Nguy cơ doanh nghiệp teo tóp
Chính phủ vừa đặt mục tiêu đến năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong bối cảnh số DN đang rời khỏi thị trường nhiều hơn DN được thành lập, con số đưa ra thiếu thực tế, khó khả thi.
Theo ông Lực, dù số DN tư nhân Việt Nam ngày càng tăng nhanh nhưng hiện năng lực hội nhập và cạnh tranh kinh tế quốc tế của DN Việt còn hạn chế, mức độ tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu ở mức thấp. DN Việt vẫn chủ yếu là gia công, nhập khẩu để sản xuất, gia công rồi xuất khẩu. “Sức chống chịu của DN Việt còn yếu. Năng lực quản trị DN cũng thấp nhất khu vực ASEAN. Đặc biệt, kinh tế tư nhân mới chỉ đóng góp khoảng 46% trong GDP nên trong 2 năm tới để tăng lên 55% là rất thách thức”, ông Lực nói.
Theo chuyên gia Vũ Đình Ánh, kinh tế Việt Nam đang đối mặt “đám sương mù” với những biểu hiện lạ. Trong quý 1/2023, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 3,32%, chỉ cao hơn thời điểm bùng phát dịch COVID-19 (khoảng 3,21%) trong khi hiện Việt Nam không chịu bất kỳ cú sốc nào. Đặc biệt, khu vực công nghiệp, xây dựng lại tăng trưởng âm. Đầu tàu kinh tế TPHCM chỉ tăng trưởng 0,7%, còn tỉnh trọng điểm công nghiệp như Bắc Ninh lần đầu tiên âm 12%.
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG, cho rằng, trải qua hơn 3 năm ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cùng với những khó khăn hiện nay, DN tư nhân đang “đứt hơi”. “Thời gian qua, nhiều mảng hoạt động của BRG như nhà hàng, khách sạn, sân golf… phải đóng cửa. DN phải cắt giảm số lượng lớn lao động. Thậm chí, hiện nay, DN không dám triển khai bất cứ dự án mới nào vì rất rủi ro”, bà Nga nói.
Theo đại diện một DN, một trong những vướng mắc lớn của các DN hiện nay là phải chịu rất nhiều áp lực bởi các quy định thiếu đồng bộ, thống nhất. Các quy định thay đổi thường xuyên và chồng chéo khiến DN muốn hoạt động ổn định cũng rất khó. Chẳng hạn, chỉ một quy định kiểm soát chặt về vấn đề phòng cháy, chữa cháy nhưng khiến cho hàng loạt DN nhiều lĩnh vực điêu đứng, thậm chí ngừng hoạt động thời gian qua.
“Cứ dăm bữa, nửa tháng lại có cuộc kiểm tra của cơ quan chức năng này, đến cơ quan khác. Nếu thực trạng này vẫn tiếp diễn, DN đối diện với nguy cơ ngày càng teo tóp”, vị này nói.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nói rằng, trước đây chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu DN nhưng hiện mới chỉ khoảng 800.000 DN. Quý 1 năm nay, cả nước có khoảng 60.000 DN rời khỏi thị trường, nhiều hơn con số 57.000 DN được thành lập. “Lần đầu tiên, số lượng DN biến mất lớn hơn số DN thành lập nên mục tiêu 1 triệu DN ngày càng xa vời. Trong 2 năm tới mục tiêu có 1,5 triệu DN càng khó khăn hơn, và nếu không muốn nói là thiếu thực tiễn”, ông Ánh đánh giá.