Cô giáo mầm non áp dụng hiệu quả mô hình "lớp học đảo ngược"
Hơn 12 năm trong nghề, cô Nguyễn Thị Hương áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy sáng tạo và hiệu quả, trong đó có mô hình "lớp học đảo ngược".
Cô Nguyễn Thị Hương nhận giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo" lần thứ 8 năm 2024 do Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội trao tặng. |
Tiên phong đổi mới
Cô Nguyễn Thị Hương đến từ Trường Mầm non Tân Hội B (Đan Phượng, Hà Nội) là một trong các giáo viên vinh dự được nhận danh hiệu "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo" lần thứ 8 năm 2024 do Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp cùng Công đoàn ngành Giáo dục Thủ đô tổ chức.
Trong suốt quá trình giảng dạy tại nhà trường, cô luôn dành trọn tâm huyết, tình yêu thương và sự sáng tạo trong công tác giáo dục, góp phần cùng đồng nghiệp kiến tạo một môi trường học tập thân thiện và đầy cảm hứng cho trẻ.
Nhận thấy phương pháp giáo dục truyền thống có phần cứng nhắc và hạn chế, cô đã báo cáo và được BGH thông qua để mạnh dạn áp dụng mô hình “lớp học đảo ngược” trong năm học 2023-2024 vừa qua, với mong muốn mang đến một làn gió mới cho lớp học của mình.
Nữ nhà giáo đã từng bước xây dựng một môi trường học tập thân thiện, với các góc học tập mở, nơi trẻ có thể tự do sáng tạo, ghi chép và chia sẻ ý tưởng. Việc sử dụng bảng thông tin, sơ đồ tư duy, các nguyên vật liệu phong phú đã tạo điều kiện cho trẻ phát huy khả năng tư duy và ngôn ngữ của mình.
Trước mỗi hoạt động từ 1 - 2 ngày, cô giáo sẽ gửi video, câu hỏi và phiếu bài tập cho phụ huynh để bố mẹ đồng hành cùng trẻ trong việc khám phá các chủ đề mới. Khi đến lớp, trẻ được chia thành nhóm nhỏ để thảo luận, chia sẻ ý tưởng và trải nghiệm kiến thức một cách sâu sắc.
"Trẻ được thực hành thông qua thí nghiệm, trò chơi hoặc dự án nhỏ. Cô chỉ là người quan sát, hỗ trợ khi trẻ cần. Mô hình này không chỉ thay đổi cách thức giảng dạy mà còn mở ra một không gian đầy sáng tạo, nơi mà trẻ không chỉ là người tiếp nhận kiến thức mà còn là những nhà khám phá, học tập chủ động", cô Hương thông tin.
Ngoài ra, cô Hương khuyến khích các hoạt động trải nghiệm, từ thí nghiệm đến các trò chơi đóng vai để trẻ có cơ hội áp dụng kiến thức vào thực tế. Cô ứng dụng CNTT trong mô hình “lớp học đảo ngược” với phần mềm như: Quizziz, ABCmouse, Starfall, AI, Classpoint và Plickers cùng một số trò chơi powerpoint vui vẻ khác.
Sau một thời gian áp dụng mô hình “lớp học đảo ngược”, bước đầu đã mang lại những thành quả tích cực: Trẻ hứng thú hơn với việc học tập; kỹ năng tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề và hợp tác của trẻ được phát triển rõ rệt; trẻ tự tin hơn trong giao tiếp và thể hiện bản thân; mối quan hệ giữa giáo viên và trẻ em, phụ huynh ngày càng gắn kết.
Gieo mầm hạnh phúc
Nữ nhà giáo tâm sự: "Với giáo viên mầm non, chúng tôi được truyền cảm hứng bởi những nụ cười hồn nhiên, ngây thơ của trẻ và xem tình yêu thương là chìa khóa mở ra cánh cửa tâm hồn trẻ thơ. Vượt qua mọi vất vả, gian nan của nghề, tôi và các đồng nghiệp luôn tự hào đã góp phần nhỏ bé của mình vào hành trình gieo mầm hạnh phúc".
Bằng tấm lòng của một người mẹ thứ hai, cô Nguyễn Thị Hương luôn dành trọn tình yêu cho từng trẻ, đặc biệt là những trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ tự kỷ hay tăng động. Sự quan tâm và chăm sóc của các cô giáo đã giúp nhiều trẻ hòa nhập và tiến bộ vượt bậc.
Trong hành trình dạy học của mình, cô luôn trăn trở làm thế nào để mỗi giờ lên lớp không chỉ là thời gian học mà còn là những khoảnh khắc đầy hứng khởi và niềm vui cho các con. Đó là động lực thôi thúc cô Hương luôn tìm tòi, mạnh dạn áp dụng phương pháp giảng dạy mới, hiện đại, hiệu quả.
"Tôi mong muốn chia sẻ và lan tỏa những giá trị tốt đẹp này đến tất cả các đồng nghiệp và phụ huynh, để trẻ thấy mỗi ngày đến lớp là một ngày vui, tràn đầy yêu thương và hạnh phúc. Trường Mầm non Tân Hội B sẽ mãi là ngôi nhà ấm áp, nơi mà mỗi trẻ được thỏa sức khám phá, sáng tạo và phát triển bản thân", cô Nguyễn Thị Hương tâm sự.
Có con đang học lớp 5 tuổi tại trường, chị Nguyễn Thị Minh Huế bày tỏ niềm cảm phục trước những tâm huyết, đổi mới của cô Hương khi áp dụng mô hình "lớp học đảo ngược" cho trẻ. Con của chị đã dần biết thuyết trình, tự tin hơn khi giao tiếp và hứng thú khi đi học. Về nhà, bố mẹ đồng hành với con nhiều hơn thay vì xem tivi/điện thoại. Chị mong nhà trường tiếp tục có nhiều cách làm hay để kích thích trẻ sáng tạo hơn.
Theo cô Đỗ Thu Hằng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Hội B, mô hình “lớp học đảo ngược” không chỉ là một phương pháp dạy học mà còn là ước mơ của các cô giáo về một môi trường giáo dục đầy tình thương và sáng tạo. Trong đó, cô Nguyễn Thị Hương là một giáo viên trẻ nhưng rất năng động, nhiệt huyết và chuyên môn vững để mạnh dạn áp dụng nhiều cách làm mới hiệu quả, lan tỏa tới các đồng nghiệp.
Những thành tích cô Nguyễn Thị Hương đã đạt được: Năm học 2023-2024, đạt giải Nhì hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện; chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Có SKKN được công nhận phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng Loại A cấp huyện và được BCH Liên đoàn lao động huyện Đan Phượng khen tặng năm học 2022-2023. Tham gia huấn luyện và trực tiếp dẫn trẻ tham gia giao lưu: “Trẻ mầm non 5 tuổi huyện Đan Phượng” đạt giải Nhì toàn đoàn năm học 2023-2024.