'Chuyện buồn' của xăng: Tăng giá do xăng, chưa giảm giá cũng... do xăng?
Trong vòng chưa đầy 1 tháng qua, giá xăng dầu đã giảm gần 7 nghìn đồng/lít, trong khi giá loại mặt hàng hóa dịch vụ khác vẫn… đứng im. Liệu có phải "tại" xăng?
Đây có thể xem là điểm bất hợp lý hay không khi giá xăng dầu tăng thì mọi thứ đồng loạt lên giá còn chiều ngược lại thì... không?
Doanh nghiệp sống nhờ xăng dầu: Tăng thì xin tăng ngay, nhưng giảm thì "còn phải chờ"
Có thể nói, vận tải đường bộ, đường thủy là loại hình dịch vụ chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ giá xăng dầu khi chi phí nhiên liệu chiếm đến 45% hay thậm chí còn cao hơn. Do đó, khi giá xăng dầu ở mức cao hơn 32.000 đồng/lít, hàng chục nghìn tàu thuyền đã phải nằm bờ. Và cho tới ngày 2/8 – khi giá xăng dầu đã 4 lần điều chỉnh giảm, tương đương khoảng 25% so với đỉnh, tức ngang mức giá hồi đầu năm, gần như ngay lập tức, nhiều tàu thuyền của ngư dân đã ra khơi bám biển.
Giá xăng đã giảm, sao giá hàng hóa thì chưa?
Mặc dù vậy, hiện tại các doanh nghiệp vận tải đường bộ, đường thủy khác vẫn chưa có động thái giảm giá nào.
Chia sẻ về điều này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính nói: "Với các doanh nghiệp vận tải đường bộ, đường thủy khác, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 30-50% giá thành của sản phẩm. Khi xăng dầu mới hạ giá lần đầu, chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp vẫn còn lo lắng về việc giảm giá có ổn định không. Nhưng sau đó có 3 lần giảm liên tiếp khác, điều đó cho thấy việc giảm giá ở đây là ổn định.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn chưa giảm giá sản phẩm, có lẽ là do đang chờ động thái từ Nhà nước hoặc có suy nghĩ giá các hàng hóa khác đang tăng cao, giá chi phí cho cán bộ công nhân cũng tăng… Đồng thời, trong thời gian trước, khi giá cả các mặt hàng khác tăng cao còn doanh nghiệp họ chưa tăng được, giờ đây có lẽ họ cũng muốn bù đắp một chút rồi từ từ sẽ có kê khai để giảm giá vận tải".
"Bản chất của doanh nghiệp bao giờ cũng mong muốn có phần thu lớn để từ đó có khoản phòng ngừa lúc giá tăng mà chưa xin tăng được. Tất nhiên, chúng tôi cho rằng điều đó KHÔNG CÔNG BẰNG mà các doanh nghiệp cần phải thực hiện giảm giá ngay bằng việc kê khai xin giảm giá. Đó là điều mà các doanh nghiệp nên làm vì uy tín doanh nghiệp và vì cộng đồng".
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh
Giá thịt lợn từ nông trại tới bàn ăn của mọi nhà tăng 1.7 lần: Oan của xăng dầu
Theo báo cáo, giá thịt lợn hơn ở vào khoảng 68.000 đồng/kg, nếu so với giá thành từ việc chăn nuôi lợn – đâu đó vào khoảng 60.000 đồng/kg thì cả doanh nghiệp và nông hộ đều đã có lợi. Tuy nhiên, điều đáng nói là giá thịt lợn từ các chợ tới tay người tiêu dùng đang ở mức 140.000-150.000 đồng/kg. Nói cách khác, giá thịt lợn từ cửa chuồng trại đang chênh nhau khoảng 1.7 lần. Khâu vận chuyển trung gian đã khiến giá thịt lợn tăng cao, tăng chi phí tiêu dùng của người dân và các tiểu thương tại các chợ đang thường trực nỗi lo ế hàng khi lượng tiêu thụ thịt lợn đang giảm đáng kể.
Giá thịt lợn từ nông trại tới bàn ăn của người dân đang chênh nhau tới... 1.7 lần.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chi phí vận chuyển do xăng dầu chiếm phần không lớn cấu thành nên giá lương thực thực phẩm mà cụ thể ở đây là thịt lợn, khi chỉ ở khoảng 6-8%. Tuy nhiên, ông nhận định giá thịt lợn cao có thể do chi phí thức ăn chăn nuôi trong thời gian trước đây và người chăn nuôi phải bù đắp bằng việc bán giá cao. Bên cạnh đó, một lý do nữa được ông đưa ra là khả năng cung không đủ cầu.
"Điều đó có thể xuất phát từ khả năng tái đàn không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân. Hoặc cũng có thể do tình trạng xuất lậu thịt lợn qua biên giới làm nguồn cung bị giảm đi" – PSG.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định.
Mặc dù vậy, thực tế giá xuất chuồng và giá chăn nuôi cho thấy người nông dân không được hưởng lợi nhiều ở đây mà khâu trung gian nắm mấu chốt trong việc giá thịt lợn tới tay người tiêu dùng có sự chênh lệch lớn so với "giá gốc". Vì thế, khách mời của chương trình Vấn đề hôm nay tin rằng cơ quan quản lý hoàn toàn đủ khả năng để kiểm soát vấn đề này.