Thành phố Hồ Chí Minh: Y tế cơ sở đang quá tải, phải tăng ca mới hết việc
Thông tin được đưa ra tại chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" số đầu tiên của năm Nhâm Dần 2022 với chủ đề "Y tế cơ sở - Sức khỏe cộng đồng".
Trong 312 trạm y tế phường, xã ở Thành phố Hồ Chí Minh, hơn một nửa chưa có chức danh trưởng trạm. Năm 2021, hơn 1.000 nhân viên y tế cơ sở xin nghỉ việc. Y tế cơ sở còn yếu kém không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, trong khi y tế tuyến trên luôn quá tải.
Tại chương trình, cử tri Phạm Quang Lâm (quận 1) hỏi về thực trạng hoạt động của các trạm y tế trong tình hình bình thường mới. Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết trạm y tế cơ sở đã được khôi phục công năng ban đầu để thực hiện 19 chương trình mục tiêu chăm sóc sức khỏe quốc gia. Khối lượng nhiều, biên chế chưa đủ nên nhân viên y tế cơ sở phải tăng ca, một người đảm đương nhiều việc.
Ông Nguyễn Vũ Trường An - Trưởng trạm y tế phường Tân Quy, quận 7 - cho biết trạm có 5 nhân viên gồng gánh hơn 20 chương trình. Với tình hình mới, trạm không đủ nguồn lực để đáp ứng công việc nên đề xuất thành phố có chính sách thu hút nguồn nhân lực về làm việc tại y tế cơ sở.
Liên quan đến việc thiếu hụt nhân sự tại y tế cơ sở, ông Lâm Hùng Tấn - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh - cho biết theo quy định hiện nay, mỗi trạm y tế chỉ có 5-10 nhân viên y tế. Do đó, trong đợt dịch vừa qua, y tế cơ sở đã không thể đáp ứng hết việc chăm sóc sức khỏe người dân.
Theo ông Tấn, với số lượng nhân viên y tế ít ỏi theo quy định thì chỉ phù hợp với địa bàn phường, xã có 6.000 - 20.000 dân. Tuy nhiên, với dân số tại Thành phố Hồ Chí Minh rất đông, hầu hết các phường, xã có trên 50.000 dân, thậm chí có nơi trên 100.000 dân.
Ông Tấn cho biết thêm, từ thực tế đó, TP đã nghiên cứu và đề xuất các bộ ngành liên quan theo hướng mỗi trạm y tế có ít nhất 10 nhân viên y tế/20.000 dân. Khi thêm 2.000 - 3.000 dân thì cần 1 nhân viên y tế để phù hợp với cơ cấu dân số của từng địa phương.
Cũng tại chương trình, bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết hiện nay, bảo hiểm xã hội đang triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại 178 trạm y tế cơ sở, chỉ chiếm khoảng 60% tổng số trạm của TP.
Trong đó, số thẻ bảo hiểm đăng ký ban đầu hiện nay chỉ trên 9.000 thẻ, chiếm 0,11% số thẻ. Năm 2021, số lượt khám chữa bệnh tại trạm y tế chỉ khoảng 114.000 lượt, chiếm khoảng 0,9% số lượt khám chữa bệnh.
Sau khi lắng nghe những ý kiến đóng góp của cử tri, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị lãnh đạo các sở, ngành khẩn trương xây dựng các biện pháp, đề án "nâng chất" y tế cơ sở, sớm trình UBND Thành phố Hồ Chí Minh để triển khai, đưa vào thực hiện.
UBND Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện đề án Nâng cao năng lực y tế phường, xã, thị trấn. Trong đó, tập trung vào các nội dung: Mạng lưới cơ sở vật chất, trang thiết bị, phát triển nguồn nhân lực, các chế độ chính sách cho nhân viên trạm y tế, phát huy hiệu quả mô hình bác sĩ gia đình; đề xuất Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội triển khai một số cơ chế thí điểm như thanh toán cho mô hình bác sĩ gia đình, khám trực tuyến, xem xét chính sách đặc thù cho trạm... Bên cạnh đó, thực hiện tốt xã hội hóa, kết hợp công tư để chăm sóc sức khỏe cộng đồng tốt nhất có thể. Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ sớm thực hiện quy trình để chuyển quản lý trung tâm y tế từ Sở Y tế về các quận, huyện và TP Thủ Đức theo lộ trình.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết hiện có khoảng 80 dự án đầu tư cơ sở vật chất cho việc chuyển đổi số, đô thị thông minh của thành phố. Sở đã thông qua 5 dự án với kinh phí 2.600 tỉ đồng, đang triển khai giai đoạn đầu. Để cơ sở y tế áp dụng nhiều hơn chuyển đổi số, sở sẽ tiếp tục trình các dự án tiếp theo. Trong giai đoạn 2021-2025, Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua 76 dự án đầu tư lĩnh vực y tế với tổng số vốn 10.700 tỉ đồng. Riêng năm 2022, tổng vốn đầu tư cho 60 dự án của y tế là 5.042 tỉ đồng.