Hải quan thông quan nhanh hàng hóa, kiến nghị giải pháp để doanh nghiệp phục hồi
Mặc dù số thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu của ngành Hải quan tháng 8/2023 tăng 0,54% so với tháng trước, nhưng tính chung 8 tháng năm nay, tổng số thu ngân sách Nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu vẫn giảm. Từ nay tới cuối năm, Hải quan tiếp tục cải cách thủ tục hành chính đơn giản, rõ ràng, minh bạch, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hoá.
Theo Cục Thuế xuất nhập khẩu (XNK) Tổng cục Hải quan, điểm đáng chú ý trong “bức tranh” XNK 8 tháng năm nay là kim ngạch nhập khẩu chịu thuế đạt 79,5 tỷ USD, bằng 53% dự toán, giảm 19,1% và kim ngạch xuất khẩu chịu thuế đạt 4,7 tỷ USD, bằng 57,5% dự toán, giảm 22,7% so với cùng kỳ năm 2022. Cùng với đó, kim ngạch nhiều nhóm, ngành hàng giảm mạnh, trong đó giảm mạnh nhất là sắt thép; xăng dầu nhập khẩu; chất dẻo nguyên liệu…
Trước tình hình này, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các đơn vị trong toàn Ngành tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp. Trong đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; mở rộng việc ký kết nộp thuế điện tử với các ngân hàng thương mại theo Đề án nộp thuế 24/7 và triển khai mở rộng Chương trình nộp thuế điện tử doanh nghiệp nhờ thu; nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hàng hóa XNK.
“Tiếp tục áp dụng các chuẩn mực quốc tế, quy trình quản lý hải quan hiện đại nhằm tạo thuận lợi tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo giám sát, quản lý chặt chẽ theo đúng quy định; tăng cường chống thất thu qua công tác kiểm tra, giám sát hải quan, quản lý thuế, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ. Phía Hải quan đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; chủ động rà soát, phân loại, thu hồi và xử lý nợ thuế phát sinh trước ngày 1/1/2023; không để phát sinh nợ mới trong năm 2023 qua công tác thanh tra, kiểm tra…”, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết.
Trong bối cảnh nhiều ngành hàng xuất khẩu đang gặp khó khăn, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm liên tục, ngành hàng rau quả lại “lội ngược dòng” ấn tượng trong tháng 8/2023, đạt 464,47 triệu USD, tăng 14,8% so với tháng trước. Kết quả đạt được trong tháng 8 vừa qua đã giúp kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 8 tháng năm nay đạt 3,55 tỷ USD, tăng 61,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, ông Đặng Phúc Nguyên tin tưởng: Với đà tăng trưởng trong năm nay, xuất khẩu rau quả hoàn toàn có thể xác lập kỷ lục 5 tỷ USD. Theo ông Đặng Phúc Nguyên, có được kết quả này là nhờ sự tham gia hỗ trợ rất lớn từ cơ quan Hải quan trong việc tạo thuận lợi thông quan hàng hóa.
“Những thời điểm hàng hóa bị ùn ứ tại cửa khẩu, cơ quan Hải quan đã lập tức bố trí cán bộ công chức làm thêm giờ, mở thêm luồng cho hàng hóa được lưu thông xuất khẩu sang Trung Quốc. Tại các cửa khẩu biên giới, thậm chí tăng giờ làm việc tới cả đêm, tăng ca, tăng kíp để giải phóng tối đa hàng hóa”, ông Đặng Phúc Nguyên chia sẻ. Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, các mặt hàng nông sản, rau quả như: Vải, nhãn, sầu riêng rất dễ bị hỏng, nếu khôngthông quan hàng hóa nhanh, ưu tiên phân luồng, doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại lớn.
*Clip chia sẻ của bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về giải pháp đẩy mạnh thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu:
Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Phòng dịch vụ hải quan, Chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Yusen Logistics (Việt Nam) chia sẻ: Vấn đề doanh nghiệp rất quan tâm là việc cải cách chính sách, thủ tục hải quan để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Do đó sự ra đời của Thông tư 33/2023/TT-BTC quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà Tổng cục Hải quan là đơn vị được Bộ Tài chính giao chủ trì soạn thảo, vừa kế thừa quy định của các Thông tư trước đây, vừa sửa đổi và bổ sung một số điểm có lợi cho doanh nghiệp như: Kéo dài thời gian nộp chứng nhận xuất xứ hàng hóa để hưởng ưu đãi thuế, thay thế hình thức nộp bản giấy bằng bản scan có chữ ký số, làm rõ các sai sót nhỏ không làm ảnh hưởng tới xuất xứ hàng hóa.
Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng thời gian tới, ngành Hải quan tiếp tục duy trì nhịp độ cải cách. Đặc biệt là sớm hoàn thiện và triển khai mô hình “Hải quan số”, “Hải quan thông minh” để cải cách sâu rộng hoạt động trong toàn ngành. “Hải quan cần tăng cường các biện pháp đấu tranh chống gian lận thương mại, vì trong ngành rau quả có hiện tượng gian lận mã số vũng trồng, mã số cơ sở đóng gói; đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng có liên quan trong kiểm soát chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường”, đại diện Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết.
Đại diện Công ty TNHH Yusen Logistics (Việt Nam) đề xuất: ngành Hải quan cần phối hợp hiệu quả với các cơ quan quản lý Nhà nước khác thực hiện triệt để cải cách kiểm tra chuyên ngành để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, tiết kiệm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp; hoàn thiện và triển khai chính sách quản lý với hàng hóa mua bán theo phương thức thương mại điện tử để bắt kịp sự phát triển của loại hình kinh doanh mới này, chống thất thu ngân sách và gian lận thương mại nhưng vẫn tạo thuận lợi cho dòng luân chuyển hàng hóa.
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi "sức khỏe", ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: Môi trường kinh doanh cần phải thay đổi thực chất hơn nữa trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động.
“Cải cách thể chế rất quan trọng giúp giảm các thủ tục hành chính rườm rà, giảm điều kiện kinh doanh không hợp lý. Qua đó giảm được chi phí cho oanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng. Cải cách thể chế không chỉ nhằm cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, mà cần giảm chi phí đầu tư phát sinh từ các quy định pháp luật. Quyết tâm của Chính phủ và các cơ quan chức năng là rất lớn và mục đích cải cách thể chế phải được đặt cao hơn trước đây”, ông Phan Đức Hiếu kiến nghị.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Cộng đồng doanh nghiệp vẫn khó khăn nên từ nay tới cuối năm, Chính phủ và các Bộ, ngành cần những giải pháp và cách thực hiện quyết liệt nhiều hơn nữa để hỗ trợ cho sự phục hồi doanh nghiệp.
“Hiện phần lớn doanh nghiệp vẫn chia sẻ họ khó khăn do gặp phải đến từ những thủ tục hành chính nhiêu khê, rườm rà. Chính phủ và các Bộ, ngành có thể xem xét, tháo gỡ cho doanh nghiệp bởi điều có thể thực hiện ngay không cần huy động nguồn lực tài chính từ ngân sách. Thực tế, yếu tố thể chế chính sách bên trong cũng là những bất cập và rào cản dẫn tới sụt giảm niềm tin của doanh nghiệp. Chính phủ và các bộ, ngành cần có điều chỉnh về chính sách để DN có niềm tin hơn”, bà Nguyễn Minh Thảo đề xuất.