa trên một rổ gồm 6 ngoại tệ: euro (chiếm trọng số 57,6%), yen Nhật (13,6%), bảng Anh (11,9%), đô la Canada (9,1%), krona Thụy Điển (4,2%) và franc Thụy Sỹ (3,6%). DXY có sự tương quan rất lớn tới tỷ giá USD/VND.
Ông Tuấn cho biết để hiểu được diễn biến của DXY, nhà đầu tư chỉ cần tập trung phân tích vào ba đồng tiền có trọng số lớn nhất là euro (EUR), yen Nhật (JPY) và bảng Anh (GBP). Trong đó, tác động của EUR đến DXY là lớn nhất.
Phân tích sâu hơn, chuyên gia nhấn mạnh mặc dù cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đều giảm lãi suất nhưng tốc độ giảm là khác nhau.
“Lãi suất của đồng tiền nào giảm nhanh hơn thì giá trị của nó sẽ giảm nhanh hơn”. Trong năm 2024, ECB đã ba lần hạ lãi suất với tổng quy mô 110 điểm cơ bản (bps), lần đầu tiên vào tháng 6. Trong khi đó, Fed mới chỉ hạ lãi suất một lần với quy mô 50 bps.
Đồng thời, triển vọng cắt giảm lãi suất giữa hai ngân hàng trung ương cũng có nhiều khác biệt. Thị trường kỳ vọng tốc độ hạ lãi suất của Fed trong năm nay sẽ chậm lại, trong khi ECB có thể tăng tốc khi lạm phát đã xuống dưới 2%.
Ngoài ra, ông Tuấn cũng chỉ ra rằng tốc độ tăng lãi suất của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) cũng không hề nhanh như kỳ vọng, kéo theo đó là đồng yen cũng không mạnh lên như dự báo trước đó. Yen Nhật là đồng tiền ảnh hưởng nhiều thứ hai đến DXY.
“Chính sách tiền tệ Việt Nam vẫn phụ thuộc vào chính sách của Mỹ cũng như là tốc độ hạ lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn như ECB, BOE hay BOJ …”, chuyên gia nhận định.
Ngoài câu chuyện về chính sách các ngân hàng trung ương lớn và Fed, ông Tuấn còn đánh giá rằng việc Trung Quốc hạ lãi suất xuống thấp sẽ khiến tỷ giá “nhức nhối”.
“Trung Quốc đang nổi lên mà một hiện tượng rất quan trọng trong vấn đề tỷ giá của Việt Nam. Việc Trung Quốc hạ lãi suất rất nhanh đang ảnh hưởng tới thị trường thế giới. Khi Trung Quốc hạ lãi suất thì nhân dân tệ (CNY) giảm, mà nhân dân tệ giảm thì chắc chắn sẽ có áp lực lên Việt Nam.”, ông nói.
Đồng thời, Việt Nam cũng nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Trung Quốc khiến những diễn biến giảm giá của nhân dân tệ sẽ tạo áp lực giảm lên VND.
Cần có cái nhìn dài hạn
Đồng thời, ông Tuấn nhấn mạnh rằng do chu kỳ hạ lãi suất có thể kéo dài một đến hai năm, nên cần có góc nhìn dài hạn về câu chuyện áp lực tỷ giá.
“Thứ nhất, mọi người kỳ vọng Mỹ sẽ hạ lãi suất rất nhanh nhưng theo các ngân hàng đầu tư, triển vọng suy thoái, buộc Fed hạ lãi suất đã không còn nhiều”, ông nói.
Ông Tuấn chỉ đến chỉ số Citi Surprise Index, thể hiện sự khác biệt giữa dự phóng và kết quả thực tế tại nền kinh tế Mỹ. Chỉ số này gần đây đã chuyển từ âm sang dương cho thấy xác suất suy thoái giảm đi và khả năng cao Mỹ sẽ hạ cánh mềm.
Khi khả năng suy thoái thấp đi, Mỹ sẽ không còn phải mạnh tay hạ lãi suất, khiến USD mạnh hơn, trong thời gian lâu hơn. Hiện thị trường tương lai chỉ còn kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm khoảng 40 bps từ nay đến hết năm 2024, tức có khả năng sẽ tạm ngừng trong một cuộc họp. Chỉ một tháng trước đó, thị trường tương lai từng dự đoán Fed sẽ giảm lãi suất tới 100 bps.
Ngoài ra, yếu tố Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục tạo ra áp lực dài hạn lên tỷ giá, ông Tuấn đánh giá. Chuyên gia cho biết Bắc Kinh liên tục hạ lãi suất, tỷ lệ dự trữ bắt buộc để hỗ trợ nền kinh tế và cũng có thể nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến thương mại sắp tới với Mỹ.