Lòng thầy bao dung
Thầy đã đi xa nhưng hình ảnh thầy mãi đậm sâu trong kí ức chúng em.
Minh họa/INT. |
Thầy kính yêu!
Đi giữa sân trường trong mùa yêu này lòng em thấy chộn rộn và xốn xang khó tả. Nhìn lũ trò nhỏ chơi đùa hồn nhiên giữa sân trường gợi cho em nhớ về một thuở thơ xa trong veo, ngọt ngào. Tôi nhớ thầy biết bao!
Nhà em ở cùng làng với thầy – làng Văn Hà, chỉ khác xóm. Trước đây, làng Văn Hà được gọi là rốn lũ, chỉ mưa vài ngày là nước đã dềnh lên, bủa vây bao bọc lấy chân làng.
Ngày ấy, thật tự hào khi cái làng quê bé nhỏ, nghèo khó mà có thật nhiều thầy cô giáo từ cấp một đến cấp ba. Có gia đình bảy người con thì đến năm anh chị em làm nghề giáo. Em may mắn được thầy dạy môn Hóa học suốt cả ba năm cấp ba.
Là lớp Văn nên chúng em sợ lắm khi đến những tiết học có các con số, phương trình hay phản ứng phức tạp. Nhưng những giờ học của thầy vô cùng ấn tượng, thú vị đã xua tan cảm giác lo lắng, căng thẳng của những cô nàng khối C. Nhờ sự kiên nhẫn, tận tình, thấu hiểu từng đối tượng học trò mà thầy đã mang đến cho trò Văn những giờ học Hóa nhẹ nhàng mà không kém phần hấp dẫn.
Thầy còn đặc biệt trong những lời phê khi nhận xét bài kiểm tra. Những dòng chữ đỏ chót với lời phê dí dỏm là điều chúng em mong đợi hơn cả con điểm thầy cho. Hạnh rùa có lần “được” thầy “tặng” cho lời phê: “Muốn cho mau có người yêu/ Em nên sửa chữ đừng xiêu thế này” - chỉ vì nhìn bài bạn không hiểu nên viết liêu xiêu phản ứng hóa học.
Minh cọt có lần bài làm chưa tốt thầy phê: “Tên thì sáng lắm em ơi/ Mà sao bài giải như trời động mưa...”. Đọc những lời thầy phê chúng em cười nghiêng ngả quên cả nỗi buồn bị điểm kém. Thầy hiền từ, điềm đạm và cũng thật dí dỏm thế đó.
Thầy yêu thương chúng em như con, chẳng bao giờ nổi nóng hay trách mắng mà chỉ nhíu mày, bặm miệng mỗi khi trò không hiểu bài rồi thầy lại kiên nhẫn... giảng lại. Biết thế nên chúng em đã thật cố gắng để không phụ công lao và tấm lòng thầy dành cho.
Đường từ làng đến trường cách chừng 2 cây số. Em nhớ mãi kỉ niệm của những ngày đạp xe đến trường cùng đám bạn và thỉnh thoảng có cả thầy. Mỗi sáng sớm, chúng em rủ nhau tập trung tại ngã tư làng, đến khi đông đủ rồi cùng nhau xuất phát để làm sao đến trường trước các bạn làng trên.
Những ngày nắng thì không nói làm gì nhưng những ngày mưa gió hành trình đến trường thật khó khăn. Con đường nhão nhoẹt, sục lên như cháo. Đoạn mới vá thì đất thịt chỉ chực ôm lấy chân người và ôm cả bánh xe.
Bình thường, thầy chạy xe máy nhưng những ngày mưa đường lầy lội thì xe máy chẳng thể nào dắt bộ dễ dàng nên nhiều hôm thầy đành gia nhập hội xe đạp cùng chúng em. Mỗi lần đến đoạn đường xấu, chúng em quần xắn cao, dép bỏ vào giỏ xe, dắt xe đi qua trong sự nặng nề do bùn đất bám riết. Qua được khúc đường ấy mặt nóng bừng, “bở cả hơi tai”.
Cái lần đầu tiên “chưa có kinh nghiệm” xe em và nhỏ Hoa đất bám đầy gác đờ bu không tài nào đi nổi. Hai chúng em nước mắt đã chực trào vì sợ chậm giờ, lo muộn học thì ít mà sợ bị bọn làng trên giật mất giải đến trường sớm hơn thì nhiều. May thay, thầy xuất hiện.
