Tập đoàn Than - khoáng sản lên tiếng về cảnh báo đầu tư rủi ro, vay nợ 'khủng'
Trước những cảnh báo của Kiểm toán Nhà nước về việc một số khoản đầu tư tài chính dài hạn còn tiềm ẩn rủi ro, chưa hiệu quả, ngày 23/2, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết vẫn bảo đảm sản xuất kinh doanh tăng trưởng, với doanh thu đạt cao nhất từ khi thành lập.
Mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã công bố kết quả kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2021 của TKV. Thời gian thực hiện kiểm toán diễn ra từ ngày 7/9/2022 đến ngày 31/10/2022.
Theo cơ quan kiểm toán, với nội dung quản lý nợ phải thu, phải trả, kết quả kiểm toán cho thấy còn tình trạng quản lý nợ phải thu chưa chặt chẽ để phát sinh nợ đọng, nợ phải thu khó đòi phải trích lập dự phòng.
Tổng giá trị nợ phải thu khó đòi tính đến ngày 31/12/2021 là hơn 279,1 tỷ đồng, trích dự phòng nợ phải thu hơn 238 tỷ đồng, đối chiếu nợ phải thu, phải trả chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, vẫn còn trường hợp TKV cho khách hàng nợ tiền hàng không đúng quy định theo hợp đồng, dư nợ vượt bảo lãnh thanh toán; chậm hoàn ứng theo quy định của đơn vị.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022, TKV ghi nhận khoản nợ phải trả là 74.400 tỷ đồng, tổng nợ phải trả gấp 1,6 lần vốn sở hữu của TKV.
Vận chuyển than ra cầu cảng tại mỏ than Mạo Khê.
Ngày 23/2, lý giải về số nợ hơn 74.000 tỷ đồng (trên 3 tỷ USD) gấp 1,6 lần vốn chủ sở hữu (45.000 tỷ đồng) được Kiểm toán Nhà nước nêu mới đây, đại diện TKV cho rằng, bất kỳ một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nào cũng cần có nguồn vốn để phục vụ đầu tư phát triển sản xuất và đảm bảo nhu cầu chi tiêu thường xuyên. Bên cạnh nguồn vốn chủ sở hữu, các doanh nghiệp đều phải huy động nguồn vốn từ bên ngoài thông qua các hình thức vay tín dụng, phát hành trái phiếu, xã hội hoá…
Với doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước như TKV, có quy định cụ thể tại Khoản 4 Điều 20 Nghị định số 91 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.
Theo đó, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu năm 2021 của TKV là 1,60 lần, giảm 0,37 lần so với năm 2020 (1,97 lần) và thấp hơn nhiều so với mức trần quy định 3 lần của Nhà nước. “Không chỉ năm 2021 và 6 tháng năm 2022, trong tất cả các năm TKV đều đảm bảo quy định về hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu ở mức an toàn, thấp hơn giới hạn quy định của Nhà nước”, đại diện TKV cho hay.
Liên quan đến những cảnh báo về bảo toàn vốn nhà nước và mức lãi, lỗ của tập đoàn, TKV cho hay, báo cáo tài chính của TKV qua các năm đều có lãi và thực tế TKV đã bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư.
“ Về các khoản nợ của khách hàng, trong đó có EVN , là các khoản công nợ chưa đến hạn thanh toán theo quy định. Trong năm 2021 và 2022, TKV không phát sinh nợ phải thu quá hạn . Tập đoàn không phát sinh nợ quá hạn đối với ngân sách nhà nước, các khoản vay ngân hàng cũng như các khoản công nợ phải trả khác”, TKV cho hay.
Liên quan đến lo ngại về khả năng trả nợ của TKV, tập đoàn này cho biết, tổng doanh thu trên tổng nợ của tập đoàn là 1,86 lần. Lợi nhuận được ghi nhận trên báo cáo tài chính của TKV đã tính đầy đủ các khoản chi trả cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bao gồm cả tiền gốc, lãi vay đến hạn. Hệ số khả năng thanh toán nợ đến đến hạn của tập đoàn năm 2021 là 0,97 lần; tăng 0,07 lần so với năm 2020 (0,90 lần), đảm bảo tính thanh khoản của toàn tập đoàn.
Dù năm 2022 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine, nhưng lại là một năm thành công nhất từ trước tới nay của tập đoàn khi sản xuất kinh doanh tăng trưởng, với doanh thu đạt cao nhất từ khi thành lập. Doanh thu toàn tập đoàn đạt 165,9 ngàn tỷ đồng, đạt 126% kế hoạch, và bằng 119% so với cùng kỳ 2021. Nộp ngân sách Nhà nước đạt 21,35 ngàn tỷ đồng, tăng 3,45 ngàn tỷ đồng so với kế hoạch. Lợi nhuận toàn Tập đoàn đạt 8,1 ngàn tỷ đồng tăng 2,7 lần so với kế hoạch.