Thầy dừng lại lấy từ giỏ xe một thanh tre nhọn và lần lượt chọt hết bùn đất bám vào gác đờ bu xe cho chúng em. Thầy tặng luôn cả “trợ thủ” và dặn hôm sau nhớ mang theo để dùng. Xong hai đứa rửa vội tay chân bên dòng nước mương rồi cười toe toét đạp xe đến trường mà quên mất cả lời cảm ơn thầy.
Tính thầy ít nói nhưng nói lại vô cùng dí dỏm, hài hước như cách thầy dạy, lời thầy phê trong bài kiểm tra. Em nhớ năm lớp 12, cùng lúc em vừa thi học sinh giỏi tỉnh môn Văn vừa “ôm” luôn môn Lịch sử. Kết quả em chỉ đậu Văn mà “trượt” Lịch sử.
Khi biết kết quả em đã khóc nguyên cả giờ học trước đó. Đến tiết thầy, biết chuyện và nhìn thấy hai mắt em đỏ ngầu, sưng húp, thầy nói một câu khiến em ngừng khóc: “Can chi, thiếu có vài điểm chơ mấy. Có cơ hội cho em thi lại đấy”.
Cả lớp ngạc nhiên, hỏi dồn dập: Được thi lại á thầy? Sao có chuyện đó? Thầy ơi, là thật à?... Thầy vẫn bình thản trong khi em và cả lớp hồi hộp, băn khoăn “ruột nổ đôm đốp”. Thầy nói mặt tỉnh bơ: “Được chơ răng không. Ngày thi biết rồi, ngày 2/7/1999”.
Đó là ngày thi đại học của khóa chúng em. Lúc đó tất cả mới ngớ người ra. À, là vậy, thầy trấn an, động viên em cố gắng dành hết sức cho kỳ thi quan trọng phía trước. Hiểu điều thầy nói, em đã lấy lại tinh thần, phấn chấn hơn.
Thầy làm trong công tác tuyển sinh của trường nên những giờ học cuối năm lớp 12 chúng em vây lấy thầy mà hỏi, không cho thầy nghỉ cả giờ giải lao. Thầy vẫn kiên nhẫn trả lời, hướng dẫn từng đứa, không một lời to tiếng. Riêng em được thầy viết hồ sơ và để làm mẫu cho các bạn khác.
Ngày có giấy báo đậu đại học cũng chính thầy đạp xe đưa đến nhà cho em. Năm đó, lớp em có nhiều bạn đậu vào đại học trong niềm vui của gia đình, nhà trường và cả thầy. Thầy nhớ hết bọn lớp em ai đậu trường gì, tổng bao nhiêu điểm và cả điểm của từng môn thi. Thế đủ biết thầy quan tâm và lo lắng cho chúng em nhường nào.
Chúng em vào đại học mang theo kỉ niệm của thời cấp ba trong sáng, mang theo tình cảm mến thương của thầy dành cho. Mỗi dịp được nghỉ là chúng em tụ họp tại nhà thầy. Những dịp như thế thương cho những cây táo, cây cam bị vặt hết quả chỉ còn trơ lại cành không.
Chúng em vẫn thế, hồn nhiên chưa đủ lớn chắc tại lòng thầy quá bao dung? Những ngày vui tụ họp bên thầy cứ thưa dần, thưa dần khi ra trường mỗi đứa một nơi rồi bận rộn công việc, gia đình. Em trở thành cô giáo dạy Văn như thầy định hướng.
Nhớ lời thầy, em luôn cố gắng trau dồi bản thân, có trách nhiệm với nghề, tận tâm với từng học sinh, yêu thương; dành hết tâm huyết vào mỗi bài dạy như thầy đã từng với chúng em. Em có “điều kiện” hơn các bạn là mỗi lần về mẹ lại có dịp ghé thăm thầy.
Thầy mất đột ngột trong một cơn đau, biết tin chúng em rụng rời. Ngày đưa tiễn thầy ít đứa được về kịp. Em vừa ốm dậy nên không thể tới để đi cùng thầy một đoạn đường cuối. Trời đổ mưa, lũ tràn về làng. Từ quê chồng nhìn đường về quê mẹ trong làn mưa trắng xóa, nước tràn lênh mà thương thầy biết bao! Thế là thầy đã rời xa chúng em thật rồi.
Thầy đã đi xa nhưng hình ảnh thầy mãi đậm sâu trong kí ức chúng em. Tình cảm chúng em dành cho thầy mãi không vơi như tình thầy đã gửi trọn cho chúng em vậy. Mỗi lần về làng em như thấy bóng thầy mãi đứng đó với nụ cười hiền hậu vẫy tay chào. Thầy ơi...